Bộ trưởng GD&ĐT nêu định hướng của ngành

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi về những quan điểm, định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong thời gian tới để những người đứng đầu ngành giáo dục các địa phương thống nhất nhận thức và đồng hành với Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước. Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương kể từ khi ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT).


Tham dự cuộc làm việc có các Thứ trưởng, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo một số trường sư phạm trong cả nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐL


Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là cuộc làm việc quan trọng nhằm trao đổi về những quan điểm, định hướng nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới để những người đứng đầu ngành giáo dục các địa phương thống nhất nhận thức và đồng hành với Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Cần nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, đa chiều những gì ngành giáo dục đã làm được, chưa làm được để làm rõ những kết quả, hạn chế, yếu kém của ngành. Những vấn đề chưa làm tốt sẽ phải có kế hoạch cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.


Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành giáo dục là ngành liên quan trực tiếp đến phát triển con người, cuộc sống của từng gia đình, vì thế phải làm sao để xã hội yên tâm về ngành, tin tưởng về ngành”. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu, từ thực tế địa phương của mình và công tác quản lý điều hành của Bộ, nêu ra những bất cập, hạn chế yếu kém để các đại biểu thảo luận, thống nhất lựa chọn các vấn đề cấp bách cần làm ngay.

Cuộc họp tập trung lãnh đạo 63 Sở GD - ĐT và trường sư phạm. Ảnh: ĐL


Trong một ngày làm việc chung và tiến hành thảo luận theo nhóm, các đại biểu đã thống nhất cao về một số nhiệm vụ mà ngành giáo dục sẽ ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tổ chức quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức phần luồng trong giáo dục; tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục & đào tạo; tăng cường giảng dạy tiếng Anh ở tất cả các cấp học, bậc học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Cùng với đó, các đại biểu cũng nhất trí tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ được xã hội hết sức quan tâm như: đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, thi cử…


Thẳng thắn và trách nhiệm là những gì được ghi nhận qua buổi làm việc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với các Giám đốc Sở GD - ĐT. Những câu chuyện giáo dục, những ý kiến đầy tâm huyết được chia sẻ trong cuộc làm việc cho thấy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành, quyết tâm đổi mới, quyết tâm tạo lập và giữ vững niềm tin của xã hội đối với một công việc thầm lặng nhưng đầy cao quý mà ngành giáo dục đang triển khai. Cả nước hiện có gần 1,3 triệu giáo viên, nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc làm việc “nếu chúng ta tạo được động lực, khơi dậy được tinh thần trách nhiệm, tự trọng nghề nghiệp của gần 1,3 triệu con người ấy, sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ thành công”.


Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các Giám đốc Sở GD - ĐT, đồng thời đề nghị các Sở GD- ĐT trong cả nước cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên của ngành trong thời gian tới, trước mắt tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về Nghị quyết 29-NQ/TƯ; xây dựng Kế hoạch triển khai để cụ thể hóa Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ tại địa phương; rà soát kỹ những vấn đề bất cập, hạn chế yếu kém hiện nay về GD- ĐT tại địa phương để có kế hoạch khắc phục; tổng kết, đánh giá tình hình triển khai một số chủ trương đổi mới của ngành như Thông tư 30, dự án VNEN, phương pháp “Bàn tay nặn bột”…, đề xuất với Bộ để sớm có những điều chỉnh cho phù hợp; tập trung cho kỳ thi THPT Quốc gia, các kỳ thi chuyển cấp, hạn chế những vấn đề liên quan đến chạy trường, chạy lớp, dạy thêm học thêm; chủ động đề ra các biện pháp giảm thiểu tình trạng suy giảm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, học sinh đuối nước…; tăng cường công tác truyền thông giáo dục, xây dựng mạng lưới thông tin giáo dục trong toàn ngành; làm tốt công tác tổng kết năm học 2015-2016, đặc biệt chú ý tới công tác thi đua khen thưởng nhằm tạo động lực tốt trong hoạt động dạy và học.


Đối với công tác phối hợp giữa Bộ và các địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hơn nữa sự tương tác thông qua các cuộc làm việc định kỳ hoặc hội nghị chuyên đề giữa Bộ với các Sở và lãnh đạo địa phương. Bộ khuyến khích các Sở đề xuất các sáng kiến, chuyên đề nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Theo ông Phù Xuân Nhạ, Bộ sẽ tăng cường lắng nghe ý kiến từ các địa phương trước khi đưa ra những chủ trương, quyết sách cho toàn ngành.

LV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN