Dấu ấn khác biệt - Sản phẩm du lịch hiện đại

1. Dưới chân bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) nơi mà 10 năm trước vẫn là một khu quân sự, một vùng rừng núi hoang vu nơi góc bể chân trời. Bán đảo Sơn Trà hùng vĩ và thơ mộng trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, quân đội Mỹ đã thiết lập một căn cứ quân sự hùng mạnh bậc nhất ở miền Nam, nơi ấy có các thiết bị quân sự mà nghe đâu được mệnh danh là “mắt thần của Biển Đông”.

Từ năm 2007, những người làm du lịch với tầm nhìn mới lạ đã bắt đầu những bước đi đầu tiên nhằm “tiếp cận” Sơn Trà, tìm ra những nét độc đáo, khác biệt để tạo nên những ấn tượng như “đóng đinh” vào cảm xúc và ký ức con người, làm nên niềm tự hào chính đáng của du lịch Việt Nam; đó là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.


Tháng 6/2015, Sơn Trà vẫn là biển xanh ôm ấp đại ngàn, nhìn từ trên máy bay xuống, Sơn Trà đúng là viên ngọc nguyên sơ của Đà Nẵng - miền Trung. Nhưng nếu du khách đi từ bờ biển còn mang nét trinh nguyên, hoang vắng, men theo sườn núi sẽ bắt gặp sự kỳ vĩ do con người tạo ra; một hòn ngọc được chế tác công phu. Dù mới chính thức đi vào hoạt động năm 2012, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã sở hữu hàng loạt giải thưởng danh giá trong ngành du lịch. Trong đó, có các giải thưởng khu vực và các hạng mục dịch vụ của WTA trong năm 2014 như giải Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất châu Á, Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất Việt Nam, Khu nghỉ dưỡng có dịch vụ spa tốt nhất Việt Nam, Khu nghỉ dưỡng có dịch vụ spa sang trọng nhất Việt Nam.

Năm 2013, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đoạt giải Khu nghỉ dưỡng mới sang trọng bậc nhất tại Việt Nam và châu Á của WTA...

Đối với chúng ta, đó là một tư duy mới về du lịch; lấy tiêu chuẩn đáp ứng cao nhất nhu cầu của con người là tối thượng; trong đó nhu cầu hưởng thụ vật chất và văn hóa được kết hợp hài hòa; tạo ra môi trường hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong mối quan hệ tương tác - con người được hưởng ưu ái từ thiên nhiên và thiên nhiên được con người bảo vệ và tôn trọng. Văn hóa từ mỗi gốc cây, lối đi; từng chi tiết kiến trúc chính xác như một sự ngẫu nhiên mà hợp lý; một môi trường thân thiện, một không gian gần gũi mà trong đó ai cũng tìm ra sự thích nghi, phù hợp, một góc cho riêng mình: Nghỉ ngơi hoàn toàn hay là suy tư, sáng tạo... đều mang lại sự sảng khoái và chất lượng nhất.

Được mệnh danh là "Thầy phù thủy của những khu resort", trong công trình lớn đầu tiên của Bill tại Việt Nam, ông đã phá cách ít nhiều so với những công trình mà ông thực hiện tại Ấn Độ, Campuchia hay Thái Lan. Điều này dễ dàng nhận thấy qua những nét kiến trúc đương đại, pha lẫn hơi thở làng quê Việt Nam trong tác phẩm InterContinental Danang Sun Peninsula.

Những ngôi biệt thự sang trọng ẩn mình trong rừng cây, cây xanh che chở và làm mềm đi những hình khối bê tông. Những tòa nhà với kiến trúc mang dáng dấp những ngôi đình chùa, cổng làng là những nét chấm phá cho những cánh rừng để mang thêm sức sống hiện đại mà bớt đi vẻ hoang sơ. Mỗi ngọn cỏ gốc cây đều được giữ gìn chăm sóc làm thành cái nôi đại ngàn cho các biệt thự; đó chính là sự nuôi dưỡng cái hồn của làng quê Việt, văn hóa Việt; và đó là nét văn hóa tạo nên sự hấp dẫn với du khách. Không ở đâu mà những công trình tận dụng được ưu thế của biển và núi rừng như ở đây. Bằng kiến trúc độc đáo và tài tình, những ngôi biệt thự, thậm chí mỗi phòng ngủ đều mở lòng hòa nhập với thiên nhiên; khiến du khách có cảm giác vô cùng gần gũi và thân thiết với mỗi gốc cây, ngọn cỏ, gợi nhớ tới bờ ao, giếng nước qua mỗi vật dụng và xa hơn là những hoa văn trống đồng từ thời Hùng Vương dựng nước... Dìu dặt tiếng sóng biển đêm đêm, du khách ngỡ như gió rừng và sóng biển đang du dương cùng giấc mơ lãng du...

2. Mùa hè năm 2005, chúng tôi đã đến khu du lịch Bà Nà. Chiếc xe chở 50 người phải dừng lại dưới chân núi cho du khách sang xe. Chỉ những xe dưới 12 chỗ ngồi mới đi lọt “vòng cua” trên con đường ngoằn ngoèo, hiểm trở lên đỉnh Bà Nà cao 1.500 mét so với mặt biển. So với các đường đèo nổi tiếng như đèo Pha Đin, đèo Hải Vân, đèo Ngoạn Mục hay con đường lên Lũng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc... thì đèo lên đỉnh Bà Nà là hiểm trở bậc nhất. Hiểm trở vì độ cao lớn mà đường lên ngắn nên cua rất gấp, không thích hợp cho người sợ độ cao, nhưng thỏa chí cho du khách thích mạo hiểm, ưa khám phá. Từ Đà Nẵng lên Bà Nà “mất đứt” gần 3 giờ đồng hồ. Có lẽ vì vậy mà trong đoàn chúng tôi lên Bà Nà năm đó chẳng may có một số du khách bị ngộ độc thực phẩm nhưng khi gọi xe cấp cứu từ Bệnh viện Đà Nẵng lên họ đều từ chối mà rằng: “Ngộ độc thực phẩm không làm chết người nhưng đêm đi xuống Đà Nẵng có thể mất mạng vì đường dốc hiểm trở”. Trong số du khách đó, sáng hôm sau về Đà Nẵng họ đã “thề” rằng sẽ không bao giờ quay trở lại Bà Nà. Không chỉ những người bị ngộ độc thực phẩm mà cả những người tổ chức chuyến đi cũng phàn nàn rằng, Bà Nà chỉ là cái thương hiệu lưu lại từ thời Pháp thuộc, hạ tầng du lịch là các phòng trọ, sản phẩm du lịch chỉ còn là độ cao và gió; Bà Nà khi đó đang đứng trước nguy cơ là một điểm du lịch chết!



Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Bà Nà thuở sơ khai với những dấu tích Gô tích đã dần bị lãng quên. Và chỉ tới những năm của thập niên 2000 Bà Nà mới được Tập đoàn Sun Group nâng cấp và đầu tư bài bản trở thành một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp xứng tầm bậc nhất Đông Nam Á. Sun Group đã kiến thiết làng Pháp trên nền tảng những bản thảo thiết kế của Pign De Aune. Làng Pháp là một quần thể tổ hợp khách sạn, quảng trường, nhà thờ… được thể nghiệm trên nền diện tích 45.300 m2.

Tháng 6/2015, chúng tôi đi Bà Nà từ Đà Nẵng trong cái nắng 40 độ C. Qua con đường Hoàng Văn Thái vừa hoàn thành, được mệnh danh là con đường du lịch đẹp nhất Việt Nam. Hai bên đường không có nhà dân, ven đường là hoa tươi và cây xanh, xe chạy 20 phút từ Đà Nẵng đã đến chân núi; chờ 5 phút bước vào nhà ga cáp treo; thêm 17 phút ngồi trên ca bin cáp treo đã tới đỉnh Bà Nà. Thú vị ở chỗ qua hơn 40 phút, du khách đang từ môi trường hải dương với gió biển, sóng biển, môi trường đô thị bức bối với cái nóng gay gắt của miền Trung đã được sống trong bầu không khí mùa thu, trời trong xanh ngăn ngắt và gió lạnh se se của miền núi, cộng thêm các kiến trúc của làng Pháp, công viên hoa được xây dựng trên đỉnh Bà Nà, khiến du khách ngỡ như mình đang thật sự ở một làng quê của miền Nam nước Pháp.

Điểm đặc biệt hay là cái tạo nên ấn tượng đặc biệt của khu du lịch 6 sao ở bán đảo Sơn Trà hay khu du lịch trên đỉnh núi Bà Nà là sự kết hợp hài hòa giữa hưởng thụ và khám phá. Hưởng thụ văn hóa, hưởng thụ những giá trị vô hình như gió, tầm nhìn, màu xanh của trời mây, cây cỏ; hưởng thụ văn hóa ẩm thực của những nền văn hóa đặc trưng trên thế giới từ Pháp, Capcaz... cùng văn hóa ẩm thực Việt Nam; và ấn tượng hơn hết là một vùng tâm linh như đang tỏa hào quang soi rọi cho lòng người từ tâm và trong sáng hơn, cầu cho Quốc thái dân an, từ ngôi tượng Phật kỳ vĩ và ngôi chùa uy nghi trên đỉnh Bà Nà. Văn hóa Đông - Tây - kim - cổ đang hiện diện trong không gian du lịch Bà Nà; tất cả hòa quyện cùng nhau, kết tinh thành giá trị di sản và sản phẩm du lịch.

Khu du lịch Bà Nà đã thật sự hồi sinh, mang lại một điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng - miền Trung; cũng là đánh dấu cho sự thành công của một tầm nhìn về đầu tư, nắm bắt nhu cầu của du khách và cả chiến lược phát triển để đáp ứng nhu cầu của du khách trong tương lai - những du khách không nhằm thỏa mãn những nhu cầu hưởng thụ tầm thường trong đời thường mà cần thỏa mãn nhu cầu để cho những giây phút sâu lắng, thăng hoa hoặc “ngộ” ra một điều gì đó trong không gian ngỡ như là nơi để trời đất gặp nhau này.

3. Việt Nam là đất nước giàu tiềm năng du lịch vì có nền văn hóa đa dạng - cả văn hóa vật thể như các di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo... và văn hóa phi vật thể mà vùng đất nào cũng có, cũng làm mê đắm du khách từ làn điệu dân ca, điệu hò, câu hát cùng những truyền thuyết đầy tính nhân văn. Thiên nhiên Việt Nam ẩn chứa một tiềm năng du lịch phong phú và độc đáo. Có nhiều du khách bay nửa vòng trái đất đến Việt Nam để được ngắm nhìn và hòa mình vào thiên nhiên kỳ vĩ đó. Nhưng du lịch Việt Nam hiện đang đứng trước thực trạng đáng buồn là du khách một đi không trở lại; và du khách đến không có gì để chi tiêu. Có nghĩa là sản phẩm du lịch quá nghèo nàn, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngành du lịch đã và luôn tìm câu trả lời cho bài toán khó này.


Du lịch là một ngành công nghiệp không khói, mà đã nói đến công nghiệp là phải nói đến nguyên liệu và công nghệ. Một khi nguyên liệu tốt được công nghệ hiện đại chế tạo thì sẽ ra sản phẩm tốt, giá trị cao. Và sản phẩm đó có được khách hàng chấp nhận và có thành thương hiệu nổi tiếng hay không là còn tùy thuộc vào mẫu mã, giá cả; riêng sản phẩm du lịch thì phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa bản địa, văn hóa phi vật thể và các giá trị “không giống ai”.

InterContinental Danang Sun Peninsula Resort do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng tại Bắc bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Khu nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp này nằm trên một bãi biển biệt lập tại bán đảo Sơn Trà, cách sân bay Đà Nẵng chừng 30 phút xe chạy. Mở cửa hoạt động vào tháng 6 năm 2012, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort là sự hòa quyện tuyệt vời giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và nét tinh hoa kiến trúc, văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Có lẽ vì thế mà chúng ta có khu du lịch Bà Nà hôm nay; cáp treo hiện đại đưa du khách lên núi vừa bảo đảm an toàn, thời gian cho du khách và vừa bảo đảm cho cánh rừng nguyên sinh trường tồn, môi trường thiên nhiên không bị xâm phạm; chúng ta có một khu du lịch nổi tiếng thế giới trên bán đảo Sơn Trà, là nơi dừng chân của những tao nhân mặc khách, những con người nổi tiếng từ nhiều quốc gia, trong đó có những người đang góp phần làm nên lịch sử đương đại. Đó là kết quả của một tư duy nhân văn sâu sắc đối với một ngành kinh tế - văn hóa, một tầm nhìn để tạo ra một phân khúc cao cấp nhất của du lịch; một lối đi riêng biệt tạo ra sản phẩm riêng biệt. Đó là sản phẩm du lịch của tương lai. Tin tưởng trong thời gian không xa, với tư duy, tầm nhìn và “công nghệ” đó, du khách sẽ được đặt chân lên đỉnh Phanxipan qua đường cáp treo có một không hai trên thế giới hay ngắm nhìn Hạ Long hoặc dự tiệc tùng, hội họp trên ca bin cáp treo có sức chứa tương đương một chiếc máy bay chở khách tầm trung...




Nguyễn Quang
Vẻ đẹp bán đảo Sơn Trà
Vẻ đẹp bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà nằm ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) từ lâu được coi là lá phổi xanh có chức năng “điều hòa” khí hậu cũng như là bức bình phong chắn gió, bảo vệ cho TP Đà Nẵng. Cùng với quần thể Hải Vân Sơn, bán đảo Sơn Trà góp phần tạo nên vẻ đẹp khoáng đạt giữa sông, núi và biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN