Bộ GD&ĐT: Nhiều phương pháp dạy chưa phù hợp với chương trình mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho hơn 500 giáo viên là tổ trưởng bộ môn của các trường phổ thông phía Bắc. Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra một số lối dạy chưa phù hợp với chương trình mới và cách làm để giáo viên giúp học sinh phát triển phẩm chất năng lực ở bậc học này.

Vẫn còn hiện tượng rập khuôn        

Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, chương trình tiểu học có nền tảng rất quan trọng để phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh  - một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình bậc THCS, THPT sẽ tiếp tục phát triển phẩm chất năng lực này, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em.       

Chú thích ảnh
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải là tổ chức dạy học và chỉ đạo. Ảnh: QT 

Tuy nhiên, trải lòng về phương pháp dạy học hiện nay, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, nhiều giáo viên ứng dụng những phương pháp giảng dạy mới nhưng còn rập khuôn và lạm dụng. Cụ thể, TS Vũ Đình Chuẩn chia sẻ về buổi dự giờ ở một trường học với chủ đề “động vật dưới nước”.

“Ngay mở đầu, hình ảnh một chú cá bơi ra ở màn hình cùng với âm thanh sống động và liên tục thay đổi hình ảnh. Cô hiệu trưởng coi đây là hiện tượng rất độc đáo nhưng tôi thấy buổi dạy học không khác buổi trình chiếu phim. Sau đó, bất cứ bài học nào, giáo viên cũng cho trình chiếu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là điều tốt nhưng tôi nhận thấy giáo viên đang quá lạm dụng. Bộ GD&ĐT không hướng dẫn như vậy", TS Vũ Đình Chuẩn nói.  

Bên cạnh đó, TS Vũ Đình Chuẩn cũng “điểm mặt” cách dạy của giáo viên theo kiểu "thích gì dạy nấy".

“Có hiện tượng, thầy cô thích phương pháp nào thì cứ áp dụng phương pháp đó từ đầu đến cuối. Tôi đi đến đâu dự giờ, các thầy cô cũng áp dụng bản đồ tư duy. Hình ảnh “con bạch tuộc” (Bản đồ tư duy - PV) xuất hiện rất nhiều ở các bài giảng. Nhưng thầy cô nên nhớ, không phải bài giảng nào cũng thực hiện điều này. Giáo viên cần uyển chuyển trong cách dạy. Có như vậy học sinh mới cảm thấy hứng thú với bài giảng”, TS Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh.      

Thực tế, yêu cầu của phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt trong phương pháp dạy học. Giáo viên thực hiện theo các bước: lựa chọn, sắp xếp và truyền thụ. Thầy cô là người lựa chọn chủ đề, sắp xếp cái gì trên, dưới; trước, sau; trong, ngoài, đặc biệt là kết cấu kiến thức theo chủ đề.

TS Vũ Đình Chuẩn khẳng định: “Việc dạy theo chủ đề đã được Bộ GD&ĐT yêu cầu các thầy cô dạy trong mấy năm nay. Mỗi học kỳ tổ chuyên môn làm 2 chủ đề. Nhưng các thầy cô cũng kêu khó khăn. Đến nay, không thể nói là khó khăn nữa bởi trong chương trình tổng thể và chương trình các môn học đều có định hướng phương pháp giáo dục. Đó là việc tích cực hoá hoạt động của học sinh. Đồng nghĩa với việc thầy cô phải đa dạng hoá phương pháp dạy học”.      

Dẫn chứng về điều này, TS Vũ Đình Chuẩn cho rằng: Hiện học sinh nhiều tỉnh như: Lào Cai, Tuyên Quang, Hoà Bình có thể học trong, ngoài khuôn viên lớp học. Các thầy cô, học sinh có những điểm thực hành rất chân thực như ruộng mía, vùng trồng cam…

Tăng sự chủ động của học sinh      

Không còn cách dạy theo phương pháp truyền thống ở 4 bức tường mà ngay trong lớp học có đã có các hình thức khác nhau: Làm việc nhóm, thí nghiệm, phát triển cộng đồng… Đấy là cách phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. TS Vũ Đình Chuẩn cho rằng, các thầy cô phải làm thế nào để học sinh suy nghĩ, thảo luận nhiều hơn.      

