Giảm bệnh tật từ bữa ăn ở trường

Bữa ăn ở các lớp bán trú vẫn chưa được chú trọng, chưa đáp ứng đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều học sinh tiểu học TP Hồ Chí Minh bị thừa cân béo phì và thiếu vi chất.


Mới chỉ ăn đủ, ăn sạch


Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để đảm bảo nhu cầu từ 1.500 - 2.100 kcal, các em học sinh phải ăn 4 bữa/ngày. Do học bán trú, nên sẽ có 2 bữa các em ăn ở trường, gồm bữa trưa và bữa chiều. Tuy nhiên, với thực đơn hiện nay của các trường bán trú, 2 bữa ăn này hiện ở nhiều trường vẫn chưa đảm bảo cung cấp 45-50% nhu cầu năng lượng/ngày cho học sinh. "Hiện nay bậc tiểu học của thành phố có 358/474 trường tổ chức bán trú, với trên 213.000 học sinh ăn trưa tại trường (chiếm 80%).


Thế nhưng thực tế cho thấy, phần lớn bữa ăn học đường hiện nay đang thiếu nghiêm trọng chất xơ và các vitamin, do khẩu phần ăn của trẻ chưa hợp lý. Bên cạnh đó, do tất cả trường tiểu học chỉ được xây dựng để phục vụ công tác giáo dục, nên vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn trưa của các em đã trở thành gánh nặng cho các trường tiểu học bán trú", đại diện Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết.


 

Một thực đơn chuẩn trong trường học sẽ góp phần giảm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ. Ảnh: duy trung - ttxvn

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do các trường còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, cũng như còn hạn chế về cơ sở vật chất, dẫn tới việc mới chỉ đảm bảo ăn sạch, ăn no, mà chưa thể xây dựng một bữa ăn đủ, cân bằng chất dinh dưỡng cho trẻ. Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Điệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, thừa nhận: Hiện nay bữa ăn bán trú còn khá đơn điệu, phối hợp không hợp lý. Đa số bữa ăn ở đây dư chất đạm, béo, thiếu rau và trái cây. Hậu quả là dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì, thiếu vi chất ở trẻ ngày càng tăng. Đơn cử, năm 2002 chỉ có 19,8% học sinh tiểu học bị béo phì, nhưng đến nay tỉ lệ này đã lên đến gần 40%. 


Thay đổi từ thực đơn


Theo bác sỹ Nguyễn Tài Dũng, Sở GD- ĐT TP Hồ Chí Minh: Việc thực đơn tại các lớp bán trú thực hiện chưa được đa dạng, ảnh hưởng đến sự ngon miệng đối với học sinh, nên khó đảm bảo việc các em ăn hết suất để nhận đủ giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, phần lớn các trường cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng một bộ thực đơn chuẩn, phong phú, ngon miệng và đặc biệt là đảm bảo cân bằng tỉ lệ các chất dinh dưỡng.


Để góp phần cải thiện bữa ăn bán trú, giảm gánh nặng về bệnh tật ở trẻ em, vừa qua Sở GD - ĐT và Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh đã ra mắt bộ thực đơn và bộ minh họa thực phẩm giáo dục kiến thức dinh dưỡng dành cho học sinh tiểu học bán trú, gồm 40 thực đơn chuẩn cho bữa trưa và bữa chiều, sẽ được áp dụng lần lượt tại các trường tổ chức bán trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.


Bộ thực đơn mới gồm các món phong phú và đa dạng, không trùng lặp, với các loại thực phẩm như: trứng, thịt, cá, đậu phụ, hải sản, rau, củ, quả… Những thực phẩm này được sử dụng ít nhất 1 lần trong tuần. Với một suất ăn như trên sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ; trong khi giá thành lại hợp lý, chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/suất.


"Bộ thực đơn này đã được áp dụng tại một số trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại quận 11, đã có 8 trường tiểu học áp dụng bộ thực đơn và đạt kết quả khá khả quan", bà Nguyễn Lệ Thu, Phó phòng GD-ĐT quận 11, cho biết. Cũng theo bà Thu, sau thời gian thí điểm áp dụng bộ thực đơn mới vào sử dụng, tình hình dinh dưỡng của học sinh tiểu học bán trú đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như ở trường tiểu học Trần Văn Ơn, từ 62 học sinh béo phì vào tháng 11/2012, đến nay đã giảm xuống còn hơn 40 em.


Còn theo bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Điệp, việc áp dụng bộ thực đơn này bước đầu đã đạt được các mục tiêu đề ra bước đầu, đem lại hiệu quả cao. Trong đó, 73,2% phụ huynh cho biết con em thích ăn thực đơn mới, 70,1% phụ huynh đánh giá thực đơn đảm bảo dinh dưỡng và 66,9% học sinh thấy thực đơn ngon, 62,8% học sinh tin tưởng thực đơn giúp các em khỏe mạnh hơn.


Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN