Tạo sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa

Với vai trò là trung tâm du lịch vùng của miền Bắc, nhưng hiện Hà Nội vẫn thiếu những sản phẩm mới để níu chân du khách.

 

"Ăn tối, rối nước"


Danh sách những "điểm đến" trong tour thăm quan Thủ đô của các đơn vị lữ hành, đã hơn chục năm nay không thay đổi. Vẫn là phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Bác, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Và buổi tối, thì không thể không có... rối nước. Thế nên mới có câu "Ăn tối, rối nước" để chỉ sự nghèo nàn của sản phẩm du lịch Thủ đô.


Trình diễn nghề thủ công tại phố cổ Hà Nội.

 

"Nếu du khách lưu lại dài ngày hơn thì có thêm điểm du lịch làng cổ Đường Lâm, làng nghề Bát Tràng hoặc làng lụa Vạn Phúc. Một vài điểm mới với một số tour trong khoảng năm trở lại đây là thăm Hoàng thành Thăng Long và thưởng thức một số chương trình ca nhạc dân tộc như chèo, ca trù, cải lương… nhưng cũng chưa thực sự đặc sắc. Nhìn chung vẫn chưa có gì mới trong chương trình thăm quan Thủ đô cả", một đại diện doanh nghiệp du lịch chia sẻ.


Trong định hướng phát triển, Hà Nội định hình 7 loại hình du lịch chính: Văn hóa, sinh thái, vui chơi giải trí, sự kiện (MICE), nghỉ dưỡng, mua sắm và nông nghiệp.

Cùng chung "cảm xúc" này, chị Ana Schenidlin (Thụy Sỹ), cho biết: "Đây là lần thứ hai tôi đến Hà Nội. Cũng như lần đầu, các điểm thăm quan chủ yếu là các di tích văn hóa lịch sử. Ấn tượng nhất vẫn là khu phố cổ Hà Nội và di tích Văn Miếu. Những điểm khác có lẽ tôi không hiểu nhiều do ít thông tin".


Về vấn đề này, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho biết: Nhận xét của du khách khá đúng với tình trạng du lịch Hà Nội hiện nay. Sản phẩm du lịch của Hà Nội thời gian qua chủ yếu khai thác những cái có sẵn, mà chưa được đầu tư đúng mức.


Cần làm mới


Trong định hướng phát triển, Hà Nội định hình 7 loại hình du lịch chính: Văn hóa, sinh thái, vui chơi giải trí, sự kiện (MICE), nghỉ dưỡng, mua sắm và nông nghiệp. Trong đó, giai đoạn trước mắt sẽ là đầu tư trọng tâm cho du lịch văn hóa.


Để phát huy thế mạnh của du lịch văn hóa, Hà Nội sẽ tiến hành chuẩn hóa thuyết minh điểm di tích lịch sử. Đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành trong việc liên kết xây dựng sản phẩm như: Hành trình qua các kinh đô Việt Cổ (phối hợp với Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định); chương trình du lịch kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, liên kết vùng tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng- Hạ Long (Quảng Ninh)…

Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng: Nếu coi du lịch văn hóa là thế mạnh, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu để tạo thành sản phẩm cụ thể như từ khâu dịch vụ đón tiếp, giới thiệu, hàng lưu niệm... để làm sao truyền tải thông tin ngắn gọn, súc tích về các giá trị văn hóa. "Di tích, di sản văn hóa là nền tảng để phát triển du lịch, nhưng nếu muốn phát triển du lịch thì phải đa dạng dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch văn hóa không được nghiên cứu đầy đủ mà chạy theo tính thương mại sẽ bị bóp méo và đẩy sản phẩm nhanh suy thoái", ông Hà Văn Siêu chia sẻ.


Cũng theo ông Siêu, do thành phố Hà Nội có nhiều di sản văn hóa, nên phải tìm ra những di sản nổi bật để ưu tiên đầu tư thành sản phẩm du lịch trước. Đơn cử như phố cổ Hà Nội, đây là một "di sản" mang tính đặc trưng của Hà Nội và đã được quảng bá rộng rãi, cũng như dễ lưu lại với du khách. Để tăng tính hấp dẫn cho phố cổ, nên đầu tư cho "điểm nhấn"chợ đêm, với việc đưa những giá trị văn hóa phố nghề vào hoạt động của chợ đêm. "Chợ đêm có các dịch vụ đi kèm về giải trí và ẩm thực để tăng giá trị phố cổ. Nhất là những quán nhỏ mang nét truyền thống ẩm thực Việt, không nơi nào có. Du khách được trải nghiệm với cộng đồng và hiểu hơn về văn hóa, con người bản địa. Đó mới là cảm giác mà họ muốn tìm hiểu về văn hóa Hà Nội", ông Siêu nhấn mạnh.


Bên cạnh làm mới sản phẩm cũ, Hà Nội cũng đang hình thành điểm thăm quan mới là khu Hoàng thành Thăng Long. Theo quy hoạch vừa được phác thảo, khu Hoàng thành Thăng Long và thành Cổ Loa đã định hướng tôn tạo trở thành công viên lịch sử văn hóa mở.


“Hà Nội cũng tập trung khai thác thế mạnh của hơn 1.000 làng nghề truyền thống, chiếm hơn một nửa số làng nghề trong cả nước. Thành phố sẽ chọn một số làng nghề nổi bật như làng nón Chuông, mây tre đan Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái… để đầu tư và tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch làng nghề”, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội cho biết.


 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Người dân phải được hưởng lợi

Để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa, cần lấy người dân làm trung tâm và họ được hưởng lợi từ phát triển du lịch di sản. Nếu tách rời lợi ích của người dân thì du lịch khó phát triển được. Đồng thời phải có sự đầu tư thỏa đáng để hình thành sản phẩm du lịch. Thực tế nhiều nước xung quanh ta họ không có di sản, nhưng họ biết đầu tư để tạo thành sản phẩm, trong khi chúng ta có sẵn thì chưa biết cách để biến thành sản phẩm du lịch thu hút khách.

 

Ông Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội: Nâng cao chất lượng hướng dẫn viên

Nhiều hướng dẫn viên, thuyết minh viên (HDV, TMV) thiếu hiểu biết về di sản, nên khó truyền đạt hết giá trị. Do đó, cần nâng cao chất lượng giảng dạy và tiếp cận vấn đề về di sản văn hóa cho đối tượng này. Thực tế khâu đào tạo hiện nay yếu. Nhiều HDV, TMV nói như "tháo khoán" và sáo rỗng.

 

Bà Đặng Bích Thọ, Giám đốc Công ty Phượng Hoàng: Tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện

Cần tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách khi đến Thủ đô. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đẩy mạnh các biện pháp chấn chỉnh tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách, đây là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, nhất là chính quyền cơ sở những địa bàn phát triển mạnh du lịch như khu phố cổ.

 

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc điều hành Now Travel: Khai thác các giá trị ẩm thực

Hà Nội có nhiều món ăn được bạn bè đánh giá cao như phở, chả cá... Tuy nhiên, việc khai thác tour chuyên đề về ẩm thực còn ít. Sở VHTTDL Hà Nội cần có sự quảng bá, xúc tiến tạo thành điểm nhấn trong các chương trình thăm quan. Du khách có thể vừa đi thăm quan phố cổ, vừa đi chợ, vừa tham gia các lớp học chế biến món ăn. Sự đầu tư bài bản sẽ tạo thành điểm nhấn để tăng sức hút cho du lịch Hà Nội.

 

Xuân Minh

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

Sở VHTTDL Hà Nội đã xây dựng đề án “Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố” và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN