Các trường đại học mở nhiều ngành đào tạo mới

Đến ngày 18/1, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2021, trong đó các trường đại học phía Nam mở thêm ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Đáp ứng nhu cầu xã hội      

Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh vừa công bố mở 5 ngành đào tạo mới: Robot & trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân sự, Quan hệ công chúng, Quan hệ quốc tế. Trường cũng dự kiến tuyển sinh thêm hai ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng.  

Chú thích ảnh
Đại diện Bộ phận tuyển sinh – đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trao đổi, giải đáp, cung cấp thông tin cho học sinh. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Lãnh đạo trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đánh giá: Đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực khá lớn trong nền kinh tế hội nhập, nhưng hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo.

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông của trường: “Robot & trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu được coi như những mũi nhọn trong thời đại 4.0. Trong khi đó, các ngành kỹ thuật - công nghệ hiện có đều chỉ tích hợp một số học phần liên quan đến các lĩnh vực này để người học có thể ứng dụng vào chuyên ngành của mình”.  

Còn trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh công bố có thêm 6 ngành mới trong năm 2021. Đó là các ngành: Robot và hệ thống điều khiển thông minh, quản lý đô thị thông minh và bền vững; kỹ thuật hóa phân tích; kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Mỗi ngành mới, trường dự kiến tuyển từ 80 - 100 chỉ tiêu.   

Bên cạnh những ngành mới được coi là những mũi nhọn trong thời đại công nghệ 4.0, những ngành sức khoẻ cũng được nhiều trường dự kiến mở ngành. Năm 2021, ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển 4.210 chỉ tiêu cho 68 ngành đào tạo. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng mở 16 ngành mới gồm: Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khoẻ răng miệng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu, Quản lý bệnh viện, Bất động sản, Kỹ thuật y sinh, Công nghệ sinh học y dược, Tâm lý học, Quản trị sự kiện, Quan hệ công chúng, Giáo dục tiểu học và Quản lý giáo dục.     

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến mở mới ngành Chính trị học và chương trình chất lượng cao ngành Hàn Quốc học.       

Đa dạng phương thức tuyển sinh      

Về cơ bản, phương thức tuyển sinh 2021 của các trường ĐH vẫn giữ ổn định như năm ngoái. Tuy nhiên, các trường đều có từ 3 - 5 phương thức xét tuyển để chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo.      

Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh công bố 4 phương thức tuyển sinh dựa vào: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2021 của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).         

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đưa ra 5 phương thức tuyển sinh với chỉ tiêu dự kiến như sau: Ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ 1-5% tổng chỉ tiêu); Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (15-20% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (45-70% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021 (35-50% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài (1-2% tổng chỉ tiêu).     

Bà Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương cho biết: “Về cơ bản, nhà trường vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020 bao gồm: Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT và Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định riêng của trường”.      

Năm 2020, Trường ĐH Ngoại Thương dành khoảng 50% chỉ tiêu cho xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và 50% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển riêng của trường. Dự kiến tỷ lệ này vẫn giữ như năm 2020 hoặc nếu có chỉ điều chỉnh chênh lệch không đáng kể.      

Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Nhiều trường đại học ở Hà Nội đang cân nhắc việc có tham gia sử dụng kết quả này hay không. Do đó, thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về đề án tuyển sinh của các trường phía Bắc năm 2021. Năm ngoái, khi có thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thì nhiều trường đại học top đầu đã dự kiến lấy kết quả của kỳ thi này. 

Lê Vân/Báo Tin tức
ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mở nhiều ngành học mới
ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mở nhiều ngành học mới

Thông tin từ Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2020 các trường thuộc đại học này sẽ dự kiến tuyển 10.000 sinh viên hệ đại học chính quy và 17 ngành học mới để đáp ứng nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN