Hơn 350 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà giáo dục đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tham dự.
Diễn đàn với chủ đề “Học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình và bền vững: từ bậc giáo dục Mầm non đến giáo dục Tiểu học và Trung học” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức.
Khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Sau một thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc từ năm 2005-2014, ngày nay, giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) là trung tâm của Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Những gì đã làm được mới chỉ là khởi đầu nhằm tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và tầm nhìn dài hơn. Trong giai đoạn tiếp theo, mỗi học sinh cần phải được học về sự phát triển bền vững từ các giáo viên được đào tạo cơ bản, thông qua các chương trình giáo dục và nguồn lực đầu tư phù hợp. Tất nhiên, không thể nhanh chóng đưa ra các giải pháp tối ưu nhưng việc đưa ra các cam kết và mục tiêu đúng đắn sẽ giúp đi đúng hướng.
Lấy ví dụ về giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Kể từ năm 2013, Việt Nam bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Một trong những cột mốc quan trọng là Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được phê duyệt vào tháng 12/2018 dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học, giúp học sinh có kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tích hợp phát triển bền vững vào giáo dục mà còn huy động giáo dục như một phương tiện thực hiện toàn diện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề, câu hỏi mà Việt Nam phải đối mặt trong việc triển khai chương trình này. Đó là: Làm thế nào giáo dục tiếp cận và phục vụ tất cả mọi người? Làm thế nào để cập nhật chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai? Làm thế nào để biến việc học tập thành một hành trình suốt đời? Làm thế nào để hỗ trợ sáng tạo và đổi mới? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên?
Bộ trưởng nhấn mạnh: Những câu hỏi này không chỉ riêng của Việt Nam mà còn cho các quốc gia khác. Trong diễn đàn này, những việc ngành giáo dục đang làm vì sự phát triển bền vững sẽ là một câu trả lời cho những vấn đề trên. Cụ thể, dựa trên hàng nghìn giờ kinh nghiệm trực tiếp triển khai, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong giáo dục, các đại biểu sẽ cùng nhau xác định các hành động cần thiết để biến các mục tiêu của phát triển bền vững thành hiện thực.
Diễn đàn diễn ra trong hai ngày (2-3/7), bao gồm 7 phiên họp toàn thể và 4 phiên thảo luận nhóm. Các đại biểu tham gia diễn đàn có cơ hội chia sẻ những phương thức tiếp cận sáng tạo, có tính khả thi để giải quyết những tồn tại và khai thác triệt để tiềm năng từ ba phạm vi của lĩnh vực học tập (nhận thức, cảm xúc – xã hội và cách ứng xử) nhằm đạt mục tiêu Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, cụ thể là Mục tiêu 4.7, có liên quan chặt chẽ tới Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững và Giáo dục Công dân Toàn cầu.
Diễn đàn UNESCO về Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu cũng dành thời gian cho giáo viên và học sinh nói về nhu cầu của mình, sau đó sẽ là phiên đối thoại toàn thể về nhu cầu cần được cải thiện, thay đổi trong bối cảnh hệ thống giáo dục hiện nay. Các đại biểu sẽ trao đổi về những cách tiếp cận tiềm năng và hướng đổi mới để lấp đầy khoảng trống trong giáo dục Mầm non, Tiểu học và Trung học nhằm hỗ trợ thúc đẩy công dân toàn cầu và phát triển bền vững.