Cùng với việc tiếp tục mở rộng quy mô tổ chức, từ năm 2025, cấu trúc đề thi của kỳ thi này sẽ được điều chỉnh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2023, kế hoạch năm 2024 và định hướng kỳ thi năm 2025, được tổ chức chiều 24/11.
Cụ thể, những năm tiếp theo, kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Theo kế hoạch, năm 2024, kỳ thi này được tổ chức thành 2 đợt thi vào tháng 4 và tháng 6 tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài 21 địa điểm đã tổ chức trong năm 2023, kỳ thi sẽ mở rộng thêm hai điểm thi tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Năm 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ tốt nghiệp Trung học phổ thông. Để phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2025, cấu trúc đề thi kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh. Theo đó, cấu trúc đề thi vẫn gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh); Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (Toán học, Tư duy logic, Phân tích số liệu); Giải quyết vấn đề (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung chủ yếu vào phần Giải quyết vấn đề. Ở phần này, thí sinh sẽ được lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài.
Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được tổ chức lần đầu vào năm 2018 nhằm tuyển chọn người học có năng lực tốt, phù hợp với triết lý giáo dục toàn diện. Do đó, kỳ thi hướng đến việc đánh giá các năng lực quan trọng của thí sinh để học Đại học như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề…
Qua 6 năm tổ chức, quy mô, chất lượng, hiệu quả tuyển sinh cũng như sức hút của kỳ thi ngày càng tăng lên. Năm 2018, chỉ có gần 5.000 thí sinh từ hơn 600 trường ở 46 tỉnh, thành phố đăng ký dự thi; đến năm 2023 đã thu hút hơn 100.000 thí sinh đến từ hơn 1.800 trường ở tất cả địa phương trong cả nước tham dự. Số lượng đăng ký dự thi năm 2023 tăng 9% so với năm 2022 và tăng hơn 50% so với năm 2021. Năm đầu tiên, kỳ thi được tổ chức trong phạm vi 7 trường thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; đến năm 2023 đã có 47 trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước cùng tham gia phối hợp tổ chức. Số lượng trường sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển đầu vào cũng tăng qua từng năm, từ 7 trường (năm 2018) lên gần 100 trường (năm 2023).
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính cho biết, phân tích phổ điểm ở mỗi đợt thi cho thấy, phổ điểm của kỳ thi đều có dạng gần với phân bố chuẩn. Đồng thời, độ rộng của phân bố điểm thể hiện bài thi có mức độ phân hóa tốt phù hợp với mục tiêu tuyển sinh Đại học. Mặt khác, một số nghiên cứu đối sánh kết quả học tập ở trường Đại học cho thấy, sinh viên nhập học bằng phương thức xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực đạt kết quả học tập tốt hơn so với sinh viên trúng tuyển bằng một số phương thức khác.
"Với cách tiếp cận mới và các kết quả tích cực trên, kỳ thi không chỉ tăng thêm cơ hội vào Đại học cho các thí sinh mà còn góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh các trường Trung học Phổ thông, giúp học sinh học tập và rèn luyện hiệu quả những năng lực quan trọng để học tập lên các bậc cao hơn" - Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.