Đưa văn hóa đọc đến với học sinh vùng cao biên giới

Chỉ bằng một chiếc xe ô tô lưu động, hàng năm, Thư viện tỉnh Sơn La đã mang hàng nghìn cuốn sách đến khắp các trường học ở mọi bản làng, gieo tri thức cho các học sinh vùng cao biên giới, giúp các em tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo đa dạng, phong phú, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc tại cơ sở.

Chú thích ảnh
Các em học sinh vùng cao Sơn La được tiếp cận với nhiều loại sách báo bổ ích thông qua xe thư viện lưu động. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Sơn La là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước thụ hưởng mô hình "Xe thư viện đa phương tiện lưu động" do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai. Tại Sơn La, mô hình được thực hiện từ năm 2017 với hai hình thức song song là thư viện đọc sách truyền thống và thư viện tra cứu điện tử. 

Thư viện đọc sách truyền thống bao gồm hơn 6.000 đầu sách với các chủng loại đa dạng, phong phú; được bố trí tại các giá, ngăn trên xe ô tô. Các đầu sách thường xuyên được luân chuyển tại "Kho lưu động tại nhà", bảo đảm phù hợp với các đối tượng phục vụ trong từng chuyến đi. Đối với thư viện tra cứu điện tử được trang bị gồm 1 máy chủ và 7 máy tính có kết nối mạng Internet để phục vụ khai thác, tìm kiếm thông tin tại chỗ.

Em Phặng A Sơn, học sinh lớp 7A, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Sai, huyện Sông Mã, chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được đọc sách tại xe thư viện. Em thấy có rất nhiều loại sách mới, hay. Ngoài ra, em rất thích được thoải mái sử dụng máy tính để tra cứu thông tin trên mạng Internet, rất nhiều thông tin bổ ích và lý thú. Em mong có nhiều xe thư viện đến phục vụ tại trường để các bạn em cũng có được trải nghiệm như em. 

Theo thầy Lưu Quốc Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Sai, huyện Sông Mã, thư viện của trường hiện chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo và các tài liệu được cấp phát, đáp ứng đươc nhu cầu cơ bản của các em học sinh. Vậy nên trải nghiệm xe thư viện rất thiết thực, ý nghĩa với các em. Qua đây, các em được bổ sung, hoàn thiện kiến thức, nâng cao vốn hiểu biết, trang bị những năng sống, kỹ năng thực hành trong cuộc sống và học tập. 

Năm 2019, Thư viện tỉnh Sơn La đã tổ chức 67 chuyến xe lưu động, phục vụ hơn 37.200 lượt người dân, học sinh đến đọc sách và đáp ứng hơn 20.300 lượt truy cập, tra cứu máy tính.

Chị Lương Thị Loan, Phó Trưởng phòng Phục vụ và Xây dựng phong trào Thư viện tỉnh Sơn La cho biết, ngoài các hoạt động tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo, Thư viện tỉnh Sơn La đã thực hiện đa dạng hóa các hoạt động của mô hình "Xe thư viện đa phương tiện lưu động".

Thư viện tỉnh Sơn La đã xây dựng các mô hình, triển lãm ngoài xe; tổ chức thi trả lời câu hỏi về sách, tìm hiểu kiến thức trong sách, thi xếp sách nghệ thuật... theo chủ đề gắn với các ngày lễ, sự kiện của cả nước như "Đọc sách vì ngày mai", "Theo chân Bác", "An toàn giao thông cho trẻ em là hạnh phúc của mọi người", "Hành trang ánh sáng tri thức và mùa xuân"... để các học sinh có thể vừa học vừa chơi, tìm được niềm yêu thích với sách, dần hình thành và phát triển văn hóa đọc cho các em. 

Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo, đặc biệt là với các học sinh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mô hình "Xe thư viện đa phương tiện lưu động" là giải pháp thiết thực giúp xây dựng và phát triển hệ thống thư viện kiểu mới theo hướng chuẩn hóa, thân thiện, hiện đại, mang sách đến gần với bạn đọc. 

Năm 2020, Thư viện tỉnh Sơn La thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình "Xe thư viện đa phương tiện lưu động" tại các xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Qua đó phấn đấu mở rộng đối tượng thụ hưởng của xe thư viện, phát triển văn hóa đọc cho các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Thư viện tỉnh Sơn La sẽ xây dựng các chủ đề hoạt động mới, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả của việc tiếp cận, tra cứu nguồn sách báo cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân.

Diệp Anh (TTXVN)
Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng
Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Năm 2019, cả nước có trên 24.000 thư viện, tăng 14%; 44 triệu bản sách và 47 triệu lượt người đọc… Đó là số liệu được công bố trong Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN