Có nghi ngờ đạo đức nghề giáo, cũng đừng làm nản lòng những thày cô tâm huyết

Trao đổi với PV Báo Tin tức về chủ đề đạo đức nhà giáo, TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, trong ngành giáo dục hiện nay, không hề hiếm những người "sống chết" vì học trò, sẵn sàng hy sinh cuộc sống vì học sinh, có điều xã hội có nhận ra họ hay không mà thôi.

“Tôi xin phép được nói rất thật, không phải chỉ riêng nhà giáo, mọi ngành nghề trên đất nước Việt Nam hiện nay, người càng sống lâu với ngành thường có xu hướng “xấu xa” dần đều. 

Theo tôi, nguyên nhân là do quan niệm của xã hội đã thay đổi quá nhiều. Từ chỗ sẵn sàng cống hiến cả xương máu, tính mạng và tài sản cho đất nước, giờ đây, người dân phần nhiều chỉ lo cho quyền lợi của chính bản thân mình. 

Tôi vẫn nói vui với sinh viên, chúng tôi đang già đi rất nhanh và mỗi cá nhân trong chúng tôi đang tìm cách uống thuốc “chống xấu xa”. Nếu không uống thuốc, không biết ngày nào đó chúng tôi có tồi tệ đến mức không nhận ra chính bản thân mình hay không”.

TS Vũ Thu Hương. Ảnh: AM

Tôi nghĩ, nguyên nhân của mọi việc không phải ở chỗ giáo viên ngày này tồi hơn ngày xưa. Lý do là chính tôi cũng đã từng là nạn nhân của nạn bạo hành trong nhà trường (từ mầm non đến cấp học cao hơn). Như vậy có nghĩa là ngày xưa cũng có vô khối hiện tượng bạo hành này. Giờ đây, niềm tin sụp đổ là do các phụ huynh đã nhìn nhận mọi việc theo lăng kính của mình, phóng đại mọi việc và đôi khi đem ảnh hưởng của cái nhìn đó đến áp cho giáo viên.


Như cô giáo của con gái tôi là một giáo viên trên cả tuyệt vời. Cô sẵn sàng bỏ ra 3 tháng để đưa đón học sinh chỉ vì muốn khuyên nhủ em học sinh đó cho chăm và ngoan hơn. Nhưng các phụ huynh trong lớp lại nói xấu cô rất nhiều. Trong mắt họ, cô là kẻ xấu xa. Đặc biệt là khi cô nghiêm khắc phạt các cháu bỏ học đi chơi.


Bên cạnh đó, chính phong trào quà cáp dạy thêm học thêm do yêu cầu của chính bệnh thành tích đã làm mọi việc méo mó đi rất nhiều. Nếu ngày xưa, ngày 20/11 chúng tôi mang cam đến biếu cô rồi cô lại bổ ra cho cả lớp ăn thì giờ đây mọi thứ biến thành phong bì và được tính theo mệnh giá. Khi những giá trị nhân văn được đem lên bàn cân thì niềm tin sụt giảm là điều không thể tránh khỏi.


Đối với nhà giáo, đạo đức là quan trọng nhất. Với hơn 2 triệu nhà giáo Việt Nam, có người xấu có người tốt. Những người tốt dù ban đầu học sinh có vẻ bực bội khi bị mắng, sau khi ra trường vẫn nhớ về thày cô với tình yêu tràn đầy. 


Như thày giáo của tôi học hồi cấp 3, thày rất nóng tính. Tuy nhiên, sau khi ra trường 27 năm, chúng tôi vẫn nhớ về thày, vẫn kính yêu thày, vẫn tìm đến thày dù thày đã chuyển nhà sang thành phố khác. Lý do là vì những lời quát mắng đó tràn ngập yêu thương và lo lắng của thày hồi nhỏ đã giúp chúng tôi không đi sai đường, nhanh chóng trưởng thành và thành đạt.


Với những giáo viên xấu, học sinh và phụ huynh sớm muộn gì cũng biết. Họ chính là những con sâu làm mất lòng tin của xã hội dành cho toàn thể các nhà giáo. Họ làm cho phụ huynh ghét bỏ chúng tôi, thiếu hợp tác với chúng tôi, đề phòng thậm chí chống lại toàn thể giáo viên. Điều này sẽ khiến cho trẻ hoang mang, không biết nghe theo ai. 


Như trường hợp cô giáo của con gái tôi cũng vậy, cô là người thật sự tuyệt vời. Nhưng chính vì không còn niềm tin vào ngành giáo dục, một số phụ huynh trong lớp đã quay lưng lại với cô, tìm cách chống lại cô. Được thể, các học sinh trong lớp cũng ghét bỏ cô và gây ra vô vàn khó khăn cho cô trong quá trình dạy học.


Rõ ràng để có thể hoàn thành tốt công việc đầy tâm huyết của mình, cô giáo của con gái tôi chắc chắn sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần và biết đâu điều đó sẽ khiến cô nản lòng. Như vậy, những hành động vô lương tâm của một số nhà giáo không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức của chính những học sinh của họ, mà còn ảnh hưởng đến các thày cô giáo khác và cả thế giới học sinh trên cả nước"


Lê Vân (ghi)
Trả lại niềm tin về đạo đức nhà giáo cho xã hội
Trả lại niềm tin về đạo đức nhà giáo cho xã hội

Những vụ bạo hành trẻ em mầm non, vụ học sinh gãy xương đùi ở trường tiểu học Nam Trung Yên... thời gian qua đã khiến dư luận xã hội hoang mang về vấn đề đạo đức nhà giáo – một nghề vốn cao quý vốn, được tôn vinh "muốn con hay chữ phải yêu lấy thày".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN