Thái Bình phát triển du lịch tâm linh, làng nghề

Nằm vùng trung tâm của đồng bằng sông Hồng, tỉnh Thái Bình có lợi thế nằm trên QL 10 nối hai trung tâm du lịch miền Bắc là Ninh Bình với Hải Phòng - Quảng Ninh. Được đánh giá nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch Thái Bình vẫn trong giai đoạn sơ khai, chưa có sản phẩm du lịch cụ thể để giới thiệu với du khách.


Năm du lịch quốc gia vùng đồng bằng sông Hồng 2013 được coi là dịp để Thái Bình giới thiệu du lịch tâm linh, làng nghề và định hướng phát triển. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Phúc Điền (ảnh), Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình xung quanh chủ đề này.



Thưa ông, Thái Bình nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, vậy du khách đến với Thái Bình sẽ được khám phá, tìm hiểu điều gì?


Du khách về Thái Bình sẽ được đến với đền Trần (huyện Hưng Hà), nơi được cho là phát tích của nhà Trần, chùa Keo là nơi Chính phủ vừa cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt và hàng loạt di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nằm ở vùng trung tâm đồng bằng sông Hồng, Thái Bình là một trong những vùng đất nhiều di tích lịch sử và lễ hội truyền thống. Bình quân hàng năm, lượng khách đến với Thái Bình khoảng 600.000 lượt, chủ yếu là khách nội địa.


Du khách nghe giới thiệu tại khu di tích chùa Keo.


Trong những năm qua, Thái Bình đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng cho các điểm đến du lịch, nhất là những di tích lịch sử văn hóa bằng hai nguồn kinh phí Nhà nước và xã hội hóa.


Thưa ông, làng nghề là một trong những thế mạnh của Thái Bình và phát triển du lịch cũng góp phần tiêu thụ tại chỗ các mặt hàng của làng nghề. Vậy, Sở VH,TT&DL tạo điều kiện như thế nào về không gian phát triển và bảo tồn phát triển làng nghề cho du lịch?


Trong quy hoạch du lịch của tỉnh, Thái Bình cũng chú ý đến lĩnh vực du lịch làng nghề, trong đó chúng tôi quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, không gian làng nghề, bãi đỗ xe, các công trình công cộng, trung tâm giới thiệu sản phẩm… Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở làng nghề để cho bà con vừa sản xuất và quảng bá sản phẩm.


Doanh nghiệp lữ hành khảo sát điểm du lịch cộng đồng tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.


Hiện nay Thái Bình có rất nhiều làng nghề như dệt đũi Nam Cao, mây tre Thuận Hiền, chiếu Hới, bánh Cáy làng Nguyễn. Đặc biệt là nghề chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương) nổi tiếng trong nước và quốc tế. Hàng tháng đều có những đoàn khách từ châu Âu về đây không chỉ tham quan mà còn đặt hàng, mua hàng. Gần như 90% dân số làng nghề này tham gia hoạt động làng nghề và thu nhập chủ yếu từ nghề.


Chính vì vậy, Thái Bình đang tập trung quy hoạch các làng nghề. Trên cơ sở quy hoạch, chúng tôi sẽ đề xuất với Trung ương và địa phương có chính sách, đầu tư cụ thể. Và cũng trên cơ sở quy hoạch đấy kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Đấy cũng là một hình thức để tạo điều kiện cho bà con làng nghề phát triển được nghề truyền thống của mình.


Một số làng nghề có thế mạnh, tỉnh đã tạo điều kiện phát triển chương trình du lịch cộng đồng. Chúng tôi cũng đã làm việc với Hội Nông dân và Tổng cục Du lịch để làm sao có được chương trình xúc tiến đẩy mạnh du lịch cộng đồng tại làng nghề và một số làng điển hình của miền Bắc.


Vậy Thái Bình có triển khai được dự án du lịch nào chưa ông?


Hiện nay chúng tôi đang đề xuất và được sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch sẽ phát triển du lịch cộng đồng tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Vì làng nghề muốn phát triển được, sản phẩm đến được khắp nơi thì cơ sở hạ tầng quan trọng nhất là đường giao thông phải tốt. Thứ hai là môi trường làng nghề, đó chính là hiện thân của sự phát triển bền vững. Thứ ba là xúc tiến quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và chú trọng xây dựng các nhà trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm cho khách du lịch.


Trong năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng, Thái Bình chuẩn bị gì để phát huy thế mạnh nhân sự kiện này ?


Năm 2013 là năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng, Thái Bình cũng đã tích cực chuẩn bị các hoạt động tại địa phương để hưởng ứng năm du lịch. Đó là lễ hội đền Trần (13 tháng Giêng), lễ hội chùa Keo (từ 13-15 tháng 9 âm lịch), lễ hội văn hóa thể thao truyền thống tháng 10 của tỉnh.


Nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng với văn hóa có nét tương đồng giữa các địa phương với nhau, vậy theo ông, Thái Bình làm thế nào để tạo được đặc trưng?


Đây cũng là điều mà chúng tôi rất băn khoăn để tạo được những sản phẩm đặc trưng du lịch của Thái Bình như phát triển du lịch tâm linh, bởi Thái Bình có nét độc đáo về hát chèo, múa rối nước, hay như các di tích lịch sử. Gần như di tích lịch sử đền Trần phân bố rải rác ở các tỉnh thành miền Bắc nhưng Thái Bình có đặc trưng riêng là nơi phát tích của nhà Trần và có 3 ngôi mộ vua Trần. Đây là những nét đặc trưng riêng mà chúng tôi cố gắng khai thác những nét riêng ấy.


Đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch thăm đền Trần tại Thái Bình.


Thái Bình có 53 km bờ biển, hiện nay bãi biển Cồn Vành ở Tiền Hải, Cồn Đen ở Thái Thụy, chúng tôi đã quy hoạch xong trở thành khu du lịch biển trong tương lai. Bây giờ, cả hai bãi biển này đang trong giai đoạn quy hoạch chi tiết và kêu gọi quảng bá xúc tiến đầu tư. Hy vọng trong thời gian tới với sự nỗ lực của tỉnh và sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, kết hợp với quảng bá xúc tiến, hy vọng rằng tiềm năng du lịch Thái Bình sẽ có điều kiện phát triển trong thời gian tới.



Bài và ảnh:Vân Trang – Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN