Hết quỹ lớp lại đóng tiếp
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học mới ở một trường tư thục tại Hà Nội, chị Thanh Huyền (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cảm thấy bất bình khi Ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra ý kiến: “Hết quỹ lại đóng tiếp”.
Chị Thanh Huyền chia sẻ: “Năm học 2024 - 2025, hai con tôi chuyển sang học trường tư thục. Lường trước quỹ lớp sẽ đóng cao hơn trường công lập, nhưng tôi vẫn không ngờ ý kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh thiếu tính dân chủ tới vậy. Lý giải quan điểm "hết quỹ lại đóng tiếp", đại diện Ban phụ huynh cho rằng là cần thiết để “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” hay các hoạt động phục vụ các con là vì lớp bên cạnh đóng 3 triệu/học sinh, lớp mình cũng phải tương tự”.
Theo chị Thanh Huyền, năm học 2023 - 2024, con chị học trường công lập, mức đóng chung cho cả năm học là 500.000 đồng/học sinh. Cuối năm có phát sinh thêm, mỗi cháu đóng thêm 100.000 đồng. Tuy nhiên, chia sẻ này của chị đưa ra trong cuộc họp phụ huynh bị gạt đi, bởi đây là trường tư, cần nhiều hoạt động hỗ trợ ngoại khóa... Chưa hết, khi có phụ huynh yêu cầu về những khoản dự chi của ban phụ huynh cả năm học để đưa ra mức đóng phù hợp, đại diện ban phụ huynh cho rằng: Không nên công khai các khoản thu này trên nhóm chung của lớp vì “lọt ra ngoài”... sẽ không hay. Thậm chí, có phụ huynh đề nghị, một số hoạt động của lớp và chi bao nhiêu cũng không cần xin ý kiến phụ huynh, ban đại diện chủ động chi.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm làm Hội trưởng Hội phụ huynh, chị Quỳnh Nga (quận Hai Bà Trưng) cho biết, quan điểm chung là không đóng góp quá nhiều và Ban phụ huynh là nơi gắn kết các gia đình, cần lắng nghe ý kiến của các phụ huynh khác để đưa ra mức đóng góp phù hợp với số đông các gia đình. Từ đó, mới huy động được sự tham gia các hoạt động chung. Nhiều hội phụ huynh đang lợi dụng việc đóng góp để thao túng các hoạt động của trường, lớp. Thậm chí, hy vọng với mức tiền đóng góp nhiều có thể sẽ tác động được thành tích học tập của học sinh...
Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Trước khi bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhiều địa phương đã đề nghị các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.
Điều 10 trong Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: "Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác".
Thông tư 55 cũng quy định, Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu và chỉ sử dụng khi toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí và không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Mặc dù có quy định như vậy, nhưng nhiều nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn, việc thu quỹ lớp do Ban đại diện cha mẹ phụ huynh đứng ra vẫn gây nhiều bức xúc. Thậm chí, mới đây, tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh theo lớp tại các trường phổ thông, nhằm tránh tình trạng lạm thu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc ra đời của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhưng thực tế, nhiều nơi hội lập ra chỉ để thu tiền, không có đồng thuận cao của phụ huynh, thậm chí không ít khoản đóng góp quá cao, gây áp lực lớn cho phụ huynh không có điều kiện. Do đó, cần rà soát, giám sát trong việc thu chi, nếu như phát hiện có những khoản thu chi không hợp lý phải xử lý ngay, nhất là giám sát trách nhiệm của người đứng đầu.
Trước những ý kiến về việc bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh. Điều quan trọng là các đơn vị trường học cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để mỗi cha mẹ học sinh đều hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó phát huy được vai trò và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh tích cực và hiệu quả nhất.