Diễn đàn 'Đổi mới giáo dục - Những việc cần làm ngay'

'Đội ngũ giáo viên sẽ quyết định sự thành bại'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Chú trọng bồi dưỡng giáo viên

 


Đề án Đổi mới toàn diện giáo dục nêu ra hai vấn đề là “chuyển đổi từ dạy chữ sang dạy người” và “dạy từ môn riêng lẻ sang tích hợp”. Là nhà sư phạm, tôi cho rằng muốn chương trình đổi mới giáo dục đến với học sinh thì cần có người thầy chuyển tải được kiến thức. Do đó, trước hết cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho người thầy. Hoạt động này cần đi trước một bước để tránh tình trạng hô hào, nếu tiến hành đổi mới mà cơ sở vật chất không có, nguồn lực cũng không thì khó thành công.

 

Một tiết học môn Địa lý của học sinh lớp 6 trường THCS Trần Đăng Ninh (Nam Định). Quý Trung – TTXVN


Tôi thấy đề án có nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chất lượng của ngành giáo dục. Tuy nhiên, dựa vào khảo sát ở vùng miền núi Hòa Bình tôi thấy chương trình, sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu vùng xa còn những bất cập. Ví như chương trình môn ngoại ngữ ở miền núi vẫn giống như chương trình chung và quá sức với các em học sinh nơi đây. Do mỗi vùng có phong tục tập quán khác nhau nên theo tôi cần có chương trình khung và có sự phân loại để đáp ứng từng đối tượng học.

 

Nhà giáo ưu tú Lê Thế Lữ, trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình:
Cần kết hợp giữa cũ và mới

 


Theo tôi, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là kết hợp cái tích cực đã có và cái mới để tìm ra biện pháp tốt nhất. Hòa hợp giữa cũ và mới với mục đích cuối cùng là học sinh tiếp thu một cách tốt nhất. Mặt khác, hiện nay một số giáo viên lại hiểu rằng, đổi mới là ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế tất cả các bài giảng. Như vậy cũng chưa đúng, công nghệ thông tin chỉ ứng dụng ở một số môn học, bài giảng. Mà ở một số môn đặc thù vẫn cần sự thuyết giảng. Vai trò của người giáo viên có vị trí nhất định trong truyền thụ. Người giáo viên luôn đóng vai trò dẫn đường cho các em, vai trò này dù trước đây hay sau này sẽ không thể phủ nhận được.


Tôi nghĩ sự thành bại của việc đổi mới chính là đội ngũ nhà giáo. Đội ngũ này có mạnh thì những việc như đổi mới chương trình, sách giáo khoa, thi cử… mới đi đến đích được.

 

Cô Hoàng Thị Tuyết, Khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Sách bổ trợ rất cần thiết


Sách giáo khoa (SGK) và sách hướng dẫn giáo viên đi kèm là một phần quan trọng trong cuộc thay đổi giáo dục theo hướng “phát triển bền vững”. Trong bối cảnh hiện nay thì SGK vẫn được xem là một công cụ có ý nghĩa to lớn với sự thay đổi giáo dục. Đặc biệt, cần tăng cường sách bổ trợ cho học sinh các vùng miền. Ví như tìm hiểu về địa phương, vùng miền đều có thể thông qua sách bổ trợ mà SGK không thể đáp ứng được hết.


Để thực hiện theo hướng “phát triển bền vững”, giáo viên cần thực hiện theo phương pháp tiếp cận xoắn ốc, bao gồm: Tích hợp, cấu trúc mở, chú trọng hình thành khái niệm, hỗ trợ để học sinh tự lập khai thác tài liệu. Để thực hiện được điều này cần có các cuộc thảo luận, truyền bá rộng rãi và nghiêm túc về phương pháp giáo dục này ở tất cả các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, cần loại bỏ khuynh hướng thực hiện việc giảng dạy và học tập như lề lối cũ "thầy giảng - trò nghe".



Lê Vân - Xuân Cường (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN