Sáng 17/1/1966, một máy bay ném bom B-52 của Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ bí mật trên bầu trời châu Âu thì va chạm với một máy bay tiếp nhiên liệu. Bảy trong số 11 phi công trên hai chiếc máy bay thiệt mạng. Nhưng lo lắng hơn cả đối với các quan chức Mỹ là 4 quả bom nhiệt hạch mà máy bay B-52 mang theo đã rơi xuống đất sau vụ va chạm. Chúng đã rơi xuống thị trấn ven biển nhỏ Palomares, Tây Ban Nha ở Địa Trung Hải.
Các hệ thống an toàn trong 4 bốn quả bom đều được kích hoạt và không có quả bom nào phát nổ. Một quan chức Liên Xô vào thời điểm đó cho biết: “May mắn đã cứu sống người dân Tây Ban Nha trong khu vực khỏi thảm họa”.
Nhưng chất nổ thông thường trên hai quả bom đã phát nổ. Về cơ bản, điều này đã biến các quả bom nhiệt hạch trở thành vũ khí phát tán bức xạ plutoni quanh ngôi làng Palomares.
Câu chuyện lại chuyển sang một diễn biến kịch tính khác khi hàng trăm lính Mỹ đổ xô đến hiện trường vụ tai nạn để tìm kiếm bom nhưng chỉ xác định được ba trong số bốn quả bom. Khi cuộc tìm kiếm trên đất liền kéo dài không có kết quả, các quan chức quân sự đã quay sang Địa Trung Hải và tiến hành hoạt động tìm kiếm trên biển phức tạp nhất trong lịch sử.
Nửa thế kỷ sau, có rất ít bằng chứng còn sót lại cho thấy đã từng có sự cố hạt nhân xảy ra ở Palorames, ngoại trừ phần hàng rào và các biển cảnh báo xung quanh khu vực nơi một trong những quả bom rơi xuống. Sau 50 năm và tiêu tốn hàng triệu USD, việc dọn dẹp vẫn chưa hoàn tất. Người dân và chính phủ Tây Ban Nha vẫn chưa quên về sự cố mà Mỹ đã gây ra cho họ.
Chiến dịch Vòm Chrome và vụ tai nạn
Năm 1961, khi Bức tường Berlin được dựng lên, quân đội Mỹ đã phát động một chương trình đầy tham vọng và sau đó gây tranh cãi mang tên Chiến dịch Vòm Chrome. Mục đích của chương trình này là để các máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ bay trên không hầu như liên tục để phòng trường hợp Liên Xô tấn công các địa điểm hạt nhân của Mỹ, Mỹ vẫn có thể đáp trả.
Chương trình này yêu cầu hàng trăm chuyến bay được thực hiện kéo dài vài năm để tuần tra bầu trời Alaska, Greenland và Địa Trung Hải. Thậm chí các nhà quân sự còn tính đến phương án có tới 6 chuyến bay/ngày. Đối với sứ mệnh trên bầu trời Địa Trung Hải, chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý cho phép các máy bay B-52 của Mỹ được tiếp nhiên liệu hai lần mỗi chuyến đi trên không phận của họ, theo bản đồ Vòm Chrome do chính phủ Tây Ban Nha công bố năm 2011.
Theo cuốn sách “The Day We Lost the H-Bomb” xuất bản năm 2009, chiếc máy bay sau này bị rơi ở Tây Ban Nha có tên là Tea 16, cất cánh từ một đường băng ở Bắc Carolina mang theo 4 quả bom, mỗi quả có sức mạnh gấp 70 lần quả bom rơi xuống Hiroshima năm 1945. Chiếc máy bay đã bay chặng đường dài cùng với một chiếc B-52 khác là Tea 12. Theo như báo cáo năm 1975 của quân đội, phi công của chiếc máy bay chở dầu bay cùng với Tea 12 đã nhận ra điều gì đó đáng lo ngại khi các máy bay đang tiếp nhiên liệu ở độ cao hơn 9.400 m.
Báo cáo cho biết vào khoảng 9h22 sáng (giờ địa phương), phi công của chiếc máy bay chở nhiên liệu cho Tea 12 đã thấy những quả cầu lửa bắn ra từ phần cánh.
“Tea 16 và máy bay tiếp nhiên liệu đã va chạm khi đang ở giai đoạn cuối của quá trình kết nối để tiếp nhiên liệu. Mặc dù trước đó cũng có các sự cố va chạm giữa các máy bay như lần này Tea 16 mang theo 4 quả bom hạt nhân”, báo cáo nêu rõ.
Trong số 11 phi công có mặt trên hai chiếc máy bay gặp tai nạn, 4 người sống sót và thi thể 3 người được ngư dân Tây Ban Nha vớt lên từ biển Địa Trung Hải.
Vụ đâm máy bay ở độ cao hơn 9.000 m khiến các mảnh vỡ văng ra và rơi xuống. May mắn không ai trên mặt đất khi đó bị thương. Tuy nhiên, 4 quả bom mà máy bay B-52 mang theo cũng biến mất.
Báo cáo năm 1975 cho biết Tổng thống lúc bấy giờ là Lyndon B. Johnson đã được thông báo về vụ tai nạn khi ông đang ăn sáng. “Hãy làm mọi thứ có thể để tìm thấy chúng”, Tổng thống Johnson nói với Bộ trưởng Quốc phòng.
4 quả bom nhiệt hạch mất tích
Binh sĩ Mỹ ngay lập tức phối hợp với quân nhân Tây Ban Nha đến hiện trường. Trong vòng vài giờ đầu, với sự chỉ dẫn của quân đội Tây Ban Nha, các binh sĩ Mỹ đã tìm thấy quả bom đầu tiên nguyên vẹn ở khu vực bãi biển ngoài khơi. Không có vụ nổ nào và không có bức xạ nào rò rỉ từ vụ rơi này.
Tuy nhiên, mọi chuyện dần trở nên phức tạp. Theo báo cáo năm 1975, quả bom thứ hai được phát hiện vào sáng hôm sau nhưng nó đã hư hỏng nặng khi va chạm và một số chất nổ mạnh của cả bom đã phát nổ. “Mối quan tâm hàng đầu từ quả bom thứ 2 là ô nhiễm plutoni chắc hẳn đã được giải phóng do va chạm mạnh. Thiết bị phát hiện bức xạ cho thấy sự hiện diện của ô nhiễm alpha tăng đáng kể trong khu vực”, báo cáo nêu rõ.
Chỉ một giờ sau, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy quả bom thứ ba, cũng chịu số phận tương tự quả thứ hai. Binh lính dọn dẹp các mảnh vỡ. Các quan chức Mỹ nhanh chóng bày tỏ lo ngại về vị trí của quả bom thứ tư. Sau nhiều giờ tìm kiếm, dường như quả bom biệt tăm biệt tích.
Lúc đầu lực lượng tìm kiếm chỉ có vài chục người nhưng công cuộc tìm kiếm đã kéo dài tới hàng tuần, với số lượng người tham gia lên tới trên 600 binh sĩ. Không đạt được kết quả sau thời gian tìm kiếm dài, Mỹ xác định quả bom không rơi xuống đất mà rơi xuống một khu vực nào đó ở Địa Trung Hải.
Trên 100 thợ lặn cùng tàu ngầm quân sự, tàu quét mìn được huy động để tham gia cuộc đua tìm bom dưới đáy đại dương. Tính đến thời điểm đó, đây là chiến dịch quy mô và phức tạp nhất mà Hải quân Mỹ tham gia. Tuy nhiên, họ cho biết cần phải hành động nhanh chóng do các tàu Liên Xô thường xuyên di chuyển và hoạt động quanh khu vực này.
Phải mất nhiều tháng sau, Hải quân Mỹ mới tìm được quả bom rơi cách bờ 8 km. Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi, họ lại đánh rơi quả bom lần nữa. Vài ngày sau, Hải quân Mỹ mới chính thức kéo được quả bom thành công từ dưới biển lên.
Hành trình 50 năm làm sạch đất nhiễm xạ
Các chuyên gia hạt nhân xác định plutoni từ hai vụ nổ đầu tiên bao phủ một số khu vực bao gồm đất nông nghiệp và một phần nơi người dân trong làng Palomares sinh sống. Giải pháp của chính phủ Mỹ chỉ đơn giản là thu hồi đất và bồi thường cho người dân địa phương.
Trong những tuần sau khi ba quả bom trên đất liền được thu hồi, quân đội Mỹ đã điều động xe tải chở thực vật bị ô nhiễm mang đi và đốt. Họ cũng đổ đất phóng xạ vào hơn 5.000 thùng, đặt lên tàu Hải quân và đưa về Mỹ. Các thùng đất được đưa về kho chứa chất thải hạt nhân ở Georgia.
Thời điểm đó, báo cáo của chính phủ Mỹ cũng cho biết người dân địa phương và những người Mỹ làm công tác dọn dẹp đều không bị ảnh hưởng xấu về sức khỏe do tiếp xúc với bức xạ. Chỉ duy nhất có một cậu bé tại địa phương đã chết sáu năm sau đó vì ung thư máu nhưng chưa có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa trường hợp này với đất nhiễm xạ.
Một bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2006 được WikiLeaks công bố cho biết Mỹ đã chi khoảng 300.000 USD/năm để tài trợ cho chính phủ Tây Ban Nha giám sát khu vực và theo dõi sức khỏe của người dân địa phương.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Mỹ, một phần của Palomares vẫn bị ô nhiễm sau nửa thế kỷ. Năm 2008, Cơ quan hạt nhân Tây Ban Nha cho biết vẫn còn gần 49.000m2 đất bị nhiễm độc và nửa kg plutoni vẫn còn ở ngoài môi trường. Sau một thời gian dài vẫn đề đi vào bế tắc, Mỹ đã quyết định xử lý hậu quả một lần cho xong. Năm 2014, theo thỏa thuận mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhất trí với Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Mỹ sẽ phải di dời số đất ô nhiễm còn lại. Dự án di dời này sẽ kéo dài 2 năm và tốn 37,7 triệu USD.