Video chuyên gia đưa lời khuyên với thí sinh trước thông tin nhiều ngành học biến mất trong tương lai:
Nhiều thách thức
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mùa tuyển sinh năm 2022, 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.
Đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Ví dụ, năm 2022, trong 23 chuyên ngành của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tại trụ sở chính Hà Nội có đến 9 chuyên ngành có điểm chuẩn ở mức 15 điểm. Trong khi đó, một số ngành mới mở lại luôn thuộc top ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường trong vài năm trở lại đây, như ngành Marketing với mức điểm chuẩn cao nhất trường với 27,5 điểm, tăng 1,5 điểm so với năm trước và cao hơn 12,5 điểm so với các ngành đào tạo chủ lực, truyền thống của nhà trường.
GS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, do sự thay đổi lớn của các ngành khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, chúng tôi dự đoán rằng một số ngành sẽ biến mất trong xã hội. Sự ra đời của chatGPT mới là bước đầu của sự thay đổi này và khiến một số ngành nghề không tồn tại. Vì vậy các em cần nghiên cứu kỹ để chọn một ngành nghề phát triển trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch hội đồng trường Học viện Tài chính cho rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều ngành học sẽ có những điều chỉnh về chương trình, mục tiêu đào tạo để sát nhu cầu về nhân lực. Tất cả các ngành, bao gồm cả ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng… ứng dụng AI rất nhiều. Những công việc ban đầu sẽ có sự chuyển đổi. Con người phải thay đổi rất nhiều, phải thay đổi cả tư duy. Và công nghệ là phương tiện để ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau chứ không phải công nghệ thay thế hoàn toàn một số ngành.
Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, không chỉ ngành kế toán mà nhiều ngành cũng đang gặp thách thức trước những biến động và sự phát triển của công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.
Thí sinh nên chọn như thế nào?
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, công nghệ chỉ hỗ trợ thêm và không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm.
GS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa dẫn chứng: “Ngành kỹ thuật học rất khó nhưng lại là nghề nghiệp rất ổn định. Các em rất thích học kinh tế, xã hội, ngôn ngữ nhưng tỷ lệ này vào học quá lớn nên cơ hội việc làm sẽ giảm. Trong khi đó những ngành kỹ thuật có cơ hội việc làm nhiều hơn. Chúng tôi biết một số ngành có công nghệ lập trình đơn giản, chatGPT làm được nhưng các em nên cân nhắc giữa đam mê, sở thích và không nên theo trào lưu. Lĩnh vực nào trong xã hội đều có cơ hội việc làm ngang nhau, quan trọng năng lực các em tới đâu, học ở đâu. Học ngành hot nhưng không đủ kiến thức, kỹ năng thì khó có việc làm tốt".
PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, những ngành kinh tế, quản trị hay nhiều ngành khác vẫn có nhu cầu nguồn nhân lực rất cao. Nhưng thí sinh phải có sự tỉnh táo khi lựa chọn ngành cụ thể.
“Xã hội đang có sự chuyển mình về cấu trúc nhân sự trong từng ngành. Có quan điểm cho rằng một số ngành biến mất, các em cần bình tĩnh trước thông tin đó. Tôi khẳng định có những ngành luôn là thiết yếu cuộc sống, xã hội. Các em cần biết phân tích sâu vào những ngành đó, xu hướng vận hành trong ngành đó; tìm hiểu về yêu cầu kiến thức, kỹ năng, và lựa chọn ngành học, trường học”, PGS.TS Vũ Thị Hiền nhấn mạnh.
Còn TS. Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ Lợi cho rằng, kiến thức là vĩnh viễn nằm lại ở bất cứ người học nào. Chúng ta không nên quá lo lắng ngành học mất đi trong tương lai và nên tập thích nghi. Các em cần trang bị kiến thức để thích nghi và tiếp cận nhanh với sự thay đổi của công nghệ.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, cơ sở giáo dục đại học cần nắm bắt thị trường lao động và chú ý sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường, ngành. Các cơ sở đào tạo cũng cần đổi mới nội dung ngành, chương trình, môi trường, phương pháp đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ ngành sử dụng nguồn nhân lực, cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo. Phía cơ sở đào tạo cần hỗ trợ thí sinh thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng.