Tuy phải bôn ba, mưu sinh nơi xứ người nhưng cô Lan vẫn luôn đau đáu về quê nhà và mong muốn sớm được sum họp với con cháu. Hẹn gặp cô Lan ở khu chợ di động nơi cô vẫn thường buôn bán, gian hàng của cô vô cùng đơn sơ với tấm bạc trải và một vài nguyên liệu nấu ăn phổ biến.
Chị Lan vì muốn 3 đứa con đi học thành tài đã trốn con lên TP Hồ Chí Minh để bôn ba kiếm sống. Ảnh: CTV |
Thế nhưng
, vẫn có nhiều khách tìm đến mua hàng của cô, có lẽ một phần từ lâu họ đã cảm mến cô bán hàng chân chất, tươi vui, luôn chào mời khách đon đả. Vừa thoăn thắt bán hàng, cô Lan vừa tâm sự những mẫu chuyện vui buồn trong quãng thời gian xa quê mưu sinh.
Họ bảo tôi trèo cao nhưng phải làm được gì thì tôi mới quay về
Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1971, quê ở Bắc Ninh, lấy chồng từ khi 19 tuổi và sinh được 3 con. Nơi quê nghèo, người dân chỉ biết làm ruộng, thế nhưng không có ruộng đất để cày bừa, vợ chồng cô chỉ biết làm thuê đủ việc tay chân để nuôi con ăn học, vậy mà vẫn không đủ tiền.
Nghe hàng xóm kháo nhau vào Nam làm ăn kiếm được nhiều tiền, vợ chồng cô quyết bắt tàu vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tự nhận bản thân thất học, từ khi theo chồng vào Nam, cô Lan không biết làm gì ngoài việc ra chợ thu mua một vài mớ rau, miếng thịt, con cá rồi bán lại cho người đi chợ. Còn chồng cô thì hành nghề lái xích lô, ba gác.
Mỗi tháng ngoài tiền thuê nhà, cô Lan gửi tiền về quê cho ông bà nội nuôi cháu. Nhớ lại lúc mới lên thành phố, hai vợ chồng chỉ có đủ tiền mua một đôi quang gánh đi bán. Sau này, phương tiện đi lại dần dần được nâng cấp lên thành xe đạp, rồi đến chiếc Cup 50 cũ kỹ như hiện nay.
Mạc dù cuộc sống nhiều khó khăn nhưng chị vẫn luôn lạc quan và vui tươi. Ảnh: CTV |
Cô bồi hồi nghĩ lại khoảng thời gian kinh hoàng nhất khi ở
TP Hồ Chí Minh: Một ngày như mọi ngày
, đáng lẽ chú Phương
- chồng cô phải về nhà khi trời sập tối, thế nhưng chỉ mình cô ở nhà trông ngóng lo sợ. Đến khi trời tờ mờ sáng, chú mặc bộ đồ bệnh nhân về nhà, trên mình đầy thương tích.
Lúc đó cô mới biết, đêm qua chú đã gặp tai nạn lúc chở tôn, bị tôn cứa vào tay chân, mất nhiều máu và bất tỉnh trên đường tới bệnh viện. May thay, trong túi chú còn vài trăm ngàn tiền phòng thân nên mới được cứu chữa kịp thời. Trải qua nhiều biến cố nhưng cô chú vẫn bám trụ, làm ăn tại TP Hồ Chí Minh và chưa hề nuối tiếc về quyết định này.
Cô cười nhớ lại năm xưa, khi cùng chồng khăn gói vào Nam, nhiều người đã dè bỉu cho rằng cô trèo cao. “Chân quê, ngu si, mắt toét biết gì mà đòi lên thành phố” hay “Lên đó sao sống được? Thể nào cũng quay về tay không”. Tất cả những lời mỉa mai đó đã là động lực để cô Lan quyết tâm chứng minh cho mọi người rằng, mình sẽ làm nên chuyện.
Đến nay, mọi người ở quê đều biết cô Lan là một người phụ nữ giỏi giang, thành đạt nhất nhì nơi cô sống. Cả ba đứa con cho biết, đi đâu cũng nghe họ hàng nói về mẹ mình là người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó lo cho chồng con. Nghe vậy cô Lan càng thêm ấm lòng và cho biết: “Dẫu vất vả lắm, nghe con nói vậy mẹ càng muốn làm gấp đôi”.
Người phụ nữ nghị lực, lạc quan vô đối
Tuy bán thức ăn là thế nhưng khoảng thời gian đầu, mỗi bữa vợ chồng cô chỉ ăn cơm với rau dù cho có dư thịt cá không bán được ban ngày. Cô Lan xúc động cho biết nhìn thịt mà rớt nước mắt, không ăn nổi khi nghĩ đến con ở nhà không biết có miếng thịt để ăn không.
Nữ ca sĩ Cẩm Ly cũng phải cảm thán: “Niềm vui và sự hứng khởi của cô đã lan tỏa đến tất cả mọi người”. |
Từ đó về sau, chồng cô nói bán được nửa giá cũng cứ bán hết
, chứ cả hai sẽ lại nghẹn ngào không nuốt trôi những miếng ăn ngon. Thậm chí
, khi bất giác trông thấy những đứa trẻ trên đường đi hay cảnh nhà nhà chuẩn bị bếp núc
, cô Lan lại thấy cay cay sống mũi, nghĩ về cha mẹ già và những đứa con thơ đang chờ đợi ở quê.
Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, ba đứa con trai của cô giờ đây đều đã khôn lớn thành tài. Lúc vợ chồng cô trốn con lên thành phố vào giữa đêm, con cô phát hiện chạy theo van nài mẹ ở quê với mình, chỉ ăn rau sống qua ngày cũng được. Thế nhưng với suy nghĩ đời ông bà, cha mẹ đều không được học hành tử tế, phải làm việc tay chân cực nhọc, cô Lan quyết tâm bằng mọi giá phải cho con mình một tương lai sáng hơn.
Rời quê năm đứa con lớn lên 7, đến nay con cô đã 28 và có vợ con. Kế đến là người con thứ hai 25 tuổi cũng đã ra trường và có công việc ổn định. Đứa con út của cô năm nay 15 tuổi và đang chuẩn bị thi vào lớp 10.
Như giám khảo Cẩm Ly có thắc mắc trong chương trình, ba đứa con của cô hiện đã khôn lớn, có công ăn việc làm ổn định nhưng sao vợ chồng cô không về quê sống cùng con cháu. Cô Lan cho biết do chưa trả hết số nợ đã mượn để xây nhà ở quê nên vợ chồng cô chưa thể về. Số nợ lên đến cả trăm triệu nhưng hơn hai năm trôi qua, cô vẫn chỉ trả được tiền lãi mỗi tháng.
Nhiều đêm suy nghĩ trằn trọc, cô không hiểu sao cũng là một đời người nhưng người ta thì sung sướng, còn mình thì khổ từ nhỏ đến lớn. Nhưng rồi cô Lan tự động viên: “Trông lên không bằng ai nhưng trông xuống cũng có người không bằng mình. Trời cho mình còn đôi chân đôi tay, thế nên mình vẫn cứ vô tư. 5 năm không trả hết thì 10 năm về. Có sức khỏe là làm được”.
Tuy trải qua nhiều năm tha hương mưu sinh, nhiều biến cố trong cuộc sống nhưng cô Lan vẫn luôn giữ trong mình tinh thần lạc quan, yêu đời khiến nhiều người ghen tỵ. Nữ ca sĩ Cẩm Ly cũng phải cảm thán: “Niềm vui và sự hứng khởi của cô đã lan tỏa đến tất cả mọi người”. Ai cũng sẽ có lúc gặp khó khăn, bế tắc và chính những người phụ nữ mạnh mẽ như cô Lan trong Hát mãi ước mơ sẽ truyền cảm hứng và cho chúng ta thêm niềm tin vào cuộc sống.
Tập tiếp theo của Hát mãi ước mơ sẽ tiếp tục lên sóng vào lúc 20 giờ 30, thứ tư ngày 21/06/2017 trên kênh HTV7.