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, phẩm chất là những tính tốt thể hiện thái độ hành vi ứng xử con người. Tính tốt thể hiện ở hành vi thái độ ứng xử con người. Cùng với năng lực tạo nên nhân cách. Phẩm chất được đánh giá bằng hành vi. Chưa có biểu hiện hành vi thì coi như hình thành phẩm chất không thành công; đồng thời chú trọng phương pháp dạy học trải nghiệm.     

TS Vũ Đình Chuẩn chia sẻ về một giờ Giáo dục công dân ở một trường học Hà Nội dạy về “Giá trị sống”. Giáo viên và học sinh tương tác ở trong lớp 15 phút, sau đó mỗi em dùng một chiếc máy ảnh hoặc điện thoại di động có camera đi chụp ảnh. Hình ảnh là: Bác bán báo, cô bán bánh mỳ , ông thợ sửa xe, ông thợ đánh giày… hoặc những tình huống như vượt đèn đỏ trên đường. Sau đó các em về dựng thành video clip. Từ đây, học sinh nói lên suy nghĩ và tương tác cùng với nhau, cùng với thầy cô. Thầy cô lúc này là người hướng dẫn. Đó là cách dạy theo hướng phát triển phẩm chất của học sinh.      

“Phẩm chất, năng lực người học được cụ thể hoá cấp tiểu học, THCS, THPT. Mỗi môn học sẽ có thế mạnh của một phẩm chất. Nếu không cụ thể hoá được thì dẫn đến hiện trạng đi đến trường học nào cũng thấy treo “5 điều Bác Hồ dạy”, trong đó có giữ gìn vệ sinh thật tốt nhưng mạng nhện dính lớp học, nhà vệ sinh học sinh không dám vào”, TS Vũ Đình Chuẩn nêu.  

Thực tế, việc dạy học trải nghiệm, tăng tính chủ động của học sinh cũng được các trường học hiện thực hóa trong 2 năm gần đây. Lãnh đạo trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) khẳng định: "Không chỉ học trò mà chính giáo viên chúng tôi đã lần lượt qua các nếm trải thực tế và chiêm nghiệm nhất định".

Đơn cử như việc đưa học sinh đến bảo tàng để học, với mục tiêu rõ ràng là hãy làm sao khiến cho bảo tàng luôn sống động và ấn tượng trong tâm trí của các em. Ví dụ trong năm học 2017 - 2018, nhóm chuyên môn Lịch sử của trường đã đưa học sinh đến Bảo tàng Lịch sử, nhóm Sinh học đưa học sinh đến Bảo tàng Thiên nhiên, tổ Ngữ văn đưa hơn 300 học sinh khối 10 đến Bảo tàng dân tộc Việt Nam.

Trước khi đi, học sinh được tách thành các nhóm và giao việc theo các không gian trưng bày để khi đến bảo tàng. Tại đây, các nhóm học sinh sẽ quan sát, ghi chép và quay video clip lại. Sau đó, các nhóm về báo cáo và thể hiện bằng các bài học chuyên sâu. Nếu sản phẩm nào chưa đạt thì học sinh hoặc nhóm phải đưa ra các dẫn chứng để thuyết phục chính sự phản biện của nhóm khác và thầy cô giáo...

Nhiều giáo viên khẳng định, dạy học sinh theo hình thức trải nghiệm, tăng sự chủ động cho các em thì giáo viên vất vả hơn dạy theo phương pháp cũ. Nếu giáo viên thụ động, thiếu bản lĩnh tương tác thì sẽ bị căng thẳng. Nhưng từ hoạt động tương tác, trải nghiệm, bằng phương pháp tư duy khoa học, thầy cô sẽ lý giải, phân tích, tổng hợp nâng cao được cho học trò ở một tầng khác. Từ những điều dù học sinh đã được mắt thấy tai nghe, thầy cô tiếp tục khơi nguồn để đầu nghĩ và tay viết, để làm nên các sản phẩm học tập sáng tạo. Đây chính là vai trò tổ chức dạy học và chỉ đạo của thầy cô theo phương pháp dạy học tiếp cận phẩm chất, năng lực của học sinh.

Lê Vân/Báo Tin tức
Ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 1 xã hội hoá đầu tiên theo chương trình mới
Ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 1 xã hội hoá đầu tiên theo chương trình mới

Chiều 17/12, Bộ sách giáo khoa lớp 1 xã hội hoá đầu tiên mang tên “Cánh diều” chính thức ra mắt. Đây là bộ sách giáo khoa đầy đủ, đồng bộ và duy nhất gồm tất cả các môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN