Cách làm sáng tạo, nuôi dưỡng cho học sinh tình yêu với lịch sử dân tộc

Nhằm giáo dục cho học sinh về truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao hiểu biết về các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức chương trình câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”.

Hoạt động này giúp học sinh có trải nghiệm trong từng giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc, từ đó nuôi dưỡng, hình thành cho các em tình yêu đối với lịch sử, văn hóa, có ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. 

Chú thích ảnh
Học sinh tham gia trò chơi trả lời câu hỏi về lịch sử. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Chương trình “Em yêu lịch sử” được xây dựng và tổ chức tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự tham gia của trên 200 học sinh đến từ các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, diễn ra từ ngày 19 - 22/3/2019.

Nội dung chương trình gồm hai phần: Phần đầu, các em được hướng dẫn viên giới thiệu không gian trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Qua các tài liệu, hiện vật, phim tư liệu, các câu chuyện, các em thêm hiểu về cuộc kháng chiến chống Pháp, sự hi sinh, quả cảm, mưu lược của quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Phần thứ hai, các em được tham gia các hoạt động tìm hiểu về lịch sử với các trò chơi “Ai nhanh ai đúng”, “Đi tìm di sản”, “Theo dòng lịch sử”… Đặc biệt, các em được trải nghiệm trở về với thời bao cấp để mua lương thực, thực phẩm bằng tem phiếu, ăn các món ăn đặc trưng của thời kỳ ấy.

Chú thích ảnh
Học sinh xếp hàng đổi tem phiếu lấy vật dụng tại cửa hàng mậu dịch. Ảnh: Xuân Tư /TTXVN

Em Nguyễn Trần Quỳnh Anh, lớp 6A4, Trường Trung học Cơ sở Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Chương trình này giúp chúng em có thể tìm hiểu về lịch sử, trải nghiệm không gian của thời bao cấp. Em mong muốn những chương trình như thế này được tổ chức thường xuyên hơn để em và các bạn có thêm cơ hội tìm hiểu, thêm yêu lịch sử, muốn tìm hiểu khám phá giá trị văn hóa của dân tộc.

Chú thích ảnh
Những tờ tem phiếu dành cho người trả lời đúng câu hỏi. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Cô Phạm Thu Hà, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Thông thường ở trường học, học sinh học những kiến thức phổ thông và ít có cơ hội trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử địa phương. Sau những ngày học tập căng thẳng trên lớp, những phút giây như thế này thực sự rất ý nghĩa đối với các em, học mà chơi, chơi mà học.

Qua hoạt động này, các em thêm gắn bó với thầy cô, bạn bè, đồng thời giúp các em phát huy khả năng tư duy, sáng tạo và tình yêu với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, các em được hiểu và nắm rõ hơn kiến thức lịch sử đất nước Việt Nam qua các thời kỳ của đất nước cũng như lịch sử hào hùng của địa phương. 

Chú thích ảnh
Các món ăn thời bao cấp. Ảnh: Xuân Tư /TTXVN

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: Trong những năm qua, ngoài việc đổi mới ngoài môi trường cảnh quan tại các điểm di tích, trưng bày tài liệu hiện vật, đơn vị còn chú trọng việc tuyên truyền, giới thiệu truyền thống lịch sử đến các em học sinh trên bàn.

Chương trình “Em yêu lịch sử” đã tạo sân chơi bổ ích, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử quan trọng, một bước ngoặt của đất nước với những đổi thay, thành tựu mà chúng ta có được nhờ công cuộc đổi mới, từ đó góp phần nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của học sinh, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước vì một tương lai tốt đẹp.

Văn Dũng - Xuân Tư (TTXVN)
Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Chủ động kế hoạch ôn tập, không bất ngờ khi môn Lịch sử được chọn
Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Chủ động kế hoạch ôn tập, không bất ngờ khi môn Lịch sử được chọn

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020, các trường học trên địa bàn thành phố đã ngay lập tức triển khai phương án giảng dạy và ôn tập cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN