Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, sau một tuần biểu diễn, sáng tạo hào hứng và sôi nổi, “Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc - 2021” đã thành công tốt đẹp, góp phần cho thấy diện mạo của một đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên xiếc đầy lòng nhiệt huyết và sự đam mê.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông hy vọng, bằng tài năng của mình, tiếp nối các thế hệ đi trước, những diễn viên xiếc sẽ luôn nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu nghệ thuật xiếc tới đông đảo mọi tầng lớp khán giả, cùng nhau xây dựng nghệ thuật xiếc theo kịp sự phát triển của xã hội, góp phần vào sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, so với cuộc thi Tài năng xiếc Toàn quốc năm 2018, chất lượng cuộc thi lần này đã được nâng cao rõ rệt, nhiều gương mặt nghệ sỹ trẻ mới xuất hiện với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Cuộc thi có sự tham dự của thể loại tiết mục xiếc người đa dạng, phong phú cùng các tiết mục xiếc thú hấp dẫn. Kỹ thuật và phong cách biểu diễn được nâng cao rõ rệt trong các tiết mục… khiến Hội đồng giám khảo khó khăn trong việc phân định các giải thưởng. Tuy nhiên cũng còn một số tiết mục chưa có tìm tòi sáng tạo mới, kỹ thuật chưa cao, lạm dụng quá liều lượng các loại hình nghệ thuật phụ trợ nên cũng không thể hiện được kỹ thuật xiếc và năng lực. Trong tương lai, chúng tôi sẽ kỳ vọng đội ngũ sáng tạo dàn dựng, huấn luyện và các nghệ sĩ sẽ nỗ lực hơn nữa để nâng cao nghề nghiệp.
Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc - 2021 diễn ra từ 22 - 27/4 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 100 diễn viên thuộc 5 đơn vị nghệ thuật xiếc gồm: Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội; Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Nhà hát nghệ thuật Phương Nam; Đoàn Xiếc Nhân dân Long An. Các đơn vị nghệ thuật xiếc mang đến 29 tiết mục dự thi, được chia thành 2 bảng diễn thi 2 lần.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 18 tiết mục xuất sắc gồm: 5 giải Nhất cho các tiết mục: Hào khí Việt (Cầu bật) - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Hồn lạc Việt (Hình tượng 4 nam) - Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Ngày hội xuân của người H’mông (Xiếc ngựa) - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Chơi vơi (Đu 3 nữ) - Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Sắc sen (Quay thảm) - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam.
10 giải Nhì được trao cho các tiết mục: Dây da nam nữ - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Ký ức (Sức mạnh đôi tay) - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam; Hề chó - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Người đến từ không gian (Lăn vòng) - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Đu nón 4 nữ - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Hương sen vùng cao (Đạp ô) - Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Tạo hình trên đôi giày trượt - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Chồng đầu trên đu - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Long An; Nhà phố (Đứng tay tạo hình) - Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Những chú chim Hòa Bình (Đu xoắn) - Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội.
3 tiết mục đoạt giải Ba gồm: Tiếng khèn trên cao nguyên đá (Tung hứng tập thể) - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam; Cửu vĩ hồ (Lắc vòng) - Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội; Tung hứng chậu hoa - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Long An.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn tôn vinh các thành phần sáng tạo bằng các giải thưởng: Giải Dàn dựng xuất sắc nhất được trao cho Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Trao giải Huấn luyện xuất sắc nhất cho nghệ sỹ Đặng Thanh Hải - Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao 2 giải thưởng cho đơn vị đào tạo gồm Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam và 5 giải thưởng triển vọng cho các tiết mục xuất sắc.