Di dời các trường đại học: 5 năm vẫn chưa nhúc nhích

Di dời các trường đại học ra khỏi trung tâm TP.HCM và quy hoạch các trung tâm đại học khép kín đạt chuẩn quốc tế là chủ trương lớn của Bộ GD và ĐT đã có từ năm 2006 và theo kế hoạch đến năm 2012 phải thực hiện xong. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có một trường đại học nào được di dời do còn vướng vì giải pháp và cơ chế thực hiện.

Cơ sở tạm bợ

Khuôn viên chật hẹp, cơ sở chật chội, tạm bợ, ô nhiễm, kẹt xe, tệ nạn xã hội… Đó là thực trạng chung của không ít trường đại học trên địa bàn TP.HCM đang gặp phải. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục đại học ở một số trường chưa đạt chuẩn.

Giáo viên của một trường đại học thừa nhận, cơ sở giảng dạy xập xệ, thiếu thốn và thiếu không gian tĩnh là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục đại học tại TP đang ở mức báo động. Ông cho biết, một số trường đại học đang tồn tại với những phòng học được thuê lại sửa sang tạm bợ rồi nhồi nhét hàng trăm học sinh trong không khí oi bức, ngột ngạt thì làm sao sinh viên có thể tiếp thu được những kiến thức. Vị giáo viên này đã không ít lần chứng kiến những cặp mắt mỏi mệt và buồn chán của sinh viên, họ đến lớp chỉ để điểm danh là chính. Ngay cả thầy giáo dù có gắng truyền đạt cũng không hiệu quả. Như vậy cho thấy sự lãng phí rất lớn về tài nguyên giáo dục.

Di dời các trường đại học ra khỏi trung tâm TP là chủ trương lớn nhưng cần có lộ trình và chính sách cụ thể.


TP.HCM có rất nhiều trường đại học thành lập vội vã, tuyển sinh dồn dập nhưng lại thiếu trầm trọng cơ sở vật chất. Việc các trường có nhiều cơ sở, phân hiệu nhỏ lẻ, dạy phân tán và không tập trung cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Ngay cả những trường thuộc “đầu tàu” như Trường Đại học Kinh tế, một trong những trường có số lượng sinh viên đông hàng đầu của TP.HCM thì sinh viên cũng đang phải “chạy sô” nhiều cơ sở khác nhau trong suốt khóa học. Việc di chuyển liên tục trong một đô thị luôn luôn kẹt, ngập nước, ô nhiễm và học trong nhưng cơ sở tạm bợ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập cũng như giảng dạy giảng viên và sinh viên. Hiện tại, Đại học Kinh tế TP.HCM có 6 cơ sở đóng trên 5 quận thuộc thành phố với diện tích là 1,6 ha. Với quy mô hơn 50.000 sinh viên hiện nay, nếu tính theo định mức, trường cần có một diện tích khổng lồ, mới đáp ứng đủ nơi vui chơi, rèn luyện thể lực...

Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì các trường đại học thường xây dựng khép kín như một khu đô thị và cách xa trung tâm thành phố để sinh viên có không gian yên tĩnh nghiên cứu học tập và giải trí thì ở Việt Nam phần lớn các trường đại học ở giữa lòng thành phố. Một trường đại học không thể chỉ có vài chục nghìn mét vuông, thực tế trên thế giới đã có những trường rộng hàng trăm ha như một đặc khu tri thức bao gồm phức hợp các chuyên khoa - ngành, thư viện, viện nghiên cứu, bảo tàng... và các khu phụ trợ như ký túc xá, khu thể thao, khu giải trí, công viên, khu thương mại...

Có chủ truơng, đợi chính sách

Việc các trường đại học cần đổi mới để không chỉ hợp với chuẩn Việt Nam mà còn tiến tới hợp chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là điều cần thiết nhất lúc này. Chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội thành đều nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn và lãnh đạo các trường. Đó là tâm huyết của những người đang làm công tác đào tạo tri thức cho xã hội. Môi trường sống của sinh viên hiện đang chịu áp lực rất lớn từ các tệ nạn xã hội bao vây xung quanh trường.

Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, chủ trương trên vẫn giậm chân tại chỗ do chưa có một chính sách, biện pháp cụ thể nào. Chính từ thủ tục đăng ký rườm rà, phức tạp là nguyên nhân khiến cho kế hoạch di dời của nhiều trường giậm chân tại chỗ từ nhiều năm qua. Bức xúc nhất có lẽ là trường hợp của Đại học Văn Hiến, mặc dù đã được giao gần 5,7 ha (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) từ năm 2007, thế nhưng đến nay vẫn còn là khu đất trống. Ông Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến cho biết, nhà trường đã lập Ban quản lý dự án xây dựng, liên tục làm việc với địa phương từ năm 2007 cho đến nay. Và dự án chững lại do vướng công tác đền bù và giải phóng mặt bằng. Ông Hùng cho biết đến nay khu này vẫn chưa giải tỏa được một mét vuông đất nào:

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã được quy hoạch 70ha đất ở Long Phước, quận 9 để chuyển trường. Tuy nhiên từ đó đến nay, mặc dù có đến 20 công văn đề xuất với cơ quan thẩm quyền, kết cục vẫn chưa biết ra sao. Tương tự, trường Đại học Luật TP.HCM, ngay từ năm 2007, trường đã có biên bản thỏa thuận với UBND thành phố về việc xây dựng cơ sở đó là khu đất 40ha ở Long Phước. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện, đến nay, việc quy hoạch 1/2000 vẫn chưa được UBND quận 9 thực hiện xong.

Một trong những khó khăn nhất hiện nay để thực hiện chủ trương mang tính chiến lược giáo dục đó là phải đưa ra những lộ trình và giải pháp cụ thể. Một vị hiệu trưởng cho biết, di dời trường học là chủ trương đúng, nhưng nhất thiết phải có chính sách và biện pháp cụ thể, việc đưa ra chủ trương cấp đất cho trường rồi để trường tự lo là không thể được. Các thầy giáo không thể là những nhà “thương thuyết” chuyên nghiệp để thực hiện đền bù giải tỏa cho dân, mà phải có một cơ quan chuyên trách làm chuyện này vì điều này rất dễ dẫn đến những dự án rùa “treo” hàng chục năm.

Thiếu vốn, thiếu phương án đầu tư là những rào cản lớn trong nhiều năm qua dù các trường rất muốn di dời cũng khó thực hiện. Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cuối năm 2010. Các phương án để thực hiện di dời đã được đưa ra. Trong đó, phương án 1 sẽ lựa chọn một đơn vị có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả một khu quy hoạch. Phương án 2, mỗi trường sẽ được vay 300 tỷ đồng để tự xây dựng cơ sở vật chất trên khu quy hoạch. Vì thực tế là các trường ĐH hiện nay đều khó khăn về nguồn thu, nếu đầu tư trường lớp quá đẹp, quá tiện nghi không biết trường lấy đâu ra tiền để trang trải các chi phí khác.

Câu chuyện quy hoạch đồng bộ

T/S Phạm Tứ, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc:
Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chúng tôi luôn mong muốn cho xã hội có được môi trường đào tạo tốt nhất để cho các em sinh viên được sống và học tập trong một môi trường giáo dục trong lành và chất lượng đào tạo tốt nhất.

Điều mà những người lãnh đạo nhà trường như chúng tôi mong mỏi đó là TP phải có một chính sách và lộ trình cụ thể. Chủ trương di dời thì chúng tôi chấp hành nhưng chính sách cụ thể thì chưa rõ ràng. Điều này làm cho đội ngũ thầy cô luôn trong tâm trạng bất an. Việc dạy học cũng thế mà bị ảnh hưởng

Yêu cầu di dời để có một môi trường giáo dục tốt hơn là hoàn toàn chính đáng nhưng chúng ta phải thận trọng tính đến tính khả thi của dự án và các điều kiện kèm theo có đáp ứng được hay không. Vì bài học quy hoạch hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM và Hà Nội hiện nay hiệu quả tới đâu chúng ta vẫn chưa đánh giá cụ thể, vì vậy việc quy hoạch di dời cần phải hết sức cân nhắc.

Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM

Hiện nay, việc xây dựng cơ sở vật chất mới của trường tại cù lao Long Phước, quận 9 có tiến độ chậm. Ngay từ năm 2007, trường đã có biên bản thỏa thuận với UBND thành phố về việc xây dựng cơ sở mới này. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện, đến nay, việc quy hoạch 1/2000 vẫn chưa được UBND quận 9 thực hiện xong. Vì thế không nên xóa hết các trường ĐH, CĐ trong nội thành, bởi lẽ, một đô thị phát triển không nên thiếu bóng dáng các trường ĐH. “Trong tổng số 15.000 sinh viên trường ĐH Luật, có 10.000 người là đào tạo sau ĐH, học văn bằng hai. Trong số này, có rất nhiều cán bộ, công chức phải học vào buổi tối, nếu chuyển toàn bộ cơ sở ra ngoại thành, thì làm sao những người này theo học được”.

Ông Huỳnh Thế Cuộc, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP.HCM

Là một trong 2 trường Đại học được thí điểm đầu tiên di dời ra ngoại thành theo chủ truơng của UBND TP. Chủ trương thì phải chấp hành nhưng chúng tôi cho rằng việc di dời chắc sẽ rất nhiều khó khăn do việc tìm ra nguồn vốn đầu tư cho diện tích đất được cấp tại khu tây bắc, Củ Chi. Cơ sở vật chất hiện tại ở quận 10 hiện còn đi thuê, trong khi đó, nguồn vốn kinh phí huy động của trường không thể đủ để lo các thủ tục để di dời. Việc di dời nếu không thực hiện đúng lộ trình và phù hợp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho sinh viên và giảng viên, bởi phần lớn sinh viên đều đi làm thêm sau giờ học, cho nên nếu chuyển ra ngoại thành mà không tổ chức tốt các dịch vụ thì sinh viên sẽ chịu thiệt thòi rất lớn. Giảng viên cũng sẽ gặp khó khăn trong việc giảng dạy bởi cơ sở hạ tầng về giao thông hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vùng Hà Nội và TP.HCM hiện có khoảng 64% số lượng các trường đại học và cao đẳng của cả nước. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn sau 2020, mạng lưới các trường đại học tại cả nước sẽ tăng thêm 78 trường đại học, 88 trường cao đẳng. Trong đó, riêng vùng TP.HCM sẽ tăng thêm 16 trường đại học và 18 trường cao đẳng. Do vậy, cần thiết phải quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, trong đó có việc di dời các trường đại học và cao đẳng trong khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM. Để thực hiện di dời các trường, Bộ Xây dựng đề xuất 3 mô hình xây dựng trường đại học mới, đó là mô hình xây dựng trường đại học riêng lẻ, xây dựng khu đại học tập trung và khu đô thị đại học.

TP.HCM đề nghị tiến độ di dời khoảng 40 trường theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 di dời 5 trường; giai đoạn 2016 - 2020 di dời các trường còn lại. Thành phố đề nghị cơ chế sử dụng hình thức BT (đầu tư - chuyển giao) để các nhà đầu tư góp vốn xây dựng trường mới và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cơ sở đào tạo cũ. Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào khu đại học.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đánh giá việc sắp xếp, di dời các trường ĐH ra khu vực ngoại thành được xem là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng kẹt xe tại TP.HCM nên đây cũng là yếu tố để TP phát triển bền vững. Đồng thời thời xây dựng cơ sở hạ tầng tốt cho các trường là nền tảng để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập nên TP sẽ quan tâm đẩy nhanh tiến độ.

Điều mà nhiều chuyên gia lo ngại chính là hạ tầng giao thông, đô thị chưa biết bao giờ mới được kết nối. Mặc dù TP.HCM đã lập quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học với tổng diện tích 2.210 ha bao gồm khu đô thị tây bắc, huyện Củ Chi 600 ha, khu vực phía nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè 735 ha (đã bố trí 149 ha) và khu vực đông bắc TP (quận 9, Thủ Đức) 815 ha. Tuy nhiên, việc đi lại giữa trung tâm TP ra các khu vực này rất vất vả dù khoảng cách chỉ vài ba chục kilômét.

Xét về mặt kiến trúc và văn hóa, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM ông Phạm Tứ nhìn nhận, đô thị TP.HCM có một quá trình phát triển hài hòa với các trường đại học. Xét về nhân cách, ở mức độ nào đó sinh viên xa nhà sống chung với người dân TP.HCM cũng đem lại những tình cảm rất đặc biệt, thể hiện tính đùm bọc và học tập lẫn nhau của người dân Việt Nam. Ông Tứ đề xuất, nên giữ lại những trường có truyền thống và kiến trúc đẹp, việc di dời chỉ thực hiện được khi hạ tầng được quy hoạch một cách đồng bộ.

Thực tế là hiện nay đa số bộ phận giáo viên đều không sống được với nghề vì đồng lương quá thấp, họ phải bươn chải sang các ngành nghề khác hoặc dạy thêm, và như vậy thì họ chỉ còn cách là bám trụ vào đô thị. Chẳng hạn, nếu như trường Đại học Kiến Trúc di dời ra quận 9 trước và với hạ tầng không đồng bộ kiểu này thì chắc chắn rằng, không ít giáo viên sẽ nghỉ việc.

Nếu thành phố có một chính sách quy hoạch tốt, đồng bộ hệ thống giao thông, hài hòa các dịch vụ, thì dù có ở ngoại thành với hệ thống giao thông được kết nối với khu vực trung tâm, đảm bảo các dịch vụ phục vụ cho đời sống người dân như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… thì sống ở vùng ven vẫn tốt hơn, các thầy cô sẽ sẵn sàng ra ngoại thành sinh sống, làm việc.

Đăng Giới - Sĩ Dũng

Thí điểm di dời hai trường đại học ra ngoại thành
Thí điểm di dời hai trường đại học ra ngoại thành

UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương thí điểm di dời các trường Đại học Ngoại ngữ Tin học, Đại học Quốc tế AIT và Trung cấp Điều dưỡng - Kỹ thuật Y tế Hồng Đức ra khu đô thị tây bắc thành phố...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN