Vở kịch nói "Lâu đài cát" hay còn gọi là "Mặt nạ người", kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương, Nghệ sỹ Ưu tú Anh Tú làm đạo diễn, tập thể nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn đang là cái tên "hot" ở sân khấu kịch phía Bắc. Đây là vở diễn mới nhất và cũng là vở diễn đầu tiên trình làng trong năm 2014 của Nhà hát kịch Việt Nam.
Từ đêm tổng duyệt cuối tháng 2/2014 cho đến nay, vé của "Lâu đài cát" luôn ở tình trạng "cháy" và các buổi diễn trong tháng 3/2014 đã hoàn toàn hết vé. Đây là bước đi đầu tiên đầy hứng khởi của tập thể nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam trong năm con Ngựa 2014, dự báo một năm lao động nghệ thuật khởi sắc của "anh cả đỏ" nền kịch nói nước nhà.
"Lâu đài cát" thu hút công chúng yêu kịch và cả giới chuyên môn ngay từ phút đầu tiên bởi nó đi thẳng vào xung đột, không né tránh xung đột bằng cách phản ánh lối sống đạo đức giả, hai mặt, dối trá đê tiện của các thành viên trong một gia tộc danh gia vọng tộc với nhiều thế hệ cùng chung sống. Đó là bi kịch của một gia đình nơi mà các thành viên dù đầy rẫy những xung đột, mâu thuẫn vẫn cứ cố gắng níu giữ đến cùng cái mà người ta cho là truyền thống, gia phong.
Chính vì lẽ đó mà các thành viên phải đeo mặt nạ mà sống, mà tồn tại, tiếc rằng sự níu giữ đó không thể duy trì được lâu bởi nền tảng đạo đức đã mục ruỗng đến tận gốc, chỉ trực chờ một làn gió nhẹ là vỡ vụn. Và quả thật là như vậy, sự xuất hiện Huyền, người yêu của Thiên- đại diện thế hệ thứ 3, cũng là cháu đích tôn của gia đình đã làm biết bao chiếc mặt nạ rơi xuống, bộ mặt thật xấu xa, giả dối của các bậc cha, chú mới dần lộ ra...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, người chuyên nghiên cứu về sân khấu khẳng định: "Lâu đài cát" có lẽ là kịch bản được viết cao tay ấn nhất của tác giả Nguyễn Đăng Chương về tính kịch trong tổ chức xung đột. Kịch bản có vấn đề lại gặp được Nghệ sỹ Ưu tú Anh Tú đang ở độ chín về tay nghề đạo diễn đã giúp sân khấu không chỉ có cái để nghe, mà còn cao hơn thế, có cái để xem và khi ra về có cái để nghĩ. Vở diễn theo rất sát ý nghĩa vừa bóng bẩy vừa chìm sâu của kịch bản văn học, bằng cách đạo diễn xử lý không gian, âm nhac, ánh sáng sân khấu chính xác, hòa quyện một cách tổng thể hài hòa cho cái diễn của người diễn viên và cho cái xem của người thưởng thức.
Với "Lâu đài cát", các nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam mong muốn gửi tới khán giả một thông điệp: Gia đình là tế bào của xã hội, muốn có một xã hội lành mạnh thì từng tế bào phải lành mạnh. Đây là một thông điệp có ý nghĩa khi xã hội nước ta đang ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao nhưng văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc có phần bị xem nhẹ ở ngay mỗi gia đình.
Nguyễn Đăng Chương là cái tên đang nổi lên trong giới sân khấu với những tác phẩm có tính vấn đề đang hiện hữu trong đời sống xã hội. Trước "Lâu đài cát", tác giả Nguyễn Đăng Chương đã viết các kịch bản "Biển và bờ", "Đường đua trong bóng tối"... Riêng kịch bản "Biển và bờ" đã được nhiều đơn vị nghệ thuật lựa chọn dàn dựng.
Một tin vui nữa đã đến với công chúng chờ đợi sự trở lại phong độ của Nhà hát kịch Việt Nam ở mảng kịch chính luận, đó là Nhà hát sẽ biểu diễn thường xuyên trở lại tại rạp số 1 Tràng Tiền để phục vụ khán giả yêu kịch. Rạp đã được nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện với 200 chỗ ngồi, thiết kế đẹp, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những người mến mộ kịch chính luận. Hiện tại có 9 vở được các nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn thường xuyên để phục vụ khán giả.
Trong số 9 vở này có những vở đã ghi dấu ấn rất sâu đậm trong lòng khán giả cũng như giới chuyên môn sân khấu như: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Nhân danh công lý", "Đi tìm điều không mất", "Chia tay hoàng hôn". Một số vở mới được dàn dựng, ngoài "Lâu đài cát" còn có"Tai biến", "Cải lão hoàn đồng" cũng đã thu hút được sự quan tâm của khán giả.
Thanh Giang