Gia Lai thu hút nhân lực trình độ cao

Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao nguồn nhân lực trong các cơ quan Nhà nước, nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tỉnh đã thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho gần 200 thạc sĩ, 50 bác sĩ chuyên khoa I, hai bác sĩ chuyên khoa II và ba tiến sĩ; thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh với 255 người, trong đó có một tiến sĩ, bốn bác sĩ chuyên khoa I, 92 thạc sĩ và 158 người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc.

Học sinh dân tộc theo học tại trường Dân tộc nội trú huyện Chư Sê.


Tuy nhiên, so với nhu cầu, con số trên vẫn còn thiếu và nhất là trên các lĩnh vực mang tính chất quan trọng và cấp thiết như quản lý, y tế, giáo dục... Kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, việc thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo vẫn còn mang tính dàn trải, chưa xác định rõ đối tượng nào nên được ưu tiên cử đi học, công tác quy hoạch đào tạo sau đại học chưa trọng tâm, đào tạo chưa sát với nhu cầu cấp thiết của xã hội. Hiện nay, số cán bộ công viên chức người dân tộc thiểu số có trình độ đại học còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp muốn được cử đi học sau đại học để nâng cao trình độ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chính sách thu hút lực lượng cán bộ khoa học, quản lý và lao động có trình độ, tay nghề cao còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là mức kinh phí hỗ trợ cũng như các điều kiện về nhà ở, sinh hoạt cho các lực lượng thu hút còn nhiều hạn chế và khó khăn về nhiều mặt.

Tỉnh Gia Lai có hơn 1,3 triệu dân, trong đó có đến 45% số dân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bahnar và J'rai sinh sống ở 2.000 buôn làng. Toàn tỉnh hiện có 754 trường với trên 340 ngàn học sinh theo học các cấp.

Theo báo cáo UBND các huyện, thị xã, thành phố, chính sách hỗ trợ nhà ở cho lực lượng thu hút gần như chưa thực hiện được. Hơn nữa, người có trình độ cao về công tác tại tỉnh hiện nay, hầu hết đều phải chờ đến kỳ tuyển dụng mới được nộp hồ sơ thi tuyển cạnh tranh, rất ít trường hợp được xét, tuyển dụng ngay theo quy định Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh và Quyết định 39 của UBND tỉnh. Từ thực tế đó, một số người có trình độ thu hút đều có xu hướng muốn nghỉ việc, chấp nhận đền bù toàn bộ kinh phí đào tạo và các khoản hỗ trợ của tỉnh để chuyển đến các tỉnh, thành phố khác có điều kiện tốt hơn nhận công tác.

UBND tỉnh Gia Lai đang xây dựng một số chính sách cụ thể đối với công tác đào tạo và thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh như nâng mức hỗ trợ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học (hệ chính quy - trường công lập) loại xuất sắc, giỏi; bác sĩ chuyên khoa I và II, thạc sĩ, tiến sĩ, người có trình độ cao ngành khoa học... Trên cơ sở xác định rõ danh mục ngành, nghề trình độ cao cần thu hút trong từng giai đoạn theo nhu cầu thực tế của từng địa phương và từng sở, ngành, tỉnh cũng đang xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ công viên chức là người dân tộc thiểu số được đi đào tạo đại học và sau đại học; chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành Quy định về giao đất xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức được điều động về tỉnh công tác, tạo môi trường thuận lợi cho công tác thu hút nhân lực có trình độ cao yên tâm công tác tốt.

Bài và ảnh: Văn Thông
Thực hiện tốt chính sách cử tuyển
Thực hiện tốt chính sách cử tuyển

Chính sách cử tuyển học sinh ở các vùng đặc biệt khó khăn vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là cơ hội tốt để đào tạo nguồn cán bộ, trí thức có trình độ chuyên môn cao cho địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN