Nâng tầm thương hiệu du lịch Ninh Bình từ văn hóa - Bài 2: Phát triển du lịch với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng

Du lịch được biết đến là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hóa cao. Do đó, hoạt động phát triển du lịch có thể thu hút, đồng thời cần sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội. Đây được xem là trọng tâm, định hướng của tỉnh Ninh Bình trong việc phát triển du lịch văn hóa với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng.

Chú thích ảnh
Du khách được ngắm nhìn bức tranh trên cánh đồng lúa trên dòng sông Ngô Đồng tại Khu du lịch Tam cốc Bích Động, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Con người văn hóa - giá trị của thương hiệu du lịch

Cánh đồng Tam Cốc là một trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam, nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An; có diện tích hơn 18 ha uốn lượn bên dòng sông Ngô Đồng. Những năm gần đây, ngành Du lịch Ninh Bình đã tận dụng lợi thế này để tạo hình trên cánh đồng lúa nhằm thu hút du khách. Doanh nghiệp, Nhà nước và người dân địa phương đã chung tay thực hiện một bức tranh bằng chính những cây lúa. Năm nay, bức tranh với chủ đề "Mục đồng thổi sáo" được "dệt" trên cánh đồng lúa Tam Cốc đã được người dân địa phương cấy lúa và chăm sóc từ nhiều tháng trước.

Là một trong những xã viên nhiều năm được lựa chọn để cấy và chăm sóc những bức tranh bằng lúa độc đáo, ông Chu Văn Trinh (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) chia sẻ, được tham gia vào quá trình cấy lúa và khi nhìn thấy thành phẩm bức tranh được tạo hình, mọi người đều cảm thấy tự hào vì có thể chung tay cùng với chính quyền địa phương tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Bức tranh năm nay cũng là mong ước của người dân địa phương về "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để luôn có những vụ mùa bội thu.

Gắn bó với Khu du lịch sinh thái Tràng An gần 20 năm, mỗi buổi sáng sớm, chị Đỗ Thị Tuyền (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) đều tất bật chuẩn bị thuyền, kiểm tra lại các vật dụng cần thiết để đón khách chu đáo, an toàn. Như bao người dân nơi đây, du lịch đã giúp đời sống của chị ổn định hơn. Chị Tuyền chia sẻ, di sản không chỉ mang lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp mọi người có thêm nhiều những kiến thức lịch sử, văn hóa; từ đó, lan tỏa, quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương với bạn bè trong nước và thế giới.

Hiện, Khu du lịch sinh thái Tràng An đang tạo việc làm cho trên 1.300 lái đò với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng; chủ yếu là phụ nữ từ 45 - 60 tuổi. Theo Ban Quản lý danh thắng Tràng An, nhiều năm nay, đơn vị luôn phối hợp với các ngành mở nhiều lớp tập huấn cho người lái đò để phục vụ du khách chu đáo, an toàn. Hoạt động này không chỉ giúp người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định nuôi sống gia đình mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện hình ảnh khu du lịch trong mắt du khách.

Xây dựng thành công điểm đến thân thiện

Chú thích ảnh
Hồ bán nguyệt mang nét cổ kính nằm trong khuôn viên chùa Thiên Tôn (khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư). Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Những năm qua, bằng việc khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến và tích cực xây dựng văn hóa ứng xử cho người dân, Ninh Bình đã xây dựng thành công điểm đến thân thiện, được nhiều cơ quan báo chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á. Điểm đến Ninh Bình đã được gọi tên trên nhiều chuyên trang du lịch quốc tế. Đặc biệt, trong khuôn khổ giải thưởng thường niên mang tên Traveller Review Awards lần thứ 12, Ninh Bình là 1 trong 3 điểm đến thân thiện nhất tại Việt Nam trong năm 2024. Các bảng xếp hạng trong giải thưởng này dựa trên 309 triệu đánh giá xác thực từ các chuyên gia, du khách.

Trang du lịch Time Out cũng đã xướng tên Ninh Bình đứng vị trí thứ Nhất trong danh sách điểm đến hàng đầu Đông Nam Á với vẻ đẹp hoang sơ tựa viên ngọc quý giữa đất trời. Trang mạng đặt phòng trực tuyến Booking.com bình chọn Ninh Bình trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới… Đó là những minh chứng cho thấy sức mạnh khi bản sắc văn hóa của người dân được khơi dậy, góp phần khẳng định và lan tỏa thương hiệu du lịch địa phương ra thế giới. Để định hình hướng đi bền vững, lan tỏa vẻ đẹp của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư, ngành Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp như: nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch.

Anh Thomas (du khách đến từ Vương quốc Anh) cho biết, gần như năm nào, anh cũng cùng gia đình và bạn bè cũng đến Việt Nam; trong đó luôn có khoảng thời gian để lưu trú tại Ninh Bình. Các hoạt động ở đây và cánh đồng lúa thật tuyệt vời, nếu chỉ xem trên ảnh hay ti vi không thể lột tả hết được vẻ đẹp này.

Từ giai đoạn 2009 đến nay, ngành Du lịch tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức cho hàng chục nghìn lượt người làm du lịch. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, những giải pháp cụ thể về xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch... để mỗi người dân đều trở thành một sứ giả thiện chí. Nhờ những quyết sách kịp thời, sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và ý thức khai thác du lịch bền vững của mỗi người dân địa phương, một hành trình rất dài trong việc tạo dựng thương hiệu đã bước đầu thành công.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, thương hiệu mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho địa phương và người dân mà còn cho các bên liên quan. Vì vậy, chính quyền địa phương, tổ chức và người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu điểm đến, khai thác điểm mạnh; đồng thời có chiến lược phát triển thích hợp nhằm nâng cao vị thế của địa phương.

Ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, những năm qua, Ninh Bình luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng tỉnh trở thành trung tâm du lịch của vùng và quốc gia. Định hướng này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng hợp lý; 90% cơ cấu kinh tế là công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Điều này cho thấy, dịch vụ, du lịch chiếm một vị trí quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Ninh Bình năm 2022 đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; là một trong 16 tỉnh của cả nước tự cân đối ngân sách và điều tiết về Trung ương. Đặc biệt, sau COVID-19, du lịch của tỉnh tiếp tục tăng trưởng hai con số (năm 2022 là 15,15%; năm 2023 là 13,23%).

Những kết quả trên đã khẳng định định hướng, chiến lược đúng đắn của tỉnh trong việc phát huy vai trò của ngành Du lịch, dịch vụ. Thời gian tới, Ninh Bình đặt mục tiêu phát huy mọi tiềm năng lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững; đến năm 2030 là tỉnh khá và cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương theo tính chất đô thị Di sản thiên niên kỷ, Thành phố sáng tạo.

Chú thích ảnh
Ngôi chùa cổ dưới chân núi có chùa Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn). Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Bài cuối: Hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế

Hải Yến (TTXVN)
Tuần du lịch Ninh Bình năm 2023: Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An
Tuần du lịch Ninh Bình năm 2023: Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An

Tuần Du lịch Ninh Bình 2023 diễn ra trong 8 ngày, từ ngày 27/5 - 4/6 và Lễ khai mạc được tổ chức vào ngày 27/5 tại sân khấu thực cảnh dựng trên cánh đồng lúa chín ở khu vực hang hai tuyến du lịch Tam Cốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN