Ngày 25/10/1881, là ngày sinh của danh họa Pablo Picasso. Không chỉ riêng giới mỹ thuật, những người yêu hội họa mà ngay cả những người dân bình thường trên thế giới cũng đều biết đến tên tuổi của Picasso, bởi ông là một danh họa nổi tiếng - sứ giả hòa bình và tiến bộ xã hội.
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội đã dùng những ngôn từ đẹp nhất để ca ngợi ông như: “Picasso - đứa con phi thường, ghê gớm của thế kỷ XX”, “Picasso - tia mặt trời không bao giờ tắt” hay “Picasso - một vĩ nhân”. |
Pablo Picasso sinh ngày 25/10/1881 tại Malaga, miền đất phía nam của Tây Ban Nha trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc. Cha của Picasso là ông Jose Ruiz Blaxco, một giáo sư dạy mỹ thuật. Thừa hưởng gen hội họa của cha mình, ngay từ thời niên thiếu, Picasso đã tỏ ra là một “thần đồng mỹ thuật”. Ông biết vẽ từ năm lên 3 tuổi, đến 5 tuổi đã vẽ khá nhiều tranh với một trí tưởng tượng kỳ lạ, và khi 14 tuổi thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Barcelona với kết quả điểm ưu.
Thậm chí, từng có giai thoại rằng: Thời gian của bài thi là một tháng nhưng Picasso chỉ làm trong một ngày. Mới học năm thứ nhất, Picasso đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật thủ đô Madrid. Tại triển lãm, tác phẩm “Khoa học và lòng nhân ái” của chàng họa sĩ trẻ Picasso đã được trao bằng danh dự. Sau đó, tại Triển lãm Mỹ thuật Malaga, tác phẩm trên đã đoạt Huy chương vàng. Sự kiện này đã làm cho cái tên Pablo Picasso nổi tiếng khắp Tây Ban Nha. Một năm sau, năm 1897, Picasso trở thành sinh viên Học viện Hoàng gia Fernando. Tuy vậy, lối đào tạo kinh viện của Học viện Hoàng gia không làm hấp dẫn chàng sinh viên Picasso bằng “âm vang Mỹ thuật” từ Paris (Pháp) - “kinh đô” của nghệ thuật. Tháng 10/1899, Picasso sang Pháp và năm 1904, ông chính thức sống và sáng tác tại đây. Và cũng chính tại Paris, tài năng của Picasso ngày càng phát triển.
Sự nghiệp sáng tác của Picasso có thể chia làm 3 giai đoạn chính: gồm Màu lam, Màu hồng và Lập thể.
Giai đoạn Lam của Picasso diễn ra vào khoảng từ năm 1901 đến 1904. Giai đoạn này Picasso vẽ hàng loạt các bức tranh với gam màu xanh, theo phong cách hội họa biểu hiện do họa sỹ thiên tài Van Gogh khởi xướng. Tranh của ông chủ yếu vẽ về những mảnh đời hắt hiu tiều tụy bên lề Paris lộng lẫy, xa hoa, trong đó nổi bật là các bức tranh: “Cuộc gặp gỡ”, “Chân dung phụ nữ trẻ” và bức “Xẩm già khốn khổ”.
Vào khoảng cuối năm 1904, các sắc độ xanh trong tác phẩm của Picasso được thay thế bằng ánh hồng, nâu và nâu đất. Thời kỳ này, Picasso chủ yếu vẽ về những người hát dạo, những người làm xiếc của miền quê, những con người sinh hoạt trên mọi nẻo đường với cách diễn tả khách quan hơn. Tác phẩm gây ấn tượng nhất với thể loại màu mới, nhẹ nhàng này là tấm “Gia đình người làm xiếc”, “Chân dung của Gertrude Stein” và “Chân dung tự họa”.
“Những cô nàng ở Avignion”. |
Giai đoạn Lập thể bắt đầu từ năm 1907 với tác phẩm “Những cô nàng ở Avignion”. Đây là tác phẩm được coi là “quả bom” làm chấn động cả thành Paris và mở đầu cho một trào lưu nghệ thuật mới. Trong tranh, Picasso thể hiện hình ảnh 5 cô gái đứng, ngồi, xoay chuyển. Song, 5 cô gái không còn mềm mại, duyên dáng, lả lướt như tranh cổ điển, mà thay vào đó là những đường kỷ hà xộc xệch, góc cạnh. Toàn bộ những quy tắc về giải phẫu, phép viễn cận, quy luật ánh sáng, hài hòa của hội họa cổ điển đều bị Picasso khước từ, loại bỏ. Kể từ đây, cùng với Braque, Picasso đã đưa trường phái lập thể lên tột đỉnh vinh quang và tạo nên tiếng vang chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật thế giới.
Không chỉ là một họa sĩ tài hoa, Picasso còn là một nhà điêu khắc, nhà đồ họa, thợ đồ gốm... Điều đáng nói là, cũng như hội họa, ngay cả ở những lĩnh vực trên, Picasso cũng đều tỏ ra xuất sắc. Ông chính là người đầu tiên thực hiện tác phẩm điêu khắc bằng phương pháp ghép nối các chất liệu, thay vì chạm, khắc, tạc hay đổ khuôn truyền thống. Thậm chí, ngay cả ở lĩnh vực minh họa, hiếm có họa sĩ nào minh họa nhiều sách và để lại dấu ấn thiên tài của mình trong “những tác phẩm nhỏ nhặt” như Picasso.
Không chỉ là một đại danh họa, Picasso còn đi đầu trong phong trào hòa bình thế giới. Ông luôn hướng nghệ thuật đến sự ca ngợi cuộc sống hòa bình. Trong nhiều năm, ông đã tích cực tham gia hoạt động cho phong trào hòa bình thế giới và đã vẽ nhiều bích chương chim bồ câu. Năm 1949, bức bích chương về chim bồ câu trắng của Picasso đã được chọn làm biểu tượng của Đại hội hòa bình thế giới tổ chức tại Ba Lan. Từ đó, con chim hòa bình của Picasso được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Nói đến chim bồ câu hòa bình là nói tới Picasso. Những con chim bồ câu hòa bình của Picasso đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ngoài các bức tranh về bồ câu, Picasso còn vẽ nhiều bức tranh nổi tiếng khác như bức tranh “Tàn sát ở Triều Tiên”, “Chiến tranh và hòa bình”.
Và riêng đối với Việt Nam, đại danh họa Pablo Picasso có một tình cảm hết sức đặc biệt. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Picasso đã xúc động vẽ tặng nhân dân ta bức tranh “Chúc mừng hòa bình thắng lợi”. Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, Picasso đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa và dùng ngôn ngữ hội họa để biểu thị tình cảm của mình đối với nhân dân Việt Nam. Tại Hội nghị trí thức toàn Châu Âu tổ chức năm 1968, đại danh họa Picasso đã trực tiếp lên diễn đàn cực lực phản đối cuộc xâm lược Việt Nam của Mỹ và kêu gọi: “Tất cả nghệ thuật hiện đại hãy đứng về phía Việt Nam đau thương”.
Picasso qua đời ngày 8/4/1973, tại Paris, Pháp. Trong suốt cuộc đời mình, nhà danh họa đã để lại cho hậu thế và nền nghệ thuật thế giới một gia tài mỹ thuật khổng lồ, với 1.885 bức tranh sơn dầu, 15.000 bức tranh đồ họa, 1.228 tác phẩm điêu khắc, 3.222 tác phẩm gốm và 34.000 bức tranh minh họa lớn nhỏ... Suốt nhiều thập kỷ qua, đã có hàng ngàn tác phẩm nghiên cứu, văn học, điện ảnh nói về sự nghiệp vĩ đại của Pablo Picasso. Thời gian sẽ qua đi, nhưng những gì về danh họa Picasso mãi mãi là biểu tượng đáng trân trọng và khâm phục về một tài năng hiếm có, một danh nhân văn hóa, một họa sĩ bậc thầy của thế kỷ XX.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN