Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu tại hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Khắc Hiếu, cùng với sự lớn mạnh của Du lịch Việt Nam trong 65 năm qua, du lịch Phú Thọ từng bước khẳng định được vị thế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở được hợp nhất từ ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, du lịch Phú Thọ trong không gian phát triển mới giữ vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế, là ngành kinh tế tổng hợp, kết nối giữa văn hóa - lịch sử - con người - tài nguyên thiên nhiên hướng đến sự phát triển bền vững. Việc sáp nhập ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình để thành lập tỉnh Phú Thọ mới đã tạo ra một không gian phát triển rộng lớn, đồng bộ và hài hòa, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Quy mô kinh tế của tỉnh Phú Thọ tăng nhanh, năm 2024 đạt 345,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 cả nước và dự kiến năm 2025 đạt 390 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2020. Trong đó, du lịch đang ngày càng được xác định là lĩnh vực có tiềm năng lớn, có khả năng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn tới.
Tỉnh Phú Thọ là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch tổng hợp: giá trị văn hóa - lịch sử Đền Hùng, hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; cảnh quan sinh thái đặc sắc như hồ Hòa Bình, Vườn quốc gia Xuân Sơn, khu nghỉ dưỡng Tam Đảo, Đại Lải, Thanh Thủy, các sân golf, khu nghỉ dưỡng núi cao cấp, du lịch cộng đồng gắn kết văn hóa bản địa...
Với vị trí tiếp giáp thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và khí hậu ôn hòa, tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập có điều kiện thuận lợi để phát triển các dòng sản phẩm du lịch chất lượng cao như: du lịch văn hóa - tâm linh - về nguồn; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng gắn với bản sắc dân tộc Mường, Dao, Cao Lan; du lịch thể thao - mạo hiểm và du lịch MICE, du lịch cuối tuần. Đây là cơ hội để tái định vị thương hiệu du lịch vùng trung du - miền núi phía Bắc, gia tăng sức hút và khả năng cạnh tranh trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bên cạnh các cơ hội, tiềm năng mới, tỉnh Phú Thọ cũng phải đối mặt với những thách thức khi định vị lại thương hiệu điểm đến cho du lịch Phú Thọ, giải quyết sự phân tán trong quản lý nhà nước và quản lý điểm đến trong bối cảnh thiết lập chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời khắc phục những hạn chế về năng lực nguồn nhân lực du lịch, công tác xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch sau sáp nhập.
Các đại biểu bấm nút khởi động chương trình kích cầu du lịch tỉnh Phú Thọ 2025.
Để vượt qua thách thức, sớm tiếp đà phát triển du lịch tại địa phương, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch Phú Thọ mới gắn với điều chỉnh quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia đến năm 2045 phù hợp với sự thay đổi về địa giới hành chính, phát huy thế mạnh đặc thù vùng miền, tăng cường liên kết vùng, phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo chuỗi sản phẩm đa dạng, đặc sắc. Đẩy mạnh chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 trên địa bàn cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng cùng với phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, có chiều sâu trải nghiệm, bám sát bản sắc văn hóa địa phương và hướng tới tiêu chí “xanh - bền vững - số”; tập trung chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch địa phương, ứng dụng công nghệ trong quản lý điểm đến, truyền thông quảng bá qua nền tảng số và các mạng xã hội, xây dựng thương hiệu du lịch Phú Thọ mới, đồng bộ, hấp dẫn và bền vững.
Ngoài ra, Phú Thọ cần tăng cường năng lực quản trị du lịch, đổi mới tư duy phát triển và quản lý nhà nước, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng, dịch vụ phục vụ khách nội địa và quốc tế, đẩy mạnh đào tạo nghề, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Qua đó từng bước đưa tỉnh Phú Thọ mới trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.