Tại buổi Tọa đàm, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và lãnh đạo ngành Du lịch hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã đánh giá về tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch của hai tỉnh. Các đại biểu khẳng định ưu thế để liên kết ngành Du lịch giữa hai địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, mỗi địa phương đều có ưu thế riêng để phát triển các sản phẩm du lịch, nếu như Khánh Hòa có thế mạnh về du lịch biển đảo, tỉnh Đắk Lắk lại nổi bật với du lịch sinh thái, cảnh quan, núi rừng hùng vĩ. Đây là sự bổ trợ rất tốt cho cả hai tỉnh, tạo nên những tour đa dạng về sản phẩm du lịch với những trải nghiệm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
"Đối với góc độ quản lý nhà nước, Sở Du lịch Khánh Hòa sẽ làm cầu nối để các công ty du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tăng cường liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch với các đơn vị kinh doanh du lịch, cũng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, hai bên sẽ có những đánh giá sau thời gian liên kết để rút kinh nghiệm và ngày càng nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch. Hy vọng, trong thời gian tới, sự liên kết du lịch giữa Đắk Lắk và Khánh Hòa sẽ được tăng cường về cả chất lượng lẫn hiệu quả kinh tế", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nhấn mạnh.
Ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch thương mại Phương Thắng (Khánh Hòa) cho rằng, tiềm năng để phát triển, hợp tác du lịch giữa hai tỉnh là rất lớn. Quá trình tham quan, khảo sát một số điểm du lịch tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, địa phương có những sản phẩm, địa điểm du lịch rất mới lạ và hấp dẫn như trải nghiệm hoạt động chèo thuyền kayak trên dòng sông Sêrêpốk (3 km) đoạn từ thác Dray Sáp Thượng về thác Dray Nur…
"Đây là sản phẩm du lịch rất phù hợp với nhu cầu của khách quốc tế. Chúng tôi sẽ kết nối những sản phẩm du lịch như trên để mang du khách đến với Đắk Lắk và ngược lại. Tuy nhiên, các điểm du lịch và sản phẩm du lịch tại Đắk Lắk còn nhỏ lẻ, thiếu những nhà đầu tư lớn để tạo cú hích cho du lịch địa phương. Do đó, cần có những nhà đầu tư có tiềm lực để thay đổi bộ mặt du lịch tỉnh Đắk Lắk, cũng như cần phát huy những thế mạnh của tỉnh với các sản phẩm du lịch độc đáo như trải nhiệm hoạt động sản xuất cà phê khi thành phố Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam và thế giới", ông Bùi Minh Thắng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Tâm khẳng định, với tinh thần mở cửa du lịch hiện nay, Hiệp hội sẽ tăng cường sự kết nối với trong và ngoài nước nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa phát huy tốt, xúc tiến mạnh hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả liên kết giữa các sản phẩm du lịch đặc trưng là biển, đảo của tỉnh Khánh Hòa và cảnh quan sinh thái của tỉnh Đắk Lắk. Trên cơ sở các sản phẩm du lịch có sẵn, doanh nghiệp du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ làm mới hình thức du lịch như du lịch voi thân thiện, du lịch trải nghiệm sinh thái, du lịch hoạt động nông nghiệp… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, cũng như nâng cao chất lượng, sự hấp dẫn của tour du lịch liên kết giữa hai tỉnh.
Trước đó, Đoàn công tác của Sở Du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh Khánh Hòa đã tham quan, khảo sát một số điểm du lịch đặc sắc của tỉnh Đắk Lắk như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk, Vườn Quốc gia Yok Don, Điểm Du lịch sinh thái Troh Bư, thác Dray Sáp Thượng và thác Dray Nur, Khu du lịch sinh thái Cộng đồng KoTam…