Nếu xét về thời gian hoạt động, The Beatles không phải là nhóm nhạc tồn tại lâu nhất thế giới. Thành lập ngày 6/7/1957 và chia tay ngày 10/4/1970, The Beatles có thời gian hoạt động ngắn hơn nhiều những ban nhạc cùng thời kỳ như Rolling Stones hay Bee Gees. Về số lượng ca khúc sáng tác, The Beatles cũng không phải là quán quân, khi họ chỉ có chưa đầy 200 bài hát. Về mặt điêu luyện trong kỹ thuật chơi nhạc, The Beatles không phải là đối thủ của Led Zeppelin hay Pink Floyd. Thế nhưng, họ lại làm được điều tất cả những ban nhạc khác không đạt tới, đó là trở thành hiện tượng văn hóa quan trọng và độc đáo bậc nhất thế kỷ 20.
Với hơn 600 triệu đĩa bán ra, hơn 1.400 buổi biểu diễn trên toàn thế giới, 19 album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, 15 bản thu được lưu danh tại Sảnh Danh vọng Grammy, góp mặt trong hàng chục giải thưởng danh giá - bao gồm cả giải Grammy và vô số các kỷ lục khác đạt được trong sự nghiệp, The Beatles quả thật là ban nhạc xuất sắc có một không hai trên thế giới!
Điều đã làm nên sự vĩ đại của The Beatles chính là tính cách mạng trong âm nhạc - nơi nét đại chúng và hàn lâm gặp gỡ nhau.
Ban nhạc ấy đã khiến cả nước Mỹ phải dậy sóng khi trình diễn nhạc Rock&Roll - dòng nhạc mà trước đó Mỹ coi là độc quyền với “ông hoàng” Elvis Presley. Hàng nghìn người hâm mộ đã chen chúc ở sân bay JFK để đón The Beatles lần đầu tiên đến nước Mỹ và hơn 73 triệu người (45% dân số Mỹ thời bấy giờ) dán mắt vào TV để xem buổi diễn của ban nhạc Anh này trong chương trình tạp kỹ Ed Sullivan Show năm 1964 - một kỷ lục truyền hình khi đó.
The Beatles đã tạo ra thể loại Rock&Roll của riêng mình, thậm chí còn mạnh mẽ và lôi cuốn hơn cả “phiên bản gốc” của nước Mỹ. Trước The Beatles, chưa có ban nhạc Anh nào đủ can đảm tấn công thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới ấy.
Cũng trước khi The Beatles ra đời, khái niệm một ban nhạc cùng chia sẻ với nhau mọi việc từ sáng tác, hòa âm, chơi nhạc và hát với nhau hoàn toàn không có. Tác giả ca khúc, ca sĩ và ban nhạc đệm là 3 thành phần tách rời nhau trong nhạc Rock thời đó. Đối với The Beatles thì khác, những thành viên trong ban nhạc cùng nhau viết ca khúc. Ca từ trong những bài hát của họ có thể không trau chuốt bằng những nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng bù lại rất trong sáng, tự nhiên và có nét riêng đặc sắc hơn. Vì cùng nhau chơi nhạc nên việc trình diễn của họ cũng ăn ý hơn, hòa điệu hơn. Ranh giới giữa nhạc công và ca sĩ được xóa nhòa khi ai cũng có thể trở thành ca sĩ. The Beatles mang lại sức trẻ sôi nổi cho những buổi diễn, khi họ đùa giỡn với nhau trên sân khấu, chọc ghẹo khán giả và luôn luôn cười rất tươi.
Ở những giai đoạn sau này, động lực luôn làm mới mình của những nghệ sĩ chân chính đã khiến The Beatles quyết định tách riêng làm việc, để tạo ra những tác phẩm mang đậm tính cá nhân hơn. John Lennon luôn cay đắng, châm biếm và rất thích chơi chữ với thể loại rock thô ráp, mạnh mẽ. Paul McCartney thì nhẹ nhàng bay bổng và lãng mạn với những bản tình ca đẹp như thơ. Còn George Harrison, tuy không đóng góp nhiều như John và Paul, cũng tạo được dấu ấn rất riêng bằng những ca khúc mang đậm chất thiền và triết lý phương Đông qua giai điệu mang âm hưởng Ấn Độ. Sự trải nghiệm cuộc sống và tâm hồn nghệ sĩ đã giúp cho những ca khúc của The Beatles giai đoạn 1966-1969 mang đậm tính nhân văn và chiều sâu cảm xúc hơn.
Với phương châm “nghệ thuật là một sự sáng tạo không có giới hạn”, The Beatles đã tạo nên những siêu phẩm âm nhạc như Revolver (1966), Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (1967) và Abbey Road (1969). Không để mình bị bó buộc vào thể loại Rock&Roll đơn điệu, The Beatles sử dụng khá nhiều thể loại nhạc khác nhau như folk, country, blues, jazz, cabaret, reggae, heavy rock, nhạc điện tử và thậm chí là nhạc dân gian của Ấn Độ để hòa âm và phối khí với nhiều nhạc cụ khác nhau từ dàn nhạc hòa tấu cổ điển cho đến những thiết bị âm thanh hiện đại nhất thời bấy giờ như Mellotron hay bộ tổng hợp âm Moog. Thậm chí những thứ thông dụng trong đời sống như hộp diêm, lược chải tóc, giấy hay nước cũng được nhóm sử dụng để tạo hiệu ứng trong âm nhạc.
Ông bầu Brian Epstein là người đã góp phần rất quan trọng trong việc đưa The Beatles vượt qua mọi rào cản để trở thành số một thế giới. Ông đã xây dựng nên hình tượng một ban nhạc với mốt tóc moptop nổi tiếng và những bộ veston lịch lãm. The Beatles trở thành một nhãn hiệu thương mại quốc tế khi hàng nghìn sản phẩm gắn với hình ảnh của ban nhạc này lần lượt ra đời, từ tóc giả, kẹo, nhãn vở hay kem đánh răng và thậm chí cả đồ nội y.
Trong thời gian “Beatlemania” (cơn sốt The Beatles) lên đến đỉnh điểm từ giữa năm 1963 đến cuối năm 1964, có hàng triệu thương phẩm ăn theo ban nhạc này được bán ra với lợi nhuận thu được lên đến hàng triệu bảng Anh - một kỷ lục thương mại ăn theo giải trí mà chưa ai có thể phá được, kể cả Elvis Presley. Sự nhạy bén trong kinh doanh của ông bầu Epstein đã biến tài năng âm nhạc của The Beatles thành “con gà đẻ trứng vàng” đúng nghĩa.
Sự thành công của The Beatles vô hình trung khiến tỉ lệ tội phạm ở thành phố Liverpool khi ấy giảm hẳn. Các băng đảng thanh thiếu niên thay vì tụ tập gây rối hoặc đánh nhau thì thành lập những ban nhạc với hy vọng đổi đời. Ở cả những thành phố khác của Anh như Birmingham, Manchester và thủ đô London, hàng loạt các ban nhạc ra đời. Trong hơn 300 ban nhạc được thành lập trong giai đoạn 1963-1965 trên khắp nước Anh, có nhiều ban nhạc đã thực sự thành danh và góp phần vào làn sóng British Invasion (cuộc xâm lấn của người Anh về văn hóa trên đất Mỹ) do The Beatles khởi xướng như Rolling Stones, The Who, Kinks hay The Hollies. Và từ đó, thị trường âm nhạc thế giới được chia đều cho cả Anh và Mỹ chứ không còn là độc quyền của nước Mỹ nữa.
Do những đóng góp to lớn về mặt văn hóa và số ngoại tệ khổng lồ mà The Beatles mang về cho nước Anh qua sản phẩm âm nhạc, các thành viên ban nhạc này đã trở thành những người thuộc giai cấp lao động đầu tiên được Nữ hoàng Anh phong tặng Huân chương Đế chế Anh (MOBE) cao quý.
Âm nhạc của The Beatles đã chứng minh được chân lý: Giá trị nghệ thuật chân chính sẽ tồn tại mặc cho sự đào thải khắc nghiệt của thời gian.
Ở nhiều quốc gia, từ sau khi The Beatles tan rã, các fan trung thành của ban nhạc này vẫn tổ chức sự kiện thường niên để cùng ôn lại những kỷ niệm một thời vang bóng. Những ca khúc của The Beatles vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi với nhiều hình thức khác nhau: từ những nhà hát thính phòng mang tính hàn lâm, đến những rockshow cuồng nhiệt tại các sân vận động, từ những quán bar đầy mùi rượu và khói thuốc cho đến một góc nhà ga nào đó trong tiếng đàn guitar thùng của một chàng nghệ sĩ đường phố. Ca khúc “Across The Universe” của The Beatles còn được Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) chọn làm thông điệp gửi ra ngoài vũ trụ để kết nối với những hành tinh khác. Bài hát kinh điển “Yesterday” còn được nhóm nhạc The Kiffness hát lại theo phong cách Acapella để lưu giữ kỷ niệm về những ngày tuân thủ lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp COVID-19. Với hơn 3.000 lần được cover, “Yesterday” cũng chính là ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện lại nhất trên thế giới.
Ngày nay, khi đến Liverpool, du khách hiếm khi bỏ lỡ cơ hội tham quan The Beatles Story - bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của ban nhạc huyền thoại này - hoặc chụp ảnh với tượng đồng của ban nhạc hay nhấm nháp một ly rượu trong quán Cavern Club nơi The Beatles từng chơi nhạc thuở hàn vi. Mỗi năm các dịch vụ liên quan The Beatles mang lại cho Liverpool 82 triệu bảng (102 triệu USD) và hơn 2.300 việc làm. Nếu bạn hỏi bất kỳ một người dân Liverpool nào về The Beatles, họ sẽ kể cho bạn nghe về những người con ưu tú của thành phố với nụ cười thân thiện pha lẫn hãnh diện trên môi. Những thông điệp về cuộc sống như “All you need is love” (Mọi thứ bạn cần là tình yêu) trong âm nhạc của The Beatles hơn 60 năm qua vẫn lan tỏa, truyền cảm hứng và vẹn nguyên ý nghĩa, chưa bao giờ là chuyện của “ngày hôm qua”!.