Phong trào Nam Tiến và ủng hộ Nam Bộ kháng chiến

Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước.

Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ năm 1945. Ảnh: baotanglichsu.vn.


Hà Nội, ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình rợp màu cờ đỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tuy nhiên, chỉ sau 21 ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, đúng 0 giờ ngày 23/9/1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh đã nổ súng đánh chiếm hàng loạt mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng hy vọng nhanh chóng bình định Nam bộ để làm bàn đạp đánh chiếm tiếp miền Trung và Bắc Việt Nam.

Ngay buổi sáng ngày 23 tháng 9, khi thực dân Pháp vừa nổ súng tại Sài Gòn, thì Ủy ban nhân dân Nam bộ đã họp, quyết định tiến hành cuộc kháng chiến và điện báo ra Trung ương. Trung ương, Đảng và Bác Hồ nhất trí với quyết tâm kháng chiến của nhân dân Nam bộ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận, quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.

Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào Nam bộ kháng chiến. Trong thư có đoạn: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ…Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng".

Cũng ngày hôm đó, có một chi đội Nam tiến đầu tiên từ ngoài miền Bắc xuất phát từ ga Hàng Cỏ của Hà Nội lên tàu vào Nam. Đoàn gồm 3 đại đội: Bắc Sơn, Bắc Cạn và Hà Nội, được tổ chức thành một chi đội do đồng chí Mông Phúc Thơ là chỉ huy, đồng chí Vũ Nam Long làm phó chỉ huy. Dọc đường đã bổ sung 2 đại đội của Thanh Hóa và Nghệ An.

Những ngày tiếp sau đó, các chi đội khác được thành lập. Tỉnh nào cũng có một phòng ghi tên những đơn vị, thanh niên xung phong vào Nam chiến đấu. Thành phần vào Nam chiến đấu bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt lứa tuổi, có cả thanh niên, sinh viên, học sinh, nhà giáo, nhà văn, công chức, thậm chí có cả các nhà sư, Việt kiều mới về nước. Hải Dương, Quảng Ninh có các cụ thành lập thành một trung đội cũng đăng ký lên đường vào Nam chiến đấu.

Ngày đêm, các đoàn tàu hối hả đưa đoàn quân Nam tiến từ thủ đô Hà Nội, từ căn cứ Việt Trì, vùng duyên hải, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung tấp nập vào Nam, mang theo lá cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những biểu ngữ, khẩu hiệu “Ủng hộ Nam bộ kháng chiến”, “Việt Nam độc lập”, “Đả đảo thực dân Pháp”, “Nam bộ là đất của Việt Nam”.

Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tái hiện lại không khí những ngày đầu của Nam bộ kháng chiến; cũng như tái hiện lại không khí khẩn trương, sục sôi của những đoàn quân Nam tiến hồi đó: "... Hầu hết các chiến sĩ mặt trẻ măng. Với số đông, đây là lần đầu đi chiến đấu. Và chắc đây cũng là lần đầu nhiều người được đi tới những miền xa xôi của đất nước".

"Những giờ phút quan trọng này đối với cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn sẽ trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Trên đường tới các sân ga, các chiến sĩ với súng đạn, hành lý trĩu nặng trên vai, vừa đi vừa hát. Những đoàn tàu tốc hành chở bộ đội ầm ầm chạy về phía Nam, mang theo tiếng hát, tiếng cười và những bàn tay vẫy gọi. Những ngày vui ra trận đang sống lại trong đời sống của dân tộc..."

Phong trào Nam tiến đã tạo nên một mặt trận rộng lớn, tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của nhân dân cả nước nói chung và của nhân dân Nam bộ nói riêng, ngăn chặn bước đầu âm mưu của thực dân Pháp đánh chiến Nam bộ và mở rộng chiếm đóng ra các tỉnh Nam bộ, Trung bộ và miền Bắc.

Phong trào ủng hộ miền Nam kháng chiến là một phong trào rộng lớn, kéo dài suốt 5 tháng. Cuộc chiến đấu của quân dân Nam bộ và phong trào Nam tiến góp phần ngăn chặn và làm thất bại bước đầu chủ trương chiến lược của quân Pháp là đánh nhanh thắng nhanh.

Nhưng cuộc chiến đấu của nhân dân Nam bộ được sự góp sức của hàng nghìn, hàng vạn cán bộ chiến sĩ ở miền Bắc, đã góp phần ngăn chặn việc mở rộng chiếm đóng của địch. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo nòng cốt của các đơn vị vũ trang của miền Nam chiến đấu trong suốt những năm kháng chiến cho đến ngày giành thắng lợi.

Và cuộc chiến đấu đó biểu thị tinh thần đoàn kết Bắc – Nam, biểu thị sức mạnh của dân tộc như trong Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không được làm nô lệ”.

Phong trào Nam tiến là một trang lịch sử chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh, là hình ảnh của cả nước ra quân, phản ánh ý chí “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nước còn giặc còn đi đánh giặc” và “Đâu có giặc là ta cứ đi”.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

1
Nam Bộ kháng chiến - một trang sử oanh liệt
Nam Bộ kháng chiến - một trang sử oanh liệt

Ngày này cách đây 69 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ Kháng Chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN