Đổi mới tuyển sinh ĐH, sau ĐH theo hướng đánh giá năng lực

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Hội thảo tham vấn "Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở Đại học Quốc gia Hà Nội".

Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thí điểm thi tuyển chọn sinh viên vào học bậc đại học trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao, sau khi trúng tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quý Trung - TTXVN.


Tham dự hội thảo có các thành viên trong Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cùng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Đào tạo Bộ Công an, Cục nhà trường Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo một số trường đại học, học viện, các chuyên gia giáo dục Việt Nam và quốc tế.

Tại hội thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu phương án đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực; báo cáo kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2014 của Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời đề xuất phương án tuyển sinh trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong những tuần đầu tháng 9/2014, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thí điểm thi tuyển chọn sinh viên vào học bậc đại học trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao, sau khi trúng tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội, bằng bài thi đánh giá năng lực. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra lỗi phần mềm.

Qua phân tích kết quả đánh giá năng lực và so sánh với kết quả kỳ thi ba chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, bài thi về cơ bản đã đánh giá đúng năng lực của người học và có mối tương quan thuận chiều với kết quả kỳ thi ba chung, những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực cao cũng đồng thời là những thí sinh đã có kết quả thi ba chung cao.

Đề thi dạng trắc nghiệm khách quan gồm 140 câu hỏi gồm kiến thức toán, văn, khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, thí sinh không thể nhận trợ giúp từ bên ngoài, hạn chế tiêu cực mà không cần các phương tiện giám sát phức tạp, tránh gây bức xúc cho xã hội. Kết quả thi đảm bảo độ tin cậy cao. Cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện, học thực chất, tránh học tủ, học lệch. Đề thi có phổ rộng theo độ khó dễ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được việc tuyển thí sinh theo phân tầng các trường đại học, thể hiện được sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các chủ đề: kinh nghiệm quốc tế trong tuyển sinh đại học và sau đại học; tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực; các điều kiện đảm bảo cho đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học. Ngoài ra, các đại biểu còn phân tích và đánh giá khả năng áp dụng kết quả bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung của Đại học Quốc gia Hà Nội cho xét tốt nghiệp tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng khác.

Theo đó, nhiều đại biểu đồng tình với việc áp dụng hình thức thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh vào đại học, đặc biệt, một số trường Đại học top đầu có thể liên kết để áp dụng chung hình thức này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không chỉ sử dụng một bài thi để xét tuyển mà nên lựa chọn nhiều cách thức khác nhau để tuyển sinh. Bên cạnh đó, khi triển khai hình thức thi này trên diện rộng cần xem xét thận trọng các phương án kỹ thuật, đảm bảo tính bảo mật của đề thi, mức độ đánh giá năng lực cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng./.


Việt Hà
Đổi mới giáo dục luôn ưu tiên quyền lợi của học sinh
Đổi mới giáo dục luôn ưu tiên quyền lợi của học sinh

Năm học mới 2014-2015 đã cận kề. Đây là năm học có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN