Đẩy mạnh đánh giá học sinh thường xuyên bằng hình thức trực tuyến

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 4324/BGDĐT-CNTT gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2024 - 2025.

Chú thích ảnh
Thời gian qua, ngành GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) đã nâng cao nhận thức, tầm nhìn, năng lực, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong cả quản lý và dạy học cho toàn bộ đội ngũ toàn ngành. Ảnh tư liệu, minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Theo công văn hướng dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để chuyển đổi số trong dạy, học và đánh giá; quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục.

Đối với công tác dạy và học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu duy trì, khai thác sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong hoạt động dạy học trực tuyến để trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Các cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng học liệu số, đóng góp và khai thác sử dụng hiệu quả Kho học liệu dùng chung của Bộ trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học. Đồng thời, đẩy mạnh đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến; thực hiện đánh giá định kỳ trên máy tính đối với những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện tổ chức thực hiện.

Các địa phương, nhà trường thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ nhà giáo; ưu tiên bồi dưỡng các nội dung gắn với thực tế công việc như: Ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử, kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động dạy, học. Cùng với đó, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường giáo dục số trong nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các đơn vị cập nhật dữ liệu trên các hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; hoàn thiện dứt điểm việc cập nhật đầy đủ số định danh cá nhân của giáo viên và người học. Đồng thời, cập nhật đầy đủ kết quả học tập của người học trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo theo từng kỳ học; hoàn thiện đầy đủ thông tin của học sinh, học viên lớp 12 phục vụ kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng; thông tin của học sinh phục vụ tuyển sinh đầu cấp (lớp 6 và lớp 10 trường phổ thông dân tộc nội trú).

Đối với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương, nhà trường ưu tiên một số dịch vụ sau: Dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trực tuyến; Dịch vụ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng trên Cổng dịch vụ công quốc gia mức độ toàn trình; Dịch vụ trực tuyến về đăng ký, xét tuyển học sinh đầu các cấp học; Dịch vụ công nhận văn bằng, chứng chỉ, hướng tới triển khai ở mức độ toàn trình; Đẩy mạnh thanh toán học phí, các khoản thu bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; kết nối phần mềm quản lý học phí, quản lý các khoản thu của cơ sở giáo dục với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong đó có Nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Việt Hà (TTXVN)
Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo
Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo đủ phòng học, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN