Sa Pa kiên quyết xử lý vi phạm trật tự đô thị, nạn chèo kéo, ăn xin

Tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, hành lang vỉa hè, trật tự an toàn giao thông và vấn nạn chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong, ăn xin ở phường Sa Pa (Lào Cai) từ lâu đã là vấn nạn cần được xử lý triệt để.

Chú thích ảnh
Nhiều hoạt động vui chơi văn hóa, hội chợ đêm được tổ chức tại quảng trường chính hút khách du lịch. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phát huy mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sau khi đi vào hoạt động, Sa Pa đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ quan nhằm hạn chế, kéo giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng trên, xây dựng hình ảnh khu du lịch sạch đẹp và văn minh.

Vẫn còn các "hạt sạn"

Theo lãnh đạo phường Sa Pa, trên thực tế, số người tham gia chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn phường và một số xã lân cận đã có giảm qua từng năm, song vẫn chưa thể giải quyết được triệt để dù chính quyền địa phương và các ban, ngành đã vào cuộc quyết liệt.

Theo thống kê năm 2024, phường Sa Pa có khoảng 100 trẻ em và 50 - 60 người lớn thường xuyên tham gia chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong và ăn xin, nhất là vào các ngày lễ, Tết và cuối tuần, gây nhiều phiền toái cho du khách. Để giải quyết triệt để tình trạng này cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, thị xã Sa Pa (cũ) đã yêu cầu các phòng, ban, cơ quan đề xuất Công an tỉnh Lào Cai xây dựng phương án xử lý đối tượng bảo kê, chăn dắt trẻ em lang thang ăn xin, bán hàng rong; xây dựng chương trình, hoạt động văn nghệ cuối tuần hấp dẫn để thu hút du khách; thí điểm mô hình tổ công tác đặc biệt chống chèo kéo, ăn xin, bán hàng rong, bố trí thêm các vị trí, địa điểm bán hàng cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, du khách không cho tiền trẻ em, không mua hàng của các đối tượng bán hàng rong trên tất cả phương tiện truyền thông, nền tảng mạng xã hội. Các xã, phường tuyên truyền để người dân học việc, chuyển đổi nghề, đi làm tại các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn có thêm thu nhập.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nửa đầu năm 2025, phường Sa Pa chỉ còn khoảng 30 người lớn, trẻ em tham gia bán hàng rong và ăn xin. Tình trạng này tuy đã giảm song vẫn khiến một số du khách không hài lòng trong quá trình tham quan, khám phá cảnh đẹp nơi đây.

Trở về từ Sa Pa sau chuyến du lịch ngắn ngày, ông Vũ Minh Dân (du khách Nghệ An) chia sẻ, sau 5 năm trở lại Sa Pa, tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin ở đây đã giảm song vẫn chưa chấm dứt hẳn. Thậm chí, tình trạng ăn xin đã trở nên tinh vi hơn khi xuất hiện một số cháu bé mặc trang phục dân tộc thiểu số bật nhạc loa kéo âm lượng lớn, nhảy múa để xin tiền khách du lịch ở quanh khu vực Nhà thờ Đá. "Chắc chắn tôi vẫn quay lại Sa Pa nhưng hy vọng sẽ không phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp mắt như vậy nữa".

Ngay khi đến Việt Nam, vợ chồng chị Hikmah (du khách Malaysia) đã chọn Sa Pa là điểm đến thứ 3 sau Đà Nẵng và Hà Nội. Chị Hikmah cho biết, hai vợ chồng chị rất thích phong cảnh và khí hậu ở đây tuy nhiên có vài "hạt sạn" khiến trải nghiệm của anh chị không hoàn hảo. Tại khu vực Sân Quần, liên tục có cả người lớn và trẻ em dân tộc thiểu số mời chào mua các món hàng dù anh chị đã bày tỏ sự không hứng thú với việc mua đồ. "Họ theo chân chúng tôi trong nhiều phút hoặc vây quanh khiến chúng tôi gần như phải trốn chạy. Việc đi bộ ngắm cảnh trở nên căng thẳng khi vỉa hè bị lấn chiếm và còn liên tục bị quấy rầy".

Chị Hikmah cũng cho rằng, Sa Pa nói riêng và Việt Nam nói chung có lợi thế cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ, người dân thân thiện. Nếu chính quyền các địa phương và ngành du lịch giải quyết được các "hạt sạn" trên sẽ thu hút du khách sẵn sàng trở lại nhiều lần hơn.

Rất nhiều cách làm đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm dần tình trạng chèo kéo, đeo bám và lấn chiếm hành lang, vỉa hè... tại Sa Pa. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu và xử lý triệt để, địa phương cần giải pháp mạnh tay hơn.

Thiết lập "8 không" với đợt cao điểm “80 ngày đêm”

Chú thích ảnh
Du khách mua sắm các đặc sản, sản phẩm địa phương tại khu vực quảng trường chính Sa Pa. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND phường Sa Pa khẳng định, thời gian qua, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt từ năm 2023, với việc triển khai Kế hoạch 127/KH-UBND ngày 15/3/2023 của UBND thị xã Sa Pa về lập lại kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và cơ sở kinh doanh dịch vụ - du lịch trên địa bàn thị xã đã góp phần làm giảm đáng kể các hành vi vi phạm, giúp lập lại kỷ cương đô thị. 

Các phong trào “Thứ sáu xanh”, “Chủ nhật sạch”, Đề án xây dựng đô thị “Sa Pa sạch” giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã huy động hàng vạn lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân cùng tham gia. Tỷ lệ phân loại rác tại đô thị đạt 98,5%; gần 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ đăng ký chia sẻ nhà vệ sinh miễn phí cho du khách. Những nỗ lực này góp phần gìn giữ hình ảnh Sa Pa là điểm đến du lịch nổi tiếng, từng được Tripadvisor vinh danh tốp 10 điểm đến thịnh hành nhất thế giới năm 2024.

Tuy nhiên thời gian gần đây, trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xây dựng trái phép, mất vệ sinh môi trường, chèo kéo, đeo bám, ăn xin tại Sa Pa vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới bộ mặt đô thị, môi trường du lịch và chất lượng phục vụ du khách. 

Phường Sa Pa đã tổ chức ra quân triển khai Đợt cao điểm “80 ngày đêm” lập lại kỷ cương, kỷ luật về quản lý đất đai, trật tự xây dựng; hành lang, vỉa hè; trật tự an toàn giao thông; chống chèo kéo, đeo bám, ăn xin nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Sa Pa trở thành phường kiểu mẫu về quản lý đô thị, văn minh, hiện đại.

Để đợt cao điểm “80 ngày đêm” đạt hiệu quả cao, phường Sa Pa đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng tham gia nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau thiết lập “8 không”. Đó là: Không vi phạm về đất đai; không vi phạm trật tự xây dựng; không vi phạm trật tự đô thị; không lấn chiếm hành lang, vỉa hè, lòng đường; không dựng biển quảng cáo 2 chân sai quy định; không vi phạm trật tự an toàn giao thông; không còn tình trạng chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong, ăn xin; không bao che các hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị.

Từ ngày 21/7 - 30/9, phường ra quân tập trung xử lý nghiêm vi phạm đất đai, xây dựng; giải tỏa lấn chiếm hành lang, vỉa hè; giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan; xử lý dứt điểm nạn chèo kéo, ăn xin; đảm bảo an toàn giao thông. Các tổ công tác được phân công phụ trách từng khu vực điểm nóng để kịp thời ngăn chặn và xử lý vụ việc; báo cáo kết quả định kỳ hằng tuần để kịp thời xử lý dứt điểm các vi phạm phát sinh. 

Thống kê của phường Sa Pa cho thấy, sau 4 ngày ra quân, trên địa bàn hiện chỉ còn khoảng 10 người lớn, trẻ em tham gia bán hàng rong, chèo kéo, ăn xin. Các loại hình vi phạm khác đã bước đầu được kéo giảm và đi vào nề nếp. Ngoài ra dịp này, phường Sa Pa tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; công khai đường dây nóng 0203 3871 123 để người dân, du khách phản ánh kịp thời, phát huy trách nhiệm cộng đồng.

Hương Thu (TTXVN)
Giải quyết dứt điểm tình trạng 'chèo kéo', tranh giành khách ở lễ hội Chùa Hương
Giải quyết dứt điểm tình trạng 'chèo kéo', tranh giành khách ở lễ hội Chùa Hương

Lễ hội Chùa Hương 2024 sau 1 tuần khai hội đã ghi được dấu ấn tốt đẹp đối với du khách bởi hình ảnh sạch đẹp, văn minh, cơ sở hạ tầng giao thông được cải tạo thông thoáng, nhiều cơ sở lưu trú mới khang trang đi vào hoạt động, các dịch vụ phát triển, đặc biệt trật tự an toàn giao thông đô thị được đảm bảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN