Giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục

Mới đây, Bộ Giáo dục Đào tạo đã quyết định giao quyền thẩm định mở ngành đào tạo mới ở bậc đại học cho các Sở Giáo dục Đào tạo. Ngay sau đó xuất hiện các băn khoăn, lo lắng về sự quá tải về công việc cho cấp cơ sở. Vậy các sở có đủ năng lực và nhân lực để thực hiện nhiệm vụ mới mẻ này hay không, PV TTXVN đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Bùi Văn Ga (ảnh), Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo.

Xin Thứ trưởng cho biết cơ sở pháp lý của việc thực hiện sự phân cấp giao quyền quản lý bậc đại học cho các địa phương?

Việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các địa phương là thực hiện đúng Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; Nghị định số 115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi triển khai việc phân cấp mạnh về quản lý giáo dục đại học cho các địa phương, trong đó có việc giao cho các sở Giáo dục Đào tạo thực hiện kiểm tra, xác nhận một số điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn được phép mở một mã ngành đào tạo mới.

Việc giao thêm quyền thẩm định, mở ngành bậc đại học có phù hợp thực tế hiện nay không? Có “quá sức” với các sở Giáo dục Đào tạo không, thưa Thứ trưởng?

Thực tế hiện nay cho thấy có nhiều tỉnh, thành nước ta chỉ có 1, 2 hoặc không có trường ĐH, CĐ nào. Riêng Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là ba thành phố tập trung nhiều trường thì Chính phủ và Bộ GD - ĐT đã phân cấp giao quyền tự chủ cho hai ĐH Quốc gia và ba ĐH vùng được tự chủ quyết định mở ngành cho các trường thành viên.

Bên cạnh đó không phải tất cả các trường đều đồng loạt mở ngành. Nhiều trường có truyền thống, có kinh nghiệm, thì ngành nghề của họ đã ổn định, nên rất nhiều năm không mở thêm ngành đào tạo. Chỉ còn lại một số trường mới thành lập hoặc mới nâng cấp, hoặc cá biệt có một số ngành nghề mới của các trường.

Vì vậy không có trình trạng các sở GD - ĐT phải chịu quá tải khi được giao kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện tại các cơ sở đào tạo.

Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về nhiệm vụ của các sở GD - ĐT khi thực hiện quyền thẩm định cho phép mở mã ngành đào tạo mới của bậc đại học?

Nhiệm vụ của Sở GD - ĐT là kiểm tra và xác nhận thực tế hai điều kiện cơ bản. Đó là: Đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình phục vụ đào tạo. Cơ sở đào tạo phải gửi hồ sơ cho sở GD&ĐT, sau đó Đoàn kiểm tra của sở GD&ĐT tiến hành kiểm tra thực tế tại trường và lập biên bản xác nhận. Kiểm tra về danh sách đội ngũ giảng viên cơ hữu, kiểm tra sổ lương, sổ bảo hiểm, kèm theo các minh chứng về văn bằng, chứng chỉ, hợp đồng lao động... của từng giảng viên cơ hữu. Việc kiểm tra cơ sở vật chất cũng tương tự, tên máy móc, thiết bị, số lượng, năm sản xuất, số lượng từng giáo trình, tài liệu... Đoàn kiểm tra chỉ đi kiểm tra hiện trạng thực tế của cơ sở đào tạo muốn mở ngành, xem thực tế có đúng như trong hồ sơ hay không, sau đó đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các dữ liệu trong hồ sơ kiểm tra.

Như vậy các sở GD - ĐT chỉ thực hiện các công việc kiểm tra thông thường, không đi sâu về chuyên môn của ngành nghề đào tạo. Các Sở GD - ĐT hoàn toàn có đủ nhân lực, đủ trình độ để thực hiện việc này.

Đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục Đào tạo không kiểm tra chương trình, nội dung, phương pháp, hay việc phân công giảng viên giảng dạy các môn học có đúng chuyên ngành hay không... Việc đó do hội đồng chuyên môn thẩm định chương trình thực hiện. Hội đồng chuyên môn này do chính các trường đại học đủ năng lực chịu trách nhiệm thành lập. Nếu trường chưa đủ điều kiện theo quy định, thì Bộ sẽ chỉ định một trường đủ điều kiện để tiến hành thẩm định chương trình đào tạo cho trường khác. Hội đồng thẩm định này sẽ xem xét: Chương trình đào tạo có đảm bảo khoa học và phù hợp thực tiễn không, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết và thực hành, khối lượng kiến thức...

Trong thời gian tới, lộ trình phân cấp giao quyền tự chủ cho các trường đại học sẽ được mở rộng nhưng không phải đồng loạt mà từng bước, có lộ trình và phù hợp năng lực của các trường. Mặt khác Nhà nước vẫn phải quản lý giám sát việc mở ngành của các trường vì còn phải điều chỉnh để phù hợp với cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia. Nếu để các trường tự mở sẽ xảy ra tình trạng chạy theo những ngành dễ đào tạo mà không đáp ứng được cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hoàng Hoa (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN