Liên kết phát triển du lịch bền vững - Bài 2: Phục hồi ấn tượng sau đại dịch

Khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các tỉnh ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng trong trạng thái bình thường.

Lượng khách du lịch đến với các địa phương trong gần nửa đầu năm nay không ngừng tăng cao cho thấy tốc độ phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch.

Chú thích ảnh
Ngọn hải đăng Vũng Tàu (phường 2, thành phố Vũng Tàu) thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN

Lượng khách tăng trở lại

Du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu phát triển nền kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ tháng 12/2021, tỉnh cho phép các hoạt động du lịch, dịch vụ mở cửa trở lại kèm điều kiện cam kết phòng dịch.

Nhờ các biện pháp đảm bảo an toàn, lượng khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng tăng cao. Bà Lê Thị Thanh Thái, Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại The Grand Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc) cho biết: Sau giai đoạn dịch COVID-19, khách du lịch đã quay trở lại với đơn vị. Hiện công suất phòng ngày thường là từ 20-30% và đạt đến 80-90% vào những ngày cuối tuần; đặc biệt những ngày lễ đều kín phòng. Sự phục hồi này đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Theo thống kê của ngành Du lịch, đến hết tháng 5/2022, Bà Rịa - Vũng Tàu đón hơn 5,6 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Riêng tổng lượt khách lưu trú tại các khách sạn, resort là hơn 1,4 triệu lượt, tăng 15,98% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đang dần trở lại, tăng 14,4% so với cùng kỳ, tương đương 86.764 lượt khách lưu trú. Doanh thu du lịch toàn tỉnh ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt hơn 5.301 tỷ đồng, tăng 15,87% so với cùng kỳ.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu chia sẻ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có định hướng năm 2026, hoặc ít nhất là năm 2025, ngành Du lịch sẽ đạt được mức tăng trưởng của năm 2019. Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến năm 2023 các chỉ số của ngành Du lịch sẽ đạt mức của năm 2019. Như vậy, có thể nói, sự phục hồi của du lịch địa phương cho đến nay là khá tốt so với các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Chỉ chưa đầy nửa năm, ngành Du lịch hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã gặt hái nhiều thành quả ấn tượng, tăng trưởng vượt trội nhờ vào các chương trình hợp tác, kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ với một loạt những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn dành cho du khách, gắn với thế mạnh của tỉnh như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển…  Riêng trong 5 tháng đầu năm, Bình Thuận đón 1,9 triệu lượt khách, tăng 17% so cùng kỳ 2021; trong đó khách quốc tế đạt 20.000 lượt khách, tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ du lịch ước đạt 3.603 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.

Trong khi đó, lượng khách đến Ninh Thuận rất khả quan. Theo thống kê trong tháng 5/2022, toàn tỉnh đón 355.200 lượt khác (tăng 143,9% so cùng kỳ); trong đó khách nước ngoài đạt 1.200 lượt, khách nội địa 354.000 lượt. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 251 tỷ đồng (tăng 258,6%). Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận đạt hơn 1,1 triệu lượt, bằng 60,3% kế hoạch năm 2022.

Trong đợt khảo sát tiến độ phục hồi du lịch phía Nam vào giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao sự thích ứng, linh hoạt, chủ động vào cuộc của Bà Rịa -Vũng Tàu và các tỉnh ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch đã có bước phục hồi nhanh chóng.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị, các tỉnh cần tiếp tục nắm bắt cơ hội tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng kích cầu thu hút du khách; đồng hành, tham gia cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp để thu hút khách quốc tế trở lại.

Kích cầu du lịch gắn với chuyển đổi số

Chú thích ảnh
Di tích quốc gia đặc biệt tháp Chăm Po Klong Garai điểm đến nổi tiếng tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Kể từ sau đại dịch COVID-19, nhu cầu số hóa các sản phẩm du lịch, điểm đến đang trở nên cần thiết đối với ngành Du lịch. Qua đó tạo sự liên kết, quảng bá cũng như thông tin nhanh nhất đến khách hàng các chương trình kích cầu du lịch của mỗi địa phương, điểm đến du lịch. 

Với mong muốn tìm hướng đi mới, thay đổi xu hướng của người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy quảng bá cũng như tiếp cận nhanh đến du khách, ngay cuối tháng 10/2021, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra mắt sàn thương mại điện tử du lịch và công bố chương trình Hội chợ Du lịch trực tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2021; đồng thời khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng các gói kích cầu, chương trình khuyến mãi; tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng để đón tiếp du khách.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sàn thương mại điện tử du lịch là kênh thông tin giúp du khách thuận tiện đặt mua sản phẩm, dịch vụ trực tuyến với chất lượng uy tín, thông tin rõ ràng, giá cả minh bạch. Đây còn là nơi quy tụ các sản phẩm, đặc sản, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan trên địa bàn, là cầu nối giúp du khách khắp nơi có thể tìm kiếm sản phẩm du lịch tại địa phương. Ngành Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng triển khai các chương trình ưu đãi bán trước - sử dụng sau trên sàn thương mại điện tử du lịch. Thời gian tới, sàn thương mại điện tử này còn được kết nối, liên kết với các sàn thương mại điện tử du lịch khác về lĩnh vực du lịch trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường, gia tăng khả năng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, giới thiệu nhiều hơn về địa phương.

Để tạo thuận tiện cho du khách tìm hiểu thị trường du lịch, tỉnh Ninh Thuận tập trung tăng cường quảng bá, truyền thông về điểm đến Ninh Thuận an toàn, hấp dẫn và thân thiện; đẩy mạnh triển khai ứng dụng du lịch thông minh trên app điện thoại với đầy đủ các tính năng hữu ích cho du khách và đơn vị kinh doanh du lịch. Du khách có thể trải nghiệm kho video về du lịch, các điểm đến, gợi ý các địa điểm ăn uống, khách sạn, nhà hàng, sự kiện nổi bật, dịch vụ ngân hàng, y tế, phương tiện di chuyển… trên địa bàn.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, những điểm đến của du lịch Bình Thuận đã tận dụng những ưu thế của công nghệ, nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới qua thông qua việc đầu tư lắp đặt bộ mã QR (mã phản hồi nhanh) thông tin tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Tại các điểm này, khách du lịch chỉ cần dùng điện thoại hoặc các thiết bị thông minh quét mã QR sẽ được chỉ dẫn đến đường link trang website của ngành Du lịch với tất cả nội dung thông tin, hình ảnh và video clip giới thiệu về điểm đến sẽ được hiển thị. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa vào hoạt động cổng thông tin du lịch thông minh và sàn thương mại du lịch Bình Thuận.

Theo Trung tâm thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận, thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, website, ứng dụng (app) tìm kiếm sản phẩm du lịch, giá phòng khách sạn, vé máy bay, tàu xe... của người dân, du khách hiện khá phổ biến. Vì thế, ngành Du lịch đã phát triển đồng loạt hệ sinh thái truyền thông trực tuyến gồm: website, facebook, instagram, youtube… Từ đó, các hoạt động du lịch trực tuyến, không gian trải nghiệm du lịch thực tế ảo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu, tăng cường trải nghiệm cho du khách và cải thiện môi trường du lịch.

Cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi phương thức truyền thông, quảng bá xúc tiến để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách, ngành Du lịch các tỉnh trên còn chú trọng đến các giải pháp kích cầu du lịch. Xác định du lịch hè năm 2022 là “thời điểm vàng” để phục hồi mạnh mẽ, các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận đã tổ chức các gói, chương trình kích cầu du lịch với nhiều sản phẩm hấp dẫn, mới lạ với giá ưu đãi thông tin trên các phương tiện truyền thông, sàn thương mại điện tử du lịch, sẵn sàng chào đón du khách trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, việc ứng dụng chuyển đối số trong lĩnh vực du lịch là bước đi cho thấy ngành Du lịch các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận có bước chuyển mình năng động bắt nhịp với xu hướng thời đại số 4.0 để hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Cũng như các ngành kinh tế khác, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được ngành du lịch ba tỉnh trên đặc biệt quan tâm và ưu tiên thực hiện. Điều này sẽ giúp du lịch các tỉnh đến gần hơn với du khách và khách du lịch sẽ hiểu rõ hơn về sản phẩm du lịch của các địa phương, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài cuối: Định vị sản phẩm đặc sắc

Huỳnh Sơn - Hồng Hiếu - Nguyễn Thành (TTXVN)
Liên kết phát triển du lịch bền vững - Bài 1: Đa dạng các loại hình du lịch biển
Liên kết phát triển du lịch bền vững - Bài 1: Đa dạng các loại hình du lịch biển

Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu là ba tỉnh ven biển sở hữu hàng trăm km đường bờ biển với rất nhiều vịnh, đảo và hàng loạt các bãi biển đẹp cùng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển cực kỳ phong phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN