Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp - Bài 1

Các tỉnh Nam Bộ có lợi thế rất lớn về du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp nhờ lợi thế tự nhiên với hệ thống sông ngòi bao phủ và đồng bằng trù phú. Vài năm trở lại đây loại hình du lịch miệt vườn bao gồm homestay (du lịch xanh), tham quan các nhà vườn ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ đang được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch triển khai, góp phần mở rộng các hình thức tiếp cận du lịch.

Để có cái nhìn toàn diện về tiềm năng, lợi thế, triển vọng và các thách thức khi phát triển loại hình du lịch này, báo Tin Tức xin giới thiệu loạt 3 bài viết với tiêu đề "Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp".

KHAI THÁC TIỀM NĂNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Các dự án phát triển du lịch miệt vườn không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch liên quan đến nông nghiệp của An Giang, Đồng Nai mà còn tác động sâu sắc đến xã hội. Đồng thời, loại hình du lịch này còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập, tạo cơ hội việc làm cho nhiều gia đình nghèo tại các địa phương.

Thêm sản phẩm du lịch

Các dự án phát triển du lịch đã hình thành ở An Giang và Đồng Nai thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, kể cả khách quốc tế. Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh An Giang nhận định: An Giang là một tỉnh có nền nông nghiệp tổng hợp: làm vườn, ruộng, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều phong cảnh đẹp đặc trưng của miền Tây sông nước… cho nên đây là một trong những loại hình du lịch phát triển phù hợp ở An Giang. Hiện tại, tỉnh đã có 8 xã với 82 hộ nông dân tham gia kinh doanh du lịch.

Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Qua các năm, lượt khách du lịch tới tham quan tại các điểm trong mô hình du lịch nông thôn ngày càng tăng. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã tiếp đón hơn 26.100 lượt khách đông hơn so cùng kỳ năm trước gần 6.800 khách (trong đó có khoảng 3.000 khách nước ngoài tham quan tại các điểm nhà dân) với tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Như vậy, khách du lịch khi tới An Giang ngoài du lịch tâm linh với miếu Bà Chúa Xứ ở Núi Sam (huyện Châu Đốc) có thể lựa chọn nhiều tour du lịch đặc sắc trong loại hình du lịch nông nghiệp để trải nghiệm.

“Chẳng hạn, khi tới An Giang khách du lịch sẽ bước vào một không gian yên tĩnh, hiền hòa, được nép mình bên những vườn cây trái xanh um, được thưởng thức các món ăn đặc sản và nghe đờn ca tài tử, làm quen với cuộc sống của người dân Nam bộ, thăm các bè cá ven bờ cù lao, tham gia các hoạt động câu cá, tát mương, giăng lưới, tắm bùn phù sa… Hay du khách có thể khám phá thiên nhiên hoang dã, ngắm những cây tràm cổ thụ soi bóng dưới mặt nước trong xanh khi tới rừng tràm Trà Sư.", ông Triều cho biết thêm.

Ông Nguyễn Xuân Chinh (Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường – Vườn Quốc Gia Cát Tiên thuộc Ban quản lý dự án phát triển du lịch sinh thái trong và xung quanh khu bảo tồn vườn quốc gia) chia sẻ: Trước đây khi tới Vườn Quốc Gia Cát Tiên, huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai khách du lịch chỉ lưu lại vài ngày để khám phá vẻ đẹp của rừng. Nhưng khi có các điểm dừng chân tham quan ở xã Tà Lài và Đắk Lua du khách có thêm nhiều lựa chọn để kéo dài tour du lịch của mình. Sau khi tham quan rừng du khách sẽ di chuyển tới Tà Lài tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất cùng với người dân (trồng lúa), tìm hiểu về dệt thổ cẩm, đan lát, lưu trú tại nhà dài của đồng bào dân tộc nơi đây. Hoặc du khách có thể hòa mình vào cuộc sống thanh bình của người dân xã Đắk Lua cùng tham gia trồng dâu nuôi tằm – nghề truyền thống lâu đời của người dân. Hay nói cách khác nhờ có thêm các điểm du lịch ở Tà Là, Đắk Lua sản phẩm du lịch của huyện Tân Phú trở nên đa dạng, phong phú để thu hút khách du lịch hơn.

Nông dân có cơ hội làm du lịch


Từ những nông dân chỉ quen việc đồng áng, thông qua các dự án nhiều người đã mạnh dạn bắt tay làm du lịch trên cơ sở khai thác những điều kiện tự nhiên, xã hội và các tài nguyên du lịch ngay tại địa phương.

Ông Phan Văn Hổ, ngụ tại ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã mạnh dạn đầu tư sửa sang nhà cửa, sắm thêm thuyền để đưa khách du lịch tới tham quan cửa sông Vàm Nao, ngắm cảnh sông nước và thưởng thức ẩm thực vào mùa nước nổi. Ông Hổ phấn khởi chia sẻ: Nhà chỉ có hơn 2.000 m2 đất trồng mía. Mỗi vụ chỉ thu được hơn 10 triệu đồng. Mùa nước nổi chỉ biết đi đánh bắt cá bán. Nhưng từ khi làm du lịch, gia đình vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi vừa có thêm thu nhập. Năm 2014 địa điểm Vàm Nao này bắt đầu có khách du lịch, nhưng gia đình đã thu được hơn 11 triệu đồng. Với mô hình du lịch này người nông dân có thể “xuất khẩu” nông sản của mình tại chỗ với giá cao hơn so với thị trường.

Tà Lài, Đắk Lua vốn là hai xã nghèo, khó khăn so với các xã khác của tỉnh Đồng Nai. Người dân nơi đây nhất là bà con dân tộc thiểu số chỉ biết làm rẫy hay vào rừng hái măng, bắt thú rừng. Khi tỉnh có dự án phát triển du lịch tại đây, nhiều nông dân đã biết nắm bắt cơ hội để thay đổi cuộc sống. Anh K’Yếu (Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch xã Tà Lài) chia sẻ: Đến nay xã Tà Lài đã có 10 hộ tham gia vào Tổ hợp tác du lịch và công ty du lịch trả lương từ 4 triệu – 5 triệu/tháng. Với thu nhập ổn định này cuộc sống của người dân đã khá hơn, có thể lo cho con cái học hành đàng hoàng.

Du lịch kết hợp nông nghiệp là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở (homestay) hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng gia đình hoặc trang trại. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia văn hóa đồng quê. Ở Việt Nam hình thức này đang bước đầu phát triển, tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.

(còn tiếp)


Lan Phương (TTXVN)
Quảng bá du lịch Việt Nam qua mạng di động
Quảng bá du lịch Việt Nam qua mạng di động

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) và Tổng công ty viễn thông MobiFone (Bộ Thông tin Truyền thông) đã ký kết thỏa thuận Hợp tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam qua mạng di động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN