Đổi mới giáo dục: Chủ trương đúng, triển khai bất cập - Bài 2

Ba năm trở lại đây, trước mỗi mùa tuyển sinh hoặc năm học mới, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh luôn hồi hộp về những phương án mới. Đó là những đổi mới từ khâu tổ chức thi, đánh giá, kỹ thuật của kỳ thi và khi triển khai lại “rối như canh hẹ”.

XA RỜI MỤC TIÊU ĐỔI MỚI

Như “đẽo cày giữa đường”

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, khoảng 15 năm trở lại đây, các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp, thi Đại học, cao đẳng liên tục có thay đổi. Ban đầu là tổ chức hai kỳ thi riêng, thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) chủ trì và thi tuyển sinh do mỗi trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tổ chức riêng. Trước dư luận cho rằng hai kỳ thi gây tốn kém xã hội, Bộ GD- ĐT đã đổi mới tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung cho các trường đại học, gọi là thi “3 chung”, vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2015, lại nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ làm một, gọi nôm na là kỳ thi “2 trong 1”. Và với kỳ thi “2 trong 1”, dù mới áp dụng được 2 năm, nhưng mỗi năm một khác.

Như vậy, từ 4 kỳ thi, học sinh chỉ còn trải qua 2 kỳ thi và hiện nay là 1 kỳ thi với những thay đổi về kỹ thuật, nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội và giảm áp lực cho xã hội. Điều này đã thực hiện đúng những đổi mới trong giáo dục, nhưng khi triển khai thì gặp nhiều bất cập. Những đổi mới trong xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 đã khiến thí sinh rơi vào vòng chơi “may rủi”. Dư luận vẫn còn nhớ chuyện để kịp nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, sáng 20/8/2015, mẹ con một thí sinh ở Hà Tĩnh đã thuê xe cấp cứu, vượt hơn 350 km ra Hà Nội rút hồ sơ từ Học viện An ninh để chuyển sang Đại học Bách khoa Hà Nội. Hay có những thí sinh khăn gói lên thành phố túc trực cả tuần để chờ rút, nộp hồ sơ.

Hàng nghìn thí sinh và phụ huynh đã có mặt trong hội trường Đại học Kinh tế và Quốc dân Hà Nội trong đợt xét tuyển năm 2015.

Đợt xét tuyển năm 2016, khi Bộ yêu cầu các trường đại học không cập nhật về tình hình nộp hồ sơ và thí sinh không được rút hồ sơ nếu đã đăng ký. Do đó, lần đầu tiên, nhiều trường đại học top đầu không tuyển đủ thí sinh đợt 1 do tình trạng thí sinh ảo. Thí sinh điểm cao thì không đỗ nguyện vọng như mong muốn, còn thí sinh điểm thấp hơn lại đỗ.

Chỉ ra những bất cập về những phương án thi, tuyển sinh này, GS Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, năm 2015 Bộ GD - ĐT cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng để nộp hồ sơ tùy thích và coi đây là sự tạo điều kiện cho thí sinh. Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu của đổi mới. Mục tiêu là phát triển năng lực, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, tự chủ đại học.

“Phương án thi, tuyển sinh hai năm qua lại không đi vào mục tiêu. Bộ đánh giá đây là việc làm tốt cho học sinh, nhà trường, nhưng kết quả thì lại ngược lại. Ví dụ, Bộ tổ chức một kỳ thi chung, ép các trường làm theo quy trình mà Bộ đề ra. Nhưng có quy chế nào quy định là Bộ trực tiếp điều hành việc xét tuyển đó? Mặt khác, xét tuyển chung là công việc các trường nhưng Bộ đứng ra điều hành. Điều này làm rối loạn quá trình xét tuyển của các trường”, GS Viện sĩ Đào Trọng Thi phân tích.

Thi trắc nghiệm gây tranh luận

Phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 khi đưa ra đã có nhiều ý kiến phản biện về số lượng câu trong bài thi tổ hợp, thời gian làm bài và đặc biệt là thi trắc nghiệm khách quan với môn toán.

Tại buổi tọa đàm về phương án thi và tuyển sinh 2017, bà Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội khẳng định, với những đổi mới này, sẽ có thay đổi trong việc dạy và học, sẽ không còn môn chính, môn phụ mà thầy cô phải dạy hết các môn, học sinh cũng phải học hết các môn. Nội dung thi chắc chắn tăng lên, vì vậy thầy cô giáo phải chủ động điều chỉnh cách dạy để học sinh biết thêm nhiều kiến thức”.

“Với bài thi tổng hợp, tiến tới tích hợp, để chuẩn bị tốt cho các em, thì tư duy giáo viên cũng phải thay đổi. Nhưng do hiện nay chương trình sách giáo khoa vẫn còn nặng về kiến thức, nên cần có định hướng về nội dung để các trường có thể chuẩn bị dạy và ôn thi tốt cho các em. Bộ rất cần có định hướng sớm về việc này”, bà Thu Anh nhấn mạnh.

“Bộ GD - ĐT vẫn giữ nguyên thi trắc nghiệm môn toán, nhiều giáo viên dạy toán đã tỏ ra thất vọng và khẳng định chắc chắn sẽ phải thay đổi cách dạy, học trong nhà trường, việc này là quá vội vã trong một năm học”, một giáo viên dạy toán tại Hà Nội chia sẻ.

Đại diện Ban chấp hành (BCH) Hội toán học Việt Nam cũng cho biết: Trong cuộc họp với Bộ GD - ĐT về việc thi trắc nghiệm môn toán BCH Hội toán học đã đưa ra các vấn đề: Tại sao nhất định phải triển khai hình thức thi trắc nghiệm môn toán ngay trong năm 2017, khi mà kỳ thi này rất quan trọng, với kết quả không chỉ dùng để đánh giá tốt nghiệp mà còn dùng để xét tuyển cho đa số các trường đại học và cao đẳng. Việc chuẩn bị cho hình thức thi trắc nghiệm sẽ diễn ra vào năm 2017 nhưng giờ mới bắt đầu thì có quá vội vàng không, đặc biệt là về ngân hàng đề thi, vì Bộ chỉ khẳng định sẽ xong trước khi thi mà không đề cập đến quá trình thẩm định và phản biện độc lập; Do hệ lụy có thể nhìn thấy được của hình thức thi trắc nghiêm môn toán tới việc học toán và dạy toán tại cấp THPT trong đặc trưng của môi trường giáo dục Việt Nam, đặc biệt là tới khả năng suy luận, đặt và giải quyết vấn đề (không chỉ của những học sinh chuyên biệt theo hướng toán học) nên cần tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc để cân nhắc việc nên hay không nên tổ chức thi THPT môn toán theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, đại diện của Bộ GD- ĐT đã không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cũng như không đáp ứng đề xuất của đại diện BCH.

Hiện nay cách dạy và cách học trong trường phổ thông chưa đổi mới kịp với những đổi mới trong cách thi và đánh giá như hiện nay. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa hoàn thành. Dù chọn khâu thi cử là bước đột phá để đổi mới, nhưng xem ra, những đổi mới từ ngọn này lại đã xa rời với những mục tiêu mà Nghị quyết 29 đặt ra về đổi mới giáo dục đào tạo.

“Dư luận vẫn mong muốn Bộ GD - ĐT tổ chức nghiên cứu thật kỹ lưỡng để có thể công bố một lộ trình đổi mới thi cử, chứ không thay đổi hằng năm như thế này”. 

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh 

“Nếu như xét tuyển năm 2015 như trò chơi chứng khoán thì đợt xét tuyển 2016 như chơi xổ số. Qua hai năm, cả nhà trường và học sinh đều khổ với những phương án này”. 

PGS TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Hiệu trưởng Học viện Bưu chính Viễn thông



Bài 3: Cần chiến lược, lộ trình cụ thể

Lê Vân
Đổi mới giáo dục: Chủ trương đúng, triển khai bất cập  - Bài 1
Đổi mới giáo dục: Chủ trương đúng, triển khai bất cập - Bài 1

Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 11(năm 2011) và từ khi có Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc đổi mới giáo dục diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Phải khẳng định rằng, chủ trương là đúng, nhưng khi triển khai, những nội dung đổi mới này hầu như đều gặp phải sự phản ứng của người dạy và người học vì những bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN