Các khu đô thị mới Hà Nội thiếu trường học

Nhiều khu đô thị (KĐT) tại Hà Nội đã đi vào hoạt động hàng chục năm mà vẫn không có đủ hệ thống trường học theo đúng quy định. Vì vậy, phụ huynh phải cho con em đi học “nhờ” tại các trường công lập cách nhà cả chục km ở các khu dân cư lân cận hoặc học tại các trường tư thục với mức học phí cao ngất ngưởng.


Vất vả vì phải đi học “nhờ”


KĐT Mễ Trì Hạ nằm ngay bên đường Phạm Hùng với hàng trăm căn hộ tái định cư, những tòa chung cư cao tầng và nhà biệt thự khang trang nhưng chỉ có khoảng 4 - 5 trường mầm non tư thục dành cho trẻ nhỏ. Anh Nguyễn Quang Huy, một người dân ở đây cho biết, gia đình anh có hai cháu nhỏ, trường học công lập cho các bậc học cao hơn đều không có, một cháu học lớp 4, một cháu học mầm non. Trường mầm non tư nhân ở gần nhà đều có học phí rất cao, từ 3 - 5 triệu đồng/tháng trong khi thu nhập của vợ chồng anh có hạn nên không thể chi phí đủ cho cháu học tại đây. Vì thế, anh Huy phải xin cho con đi học tại khu vực quận Cầu Giấy, cách nhà tới hơn 5 km. Đường xa lại hay tắc nghẽn nên việc phải đưa con đi học xa hàng ngày khiến gia đình rất vất vả.

Khu đất được quy hoạch làm Dự án xây dựng Trường Tiểu học công lập Mỹ Đình - Mễ Trì vẫn chỉ là bãi đất trống giữa khu đô thị.


KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì cũng được xây dựng rất đẹp, bài bản, quy mô nhưng cũng lại hoàn toàn “vắng bóng” các trường học công lập. Bên cạnh những tòa nhà cao tầng khang trang là khu đất trống cỏ mọc xanh um được quây lại với tấm biển “Dự án xây dựng Trường Tiểu học công lập Mỹ Đình - Mễ Trì”. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho UBND huyện Từ Liêm thực hiện triển khai đầu tư xây dựng trường tiểu học công lập tại đây theo quy định của Nhà nước và thành phố, để đưa vào khai thác sử dụng trong năm học 2013 - 2014. Nhưng đến nay, dự án vẫn còn nằm trên giấy.


Đến nay, tại huyện Từ Liêm có trên 10 KĐT với hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự… đã được xây dựng nhưng đều trong tình trạng thiếu trường học. Ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết, hầu hết các dự án đều chậm trễ trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng các trường học. Sở dĩ chậm vì các chủ đầu tư lấy lí do kinh phí xây dựng trường học là từ nguồn xã hội hóa nên phải chờ các nhà đầu tư thứ cấp. Khu đô thị Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 đã thực hiện tốt việc xã hội hóa trong phát triển trường học, xây dựng nhiều trường tư nhưng hầu hết do giá học phí quá cao nên nhiều người dân không đủ sức cho con theo học.


Chú trọng xây dựng trường công lập


Qua kết quả kiểm tra của TP Hà Nội, tại 10 KĐT đã đưa vào sử dụng gồm: Yên Hòa, Nam Trung Yên, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mỹ Đình - Mễ Trì, Dương Nội, Văn Quán - Yên Phúc, Văn Phú… theo quy hoạch có 38 trường học nhưng hiện nay mới xây dựng và đưa vào sử dụng 27 trường. Trong đó chỉ có 4 trường công lập. Còn lại 11 trường chưa xây dựng xong. Điều đáng nói là hầu hết các KĐT này đều đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm.


Tại KĐT Linh Đàm, hơn một vạn cư dân tại đây vẫn phải chấp nhận hai “kịch bản”, một là cho con học trái tuyến trong các trường Đại Kim, Hoàng Liệt (Hoàng Mai) hoặc phải cho con học tại các trường tư thục với chi phí cao. Anh Đỗ Quốc Hưng sống tại khu bán đảo Linh Đàm cho biết: “Gia đình tôi có hai con, cháu lớn học tại Trường Tiểu học dân lập Ban Mai ở Hà Đông, cách nhà 8 km, học phí 5 triệu đồng/tháng. Cháu nhỏ học trường mầm non bán công ở Bắc Linh Đàm với học phí 3 triệu đồng/tháng. Tổng chi phí tiền học cho 2 cháu là quá cao so với thu nhập gia đình nhưng vẫn phải chấp nhận vì ở KĐT không có trường công lập”.


Việc các KĐT đều thiếu trường học hoặc chủ yếu chỉ là trường tư thục dẫn đến các trường công lập xung quanh đó phải “gánh” thêm số lượng học sinh từ các KĐT nên dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Trong khi đó, nhiều quỹ đất xây trường học tại nhiều KĐT đang bị bỏ hoang. Trước những bức xúc hiện nay, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu, chính quyền các địa phương phải tập trung xây dựng lo trường công cho con em học để đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục. Công tác quy hoạch phải quan tâm dành quỹ đất xây dựng trường học cho trẻ, cần thu hồi quỹ đất được dùng sai mục đích để xây dựng hạ tầng xã hội.


Hiện tại, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, kiểm tra và giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, khu tái định cư và khu nhà ở trên địa bàn, đặc biệt lưu ý tiến độ triển khai các dự án xây dựng hạ tầng xã hội trong đó có xây dựng trường học.



Bài và ảnh:Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN