Rong ruổi thu Tây Bắc

Từ quốc lộ 6 mà điểm đầu là cầu sông Nhuệ, quận Hà Đông, Hà Nội, qua tỉnh Hòa Bình, chúng tôi vượt 12 km dốc Cun đường đèo quanh co, khúc khuỷu với hàng chục khúc cua tay áo. Một bên ôm sát núi còn bên kia là vực sâu thăm thẳm.



Ai trong số chúng tôi cũng cảm nhận được thu đã về trên mỗi mái nhà của đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Thái... Mái gỗ rừng nhè nhẹ hơi sương, thấp thoáng trong tầm mắt những thửa ruộng bậc thang mà đứng từ trên cao nhìn xuống trông như nếp váy thổ cẩm quyến rũ, e lệ của các thiếu nữ Mông giữa mây núi ngút ngàn, những thửa ruộng bậc thang vàng rộm lên với những bông lúa trĩu nặng báo hiệu mùa bội thu. Giống như một con rắn khổng lồ, quốc lộ 6 cứ mải miết đưa chúng tôi đi suốt dặm dài. Con sông Đà vốn hung dữ là vậy, mà sang thu bỗng hiền hòa, dịu mát, êm đềm chảy qua in bóng những hàng cây, dãy núi lô nhô bên sườn.


Rời khỏi Hòa Bình, những địa danh như: Lóng Luông, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn… của tỉnh Sơn La lại đón chúng tôi với màu vàng rộm của những nương ngô. Mùa này, ngô trải vàng trên các đồi nương, ngô xếp vàng kĩu kịt trên vai những thiếu nữ, chàng trai người Mông, người Thái. Đến ranh giới giữa Sơn La và Điện Biên, đèo Pha Đin là thử thách, cam go cuối cùng trước khi chia tay quốc lộ 6. Theo truyền thuyết, đèo Pha Đin là nơi tiếp giáp giữa Trời và Đất, lâu nay nổi tiếng là con đèo dài, chênh vênh, hiểm trở, nguy hiểm bậc nhất ở vùng núi rừng Tây Bắc. Vượt qua con đèo này, đường sang đất Điện Biên mát mắt với cánh đồng Mường Thanh trải dài, màu vàng lúa chín chen lẫn màu xanh núi đồi. Nước hồ Pa Khoang với sắc màu biếc xanh quyến rũ, đan xen cùng những đóa cúc vàng, giò lan tím mà một nhà khoa học người Lâm Đồng… đang nghiên cứu, trồng thử nghiệm tại đây như hòa với trời thu vùng biên ải.


Lại dốc cao, lại đèo hiểm, cung đường Tây Bắc tiếp tục đưa chúng tôi sang Lai Châu. Thu về, những bông cúc quỳ dần hé nụ trong xanh ngát núi đồi, những đồng lúa kịp trổ bông đón người đi gặt. Bất chợt đón nhận cơn gió thu mang đầy hơi thở núi rừng. Bầu trời dường như cao và trong xanh hơn. Nắng vàng đổ dài trên các triền núi, trên con đường dẫn về bản làng thơm nồng hương lúa nếp. Vệt khói mỏng của bếp lửa nhà ai vắt ngang trời mây làm cả nhóm chúng tôi có cảm nhận như không đâu đẹp và thơ mộng như Tây Bắc mùa này.


Rời Lai Châu, đường quốc lộ 32 dẫn chúng tôi ngược về đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ... Chẳng mấy chốc cánh đồng Tú Lệ (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) hiện ra như trong mơ. Đứng trên đèo nhìn xuống, cánh đồng như tấm thảm, gấp lên gấp xuống như những bậc thang in dấu bước chân biết bao người Thái đã dày công vun xới, chăm lo để có được những hạt gạo trắng ngần, bát cơm dẻo thơm đến lạ lùng. Nơi xa xa ấy, một con suối nhỏ cong cong chia đôi tầm mắt, một cánh đồng dập dờn óng ả nép mình bên chân núi, một bản làng yên bình bỗng rộn ràng giục giã với mùa màng bội thu. Đường quốc lộ 32 dẫn chúng tôi quay trở về với đất trời miền trung du Phú Thọ. Cũng vẫn màu vàng rộm của đồng lúa chín nhưng thêm vào đó dịp này đồng bào người Thái, người Dao cũng đang bận rộn với màu xanh mỡ màng của những nương chè chạy dài tít tắp tới tận chân đồi.


Thu Tây Bắc là mùa của những sắc màu quyến rũ nhất mà thiên nhiên đã khéo phối trọn tạo nên bức tranh sinh động, hài hòa mà đằm thắm, chân thực như từ ngàn đời nay gắn bó.



Nguyễn Tuấn Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN