Chủ động xây dựng các phương án dạy và học theo diễn biến dịch COVID-19

Theo khung thời gian kế hoạch, ngày 5/9, học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ bước năm học mới 2021-2022. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các trường học trên địa bàn tỉnh tích cực chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Chú thích ảnh
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tích cực vệ sinh trường lớp để đón học sinh quay lại trường.

Trường học an toàn

Trong đợt dịch này, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Viết Xuân, xã Ngũ Kiên được huyện Vĩnh Tường sử dụng làm khu cách ly tập trung cho người dân từ vùng có dịch trở về địa phương. Ngay khi được huyện bàn giao lại từ ngày 23/8, nhà trường phân công cán bộ, giáo viên tổng vệ sinh toàn bộ phòng làm việc, phòng học, thiết bị dạy học và khuôn viên, bảo đảm môi trường an toàn trước khi đón 423 học sinh quay trở lại trường.

Thầy Lê Hoàng Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Viết Xuân cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và quy trình kỹ càng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhà trường đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị như, máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn... Cùng với đó, nhà trường có phòng cách ly tạm thời, thành lập Tổ phòng, chống dịch làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho học sinh vào đầu buổi học. Trường còn yêu cầu giáo viên thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, phụ huynh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian nghỉ hè ở nhà để đảm bảo sức khỏe khi quay lại trường.

Cùng với công tác phòng, chống dịch, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Viết Xuân tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đồ dùng, nhất là về chuyên môn cho năm học mới.

Tận dụng thời gian trong dịp nghỉ hè, nhà trường đã chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa lại toàn bộ bàn ghế, trang thiết bị, đầu tư phòng thư viện, đưa vào sử dụng 5 phòng học bộ môn mới phục vụ công tác dạy và học. Trường tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên.

Để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông lớp 6, Trường ưu tiên lựa chọn giáo viên đảm bảo về sức khỏe, thành thạo công nghệ thông tin, đáp ứng những yêu cầu giảng dạy mới trong điều kiện có dịch bệnh xảy ra.

Những ngày cuối tháng 8, song song với công tác đón 245 học sinh lớp 1 tựu trường, Trường Tiểu học Định Trung, thành phố Vĩnh Yên gấp rút hoàn thành các công việc chuẩn bị cho năm học mới. Trường thực hiện việc tổng vệ sinh khuôn viên, chăm sóc, cắt tỉa lại cây xanh. Ngoài ra, trường mua thêm 3 máy chiếu, 6 điều hòa và 20 bảng viết; cải tạo, đưa vào sử dụng thêm 2 phòng học văn hóa...

Cô giáo Lại Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Trung chia sẻ, năm học 2021-2022, toàn trường có 1.245 học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu, các giáo viên xây dựng kịch bản, phối hợp với phụ huynh học sinh chuẩn bị tâm lý, điều kiện cần thiết để khi cần sẽ chuyển sang học trực tuyến nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thực hiện theo Khung kế hoạch năm học 2021-2022 của tỉnh, nhà trường đã đón học sinh lớp 1 tựu trường từ ngày 23/8. Để tận dụng “thời gian vàng” cho học sinh lớp 1 trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch môn học, ưu tiên ở lớp 1 cho những môn học mang tính chất nền tảng như Tiếng Việt, Toán. Nhà trường bố trí 2 giáo viên trên một lớp 1 để kèm cặp, uốn nắn nét chữ cho các em, đảm bảo nếu phải tổ chức dạy học trực tuyến, học sinh lớp 1 đã biết đọc, biết viết, biết tính toán.

Các giáo viên chủ động liên hệ và trao đổi với phụ huynh trực tiếp hoặc qua điện thoại để nắm tình hình sức khỏe của học sinh trước khi các em quay trở lại trường.

Chủ động xây dựng các phương án

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 508 cơ sở giáo dục với khoảng 370.000 học sinh ở tất cả các bậc học. Trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường xây dựng kịch bản dạy học ứng phó với dịch COVID-19. Để chủ động và đảm bảo điều kiện tốt nhất khi học sinh tựu trường, các trường đã soạn thảo bài giảng cho từng môn học, cấp học, đồng thời sử dụng hệ thống phần mềm dễ triển khai, có tính hệ thống trong quản lý, lưu trữ... Ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 2, lớp 6 theo chương trình sách giáo khoa mới.

Để đảm bảo cho công tác giảng dạy, ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất; tổ chức tuyển dụng giáo viên trung học phổ thông thuộc 11 môn học theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; xây dựng cơ chế tuyển dụng giáo viên hợp đồng...

Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.150 học sinh và trên 450 giáo viên đang ở tỉnh ngoài, chủ yếu là các tỉnh lân cận, giáp ranh chưa về kịp khai giảng.

Để đáp ứng nhu cầu được học tập của học sinh đang cư trú ngoài tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho những trường hợp trên có thể đăng ký học tập trực tiếp tại trường học nơi đang cư trú hoặc học trực tuyến tại các trường của tỉnh do Sở tổ chức.

Đối với số giáo viên của tỉnh đang cư trú tại tỉnh khác, Sở xây dựng 2 phương án: Giáo viên đang cư trú tại các tỉnh, thành phố không thuộc vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các đơn vị đề nghị giáo viên trở về tỉnh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên lưu trú lâu dài tại Vĩnh Phúc, yên tâm giảng dạy trong năm học mới. Đối với giáo viên cư trú tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng đang áp dụng Chỉ thị 16, các trường phân công, giao nhiệm vụ giảng dạy, phụ đạo trực tuyến cho học sinh, đảm bảo đủ định mức lao động cho giáo viên. Trường hợp trở về tỉnh để giảng dạy trực tiếp, cần thực hiện đầy đủ quy định về điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Với sự chuẩn bị chu đáo, hy vọng thầy và trò tỉnh Vĩnh Phúc sẽ vượt qua thử thách, đạt kết quả tốt trong năm học đặc biệt này.

Bài và ảnh: Nguyễn Thảo (TTXVN)
Tạo điều kiện cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới ở 'tâm dịch'
Tạo điều kiện cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới ở 'tâm dịch'

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc phân phối sách giáo khoa đến học sinh, phụ huynh kịp cho năm học mới trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ngày 27/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị Giáo dục và Đào tạo địa phương chủ động tham mưu UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện xây dựng phương án cụ thể, phối hợp các lực lượng để cung ứng sách giáo khoa phù hợp với tình hình thực tế đến học sinh và phụ huynh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN