Trạm yêu thương - Ngược chiều gió

Dù mất một cánh tay, gia đình đặc biệt khó khăn nhưng với nỗ lực và ý chí vươn lên, Lý Dào Quyên đã quyết tâm mang chữ xuống phố, tự mở ra cho mình một tương lai phía trước. Hành trình theo đuổi đam mê trở thành luật sư của chàng trai người Dao sẽ được chia sẻ trong “Trạm yêu thương” chủ đề “Ngược chiều gió” lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 26/2 trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Chú thích ảnh
Chàng sinh viên một tay người Dao quyết tâm theo đuổi đam mê. Ảnh: vtv.vn

Xuất hiện tại Trạm yêu thương, chàng trai Lý Dào Quyên khiến cả trường quay tò mò bởi cái tên như con gái. Không để mọi người chờ đợi lâu, Dào Quyên lý giải đó là cái tên được đặt theo tiếng dân tộc Dao đỏ của mình. Ngay sau đó, chàng trai này còn kịp bắt trend khi phiên dịch tên bài hát “Mang tiền về cho mẹ” sang tiếng Dao để khoe với khán giả Trạm yêu thương.

Ngay ở phần đầu chương trình, những câu hỏi của MC Minh Hằng về quê hương, cuộc sống nơi quê nhà giúp Lý Dào Quyên thoải mái, tự tin hơn. Dào Quyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc hộ nghèo của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Thu nhập của cả hai bố mẹ đều không ổn định, quanh năm chỉ trông chờ vào trồng lúa một vụ ở nơi quanh năm khô cằn sỏi đá. Em là con thứ hai trong gia đình có ba chị em. Chị gái Quyên phải nghỉ học từ năm lớp 5 để phụ giúp bố mẹ, nhường cơ hội tới trường cho các em.

Năm 10 tuổi, Quyên bị tai nạn điện giật nên chỉ còn lại cánh tay trái. Càng lớn lên, Quyên càng cảm thấy mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể mình. Học tập là cách giúp Quyên quên đi nỗi buồn ấy. Quyên kể nhà cách trường tận 7 km, nhưng ngày nào em cũng dậy rất sớm để đi bộ đến trường. Trèo đèo, lội suối, vượt đồi, vượt núi chỉ với một cánh tay, đi lại rất vất vả nhưng Lý Dào Quyên luôn quyết tâm theo đuổi con chữ vì đó là ước mơ của cả gia đình và còn là điều mà em muốn chứng minh cho mọi người thấy: “Mất đi một tay nhưng mình vẫn có thể đi học và theo đuổi ước mơ như người bình thường”. Ước mơ của Dào Quyên là theo đuổi ngành Luật để hướng tới một xã hội công bằng.

Nhớ lại thời điểm đỗ Đại học, Dào Quyên kể rằng lúc đầu gia đình vui mừng lắm, sau đó bố mẹ em lại lo lắng vì không có tiền cho con trai đi học. Thế nhưng việc không có tiền chẳng thể làm Quyên vơi đi quyết tâm bởi với em, đi học là để thoát nghèo, giúp gia đình mình không nằm trong danh sách hộ nghèo nữa.

Hành lý đến trường của sinh viên Đại học Mở lúc bấy giờ là 1 bao gạo, lỉnh kỉnh xoong nồi và 1,5 triệu đồng tiền mặt - số tiền mà cả nhà em gom góp mới có được. Lần đầu tiên xuống Hà Nội, chưa biết đi xe tuyến nào, nên thời điểm Dào Quyên vừa đặt chân xuống Thủ đô đã là nửa đêm. Khi MC Minh Hằng hỏi, “em có thấy hành trình học tập của mình thật vất vả không?” Chàng sinh viên người Dao thật thà đáp lại: “Em chỉ sợ không được học thôi, chứ được đi học thì khó khăn đến thế nào em cũng chịu được”.

Trong hành trình theo đuổi con chữ của mình, Dào Quyên không quên kể về cộng đồng sinh viên người Dao ở Hà Nội, nơi những sinh viên xa nhà như em có thể gặp nhau để chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Đôi khi chỉ cần được nghe tiếng của dân tộc mình, nhìn thấy màu áo quen thuộc cũng đủ làm mọi người cảm thấy vơi đi nỗi nhớ. Với Quyên đây như ngôi nhà thứ hai, nơi em nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của những người dù chỉ mới quen biết. Đặc biệt hơn, khi được tiếp xúc với những người có hoàn cảnh khó khăn như mình, Quyên càng được tiếp thêm sức mạnh trên con đường đi ngược chiều gió.

Gặp lại Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng trong Trạm yêu thương, Lý Dào Quyên cho biết đây chính là ân nhân giúp đỡ khi em xuống Hà Nội nhập học. Đối với Quyên, điều lớn nhất mà em học được ở Tiến sỹ Năng là kinh nghiệm sống để tiếp tục theo đuổi khát khao làm sinh viên của mình. Không chỉ khiến khán giả rơi nước mắt khi kể lại cuộc gặp gỡ chàng sinh viên 1 tay người Dao giữa đêm, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng còn mang đến nhiều câu chuyện chân thực, cảm động về nhiều sinh viên người Dao khác có hoàn cảnh khó khăn, khát khao theo đuổi con chữ mãnh liệt như Lý Dào Quyên. Món quà từ Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp Quyên trang trải chi phí sinh hoạt cũng như việc học tập, tiếp sức cho ước mơ trở thành luật sư của chàng trai người Dao đỏ.

PV (TTXVN)
Trạm yêu thương: Bước chân không nghỉ - nghị lực phi thường từ người phụ nữ một chân
Trạm yêu thương: Bước chân không nghỉ - nghị lực phi thường từ người phụ nữ một chân

Được mệnh danh là người đứng một chân lâu nhất Việt Nam, bởi 10 năm nay, dù mất một bên chân do tai nạn nhưng chưa ngày nào Bế Thị Băng ngồi xe lăn. Tuy chỉ có một chân nhưng Băng có thể đi, đứng, nhảy múa… Đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về nghị lực phi thường của người phụ nữ dân tộc Tày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN