Sông Đà, núi Tản

Ngày này cách đây 75 năm, ngày 7/6/1939, Tản Đà -nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ XX, đã từ giã cõi đời.Với những dòng thơ lãng mạn có tư tưởng cách tân, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của Thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”.

 


Trên văn đàn công khai của văn học Việt Nam hơn ba thập niên đầu thế kỉ XX, Tản Đà đã nổi lên như một hiện tượng đột xuất, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tạo. Là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực, ông để lại một khối lượng tác phẩm không nhỏ, bao gồm nhiều thể loại: thơ ca, luận thuyết, hội đàm, truyện ký, tiểu thuyết, biên khảo, chú giải, dịch thuật và cả những vở tuồng.

 

Khối lượng tác phẩm với nội dung phong phú đó đã góp một tiếng nói quan trọng vào các trào lưu tư

Nhà thơ Tản Đà sinh ngày 25/5/1889 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, Sơn Tây, Hà Nội. Ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Tản Đà là bút danh được đặt từ tên của núi Tản, sông Đà, quê hương của nhiều dấu tích lịch sử, nhiều cảnh sắc nên thơ.

tưởng đang diễn ra nhanh chóng và cũng nhanh chóng bị thay thế trong cuộc đấu tranh tư tưởng phức tạp của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

 

Đặc biệt, tác phẩm thơ của Tản Đà được coi là hiện tượng báo hiệu một thời đại trong thi ca. Đó là phong trào Thơ mới 1930-1945. Mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân trong bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà đã viết những lời trân trọng: “... Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn 20 năm trước, đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa”.

 

Với Tản Đà, hồn cốt mà ông đóng góp vào tiến trình văn học Việt Nam đó là bản ngã Tản Đà. Bản ngã hiện diện, phô bày, xuyên suốt mọi tác phẩm, bản ngã sừng sững đứng, tự khẳng định, độc đáo, gai góc, sắc cạnh, một bản ngã lần đầu tự xưng danh, nói về mình, đặt mình làm nhân vật trung tâm của tác phẩm, lấy mình mà đối thoại với người đọc mình. Cái ta của Tản Đà không còn là cái “ta” của Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Tản Đà nói “ta”, nói “mình” nhưng đó chính là cái “tôi” của Thơ mới đã xuất hiện.

 

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, “Tản Đà có đặc điểm là ông làm thơ rất hồn nhiên, rất tự nhiên, nghĩ sao là viết thế. Ví dụ, ông viết về chính ông là:

 

 Trời sinh ra bác Tản Đà.

 

 Quê hương thì có cửa nhà thì không.

 

 Suốt đời Nam, Bắc, Tây, Đông.

 

 Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly.

 

Ngày xưa, trong văn học, thường các nhà văn không tự viết về mình, chỉ viết về cái chung, còn cái riêng mình thì giấu đi. Tản Đà một cách hồn nhiên đã mở ra một lối cho chủ nghĩa lãng mạn, tức là nói lên cái tôi của mình. Sau này Thế Lữ, Vũ Đinh Liên, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận đi đúng cái đường đó nhưng các nhà thơ này, viết một cách có ý thức, một cách tự giác, còn ông Tản Đà là tự phát, tự ông nghĩ ra”.

 

Thơ của Tản Đà là thơ tâm sự, đó chính là chủ nghĩa lãng mạn Tản Đà. Tản Đà nói về tình yêu lỡ dở của mình, nỗi niềm u uất của người dân vong quốc, khát vọng vượt lên, những buồn đau nhân thế. “Nhớ mộng”, “Tống biệt”, “Nói với ảnh”, “Nói với bóng”, “Hầu trời”... là những bài thơ mà Tản Đà tự giãi bày tâm sự.Tản Đà lãng mạn trên “cái tôi ngông”, cái tôi đòi quyền tồn tại của mình chưa được thì phải ngông, phải ngạo. Ngông ngạo là lãng mạn trong cái khung của hiện thực. Lãng mạn cao hơn là ra ngoài cõi thực. Tản Đà cũng đã có chất lãng mạn đó. Và đấy là chỗ bộc lộ nhất tinh hoa thơ Tản Đà.

 

Khu tưởng niệm Tản Đà tại làng Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, Hà Nội.


Bên cạnh những hình thức biểu hiện của một cái “tôi” ngông, thơ Tản Đà còn đề cập đến lòng thương dân, chí lo đời, tinh thần bất bình với xã hội ô trọc, lên án tệ tham nhũng, đục khoét của quan lại, tố cáo sức mạnh tha hóa ghê gớm, nhiều mặt của đồng tiền. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua các bài thơ: “Cảm đề”, “Lên sáu”, “Lên tám”, “Đài gương”

 

Là một người lo cho vận mệnh của Tổ quốc, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của những phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ, Tản Đà có những vần thơ cảm khái... thể hiện tư tưởng yêu nước một cách kín đáo. Tiêu biểu cho dòng thơ này của Tản Đà là bài thơ nổi tiếng “Thề non nước” viết từ năm 1920. Theo tác giả, đó là bài thơ quan trọng nhất của ông. Ông đã “mượn câu chuyện tài tử giai nhân chốn Bình Khang để chép lời phong nguyệt mà gửi lời non nước”. Có thể nói, thơ Tản Đà có cái trữ tình riêng tư và trữ tình xã hội. Cái yêu, cái sầu, cái mộng, cái ngông, cái riêng và chung hòa quyện với nhau rất tinh tế.

 

Tản Đà đã tự khẳng định: “Tôi là người gì? ở phía Nam Đông Á, ở phía Bắc Việt Nam, ở phía Tây Bắc Kỳ, một người làm văn ở tỉnh Sơn Tây vậy!”.

 

Nhưng vượt khỏi “Đà Giang, núi Tản”, Tản Đà đã nổi lên như một ngôi sao sáng, đúng như Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Trong chốn tao đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy; trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi Hội chủ; mà làng văn làng báo xứ này ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

Thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CH miền Nam Việt Nam
Thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CH miền Nam Việt Nam

Từ ngày 6 đến ngày 8/6/1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam ở miền Nam cùng các lực lượng yêu nước khác đã nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN