Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị
Về cơ bản, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 mở ra hành lang pháp lý quan trọng, cho phép các trường đại học triển khai quyền tự chủ. Tuy nhiên, Luật cũng quy định quyền tự chủ chủ yếu về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy. Những vấn đề liên quan đến viên chức, tài chính, tài sản lại được quy định ở các luật khác. Trong khi đó, các luật này không được sửa đổi nhanh chóng, đồng bộ với Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: “Vừa rồi có một số nghị định liên quan đến Luật Viên chức đã có nội dung theo kịp, đồng bộ với Luật Giáo dục đại học sử đổi 2018, nhưng còn một số điều khoản chưa đồng bộ. Bộ GD&ĐT rất quan tâm vấn đề này, vì các trường đại học đang vướng mắc. Ví dụ như quy định “Ai là người đứng đầu trong một trường đại học” thì quy định về quản lý viên chức chưa hoàn toàn đồng bộ với Luật Giáo dục đại học mới. Bộ GD&ĐT đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện, nhằm có những sửa đổi bổ sung để đồng bộ hai luật này”.
Về vấn đề tài chính, tài sản trong tự chủ đại học, các trường phải chờ Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 86/CP. Lúc đó, các trường đại học mới thực sự có hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện tự chủ đại học về lĩnh vực tài chính.
Các luật khác, ví dụ như: Luật Đầu tư công được ban hành một số Nghị định, trong đó có một số quy định mới khá phù hợp. Nhưng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, thì điểm nghẽn ở đây chính là Luật Quản lý tài sản công về quy trình thủ tục sử dụng tài sản công trong thực hiện hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết hợp tác với cơ sở doanh nghiệp bên ngoài có quy trình khá phức tạp.
“Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung về Luật hoặc Nghị định hướng dẫn để các trường đại học có những quyền tự chủ cao hơn. Qua đó, các trường đại học hoạt động tự chủ hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Do nhận thức
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Trước đây, khi chưa thực hiện cơ chế tự chủ, hiệu trưởng các trường đại học điều hành toàn bộ hoạt động của nhà trường. Nhưng khi thực hiện tự chủ, nhất thiết các trường đại học phải thành lập Hội đồng trường. Nhà nước tăng quyền cho các trường liên quan đến lợi ích chung như về sử dụng tài sản, tài chính, định hướng. Đến nay, Hiệu trưởng vẫn tiếp tục điều hành hoạt động của trường, nhưng cơ quan quản trị nhà trường sẽ quyết định một số vấn đề quan trọng, đặc biệt liên quan đến nguồn lực, phân bổ quyền lực và giám sát. Một mình hiệu trưởng sẽ không đủ sức làm việc đó”.
Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đổi mới là cả quá trình, kèm theo thay đổi nhận thức. Nếu như một trường chưa có Hội đồng trường, đương nhiên hiệu trưởng không thấy được vai trò quan trọng của Hội đồng trường. Luật đã rõ, các trường cần tìm hiểu kỹ câu chuyện quản trị, quản lý điều hành để thực thi, thay đổi.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng: "Đổi mới giáo dục đại học là quá trình gặp nhiều khó khăn, thách thức. Giai đoạn mới sẽ xoay quanh tự chủ đại học, liên quan nhiều Bộ, ngành, địa phương, không chỉ trường đại học với Bộ GD&ĐT. Thành lập ban chỉ đạo quốc gia về đổi mới giáo dục đại học là cần thiết, nhưng quá trình hoạt động mới quan trọng. Phải giao nhiệm vụ rõ, chứ không phải thành lập là xong...".