Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều công ty du lịch trong nước.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: Năm 2019, tại Bạc Liêu, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết thỏa thuận về liên kết hợp tác phát triển du lịch, từ đó tạo tiền đề để khai thác có hiệu quả nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch mang tính liên kết vùng và liên vùng. Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long từng bước cụ thể hóa với nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, sâu rộng dựa trên 5 trụ cột chính, đó là hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; công tác quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; hợp tác xúc tiến mời gọi đầu tư về du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đánh giá: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện liên kết, bước đầu đã phát huy tính hiệu quả, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch, tạo "xung lực" mới cho sự phát triển của du lịch liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh - đồng bằng Sông Cửu Long với nhiều "màu sắc" mới. Tính đến nay, hoạt động liên kết đã xây dựng 80 chương trình tour du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đến 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo đánh giá về sức hấp dẫn và các yếu tố thu hút khách du lịch, cùng các đề xuất phát triển sản phẩm du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tại hội nghị nhìn nhận: Chương trình liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai thực hiện hiệu quả, nhưng chưa đáp ứng tốt nhu cầu đề ra, cũng như chưa khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, việc phát triển sản phẩm chủ yếu theo không gian nên trùng lắp, chưa đặc thù, thiếu chiều sâu; chất lượng dịch vụ các điểm đến còn yếu, chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng; chưa định hình chuỗi giá trị du lịch để liên kết chuỗi giá trị trong xây dựng sản phẩm du lịch; chưa xây dựng những chính sách cộng hưởng giữa các địa phương trong liên kết; một số địa phương trong liên kết chưa trong chủ động trong công tác phối hợp quy hoạch các chuỗi giá trị nhằm liên kết…
Nhận định du khách trong nước của đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới vẫn sẽ đến từ Hà Nội, Đà Nẵng Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; cùng với đó, thị trường quốc tế du khách chủ yếu đến từ khu vực Đông Bắc Á, Tây Âu và các nước như Mỹ, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia..., Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: Thành phố Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa định hướng liên kết để phát triển sản phẩm du lịch liên kết theo không gian, liên kết hợp tác quốc tế, liên kết vùng, liên kết cụm du lịch, liên kết theo nội dung, liên kết phát triển sản phẩm, liên kết thị trường, liên kết quảng bá xúc tiến và liên kết giữa doanh nghiệp du lịch.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá: Mặc dù có tiềm năng rất phong phú, nhưng du lịch đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa phát triển tương xứng, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch chưa đa dạng và thường được đánh giá gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long chỉ ra "điểm nghẽn" lớn nhất trong mối liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long là hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, cơ quan quản lý du lịch các địa phương cần làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để sớm khắc phục bất cập này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành tiếp cận điểm đến và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh để đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm có tính khác biệt của từng địa phương.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp làm du lịch, ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Nội địa, Công ty Cổ phần Du lịch Bến Thành đánh giá, trong 10 năm qua du lịch đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất mạnh. Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của du lịch đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, ông Tùng cho rằng cần quan tâm tạo ra các sản phẩm mang tính đặc thù trên nền sản phẩm sẵn có. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách. Cùng với việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, ngành du lịch cần chú trọng truyền thông quảng bá, để du khách biết và tìm đến.
Kết luận hội nghị, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Chương trình du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, du lịch… đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung. Đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng, tạo sự liên kết lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực giữa Thành phố Hồ Chí Minh 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long heo hướng phát triển nhanh, bền vững.
Tại hội nghị đã diễn ra chương trình ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch và doanh nghiệp du lịch lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.