Liên kết, hợp tác phát triển tuyến, điểm du lịch

Chiều 6/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức Tọa đàm về “Liên kết phát triển tuyến, điểm du lịch tỉnh Hải Dương năm 2023”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm. 

Tọa đàm có sự tham dự của trên 100 đại biểu đến từ Hiệp Hội Du lịch tỉnh Hải Dương, các sở, ngành, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các Ban quản lý di tích, các khu, điểm du lịch; phòng Văn hóa, thông tin 12 huyện, thị xã, thành phố; cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; phòng quản lý nhà nước thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương.

Tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận, trao đổi về việc xây dựng sản phẩm du lịch mới; hạn chế, khó khăn, thách thức trong kinh doanh dịch vụ, hoạt động du lịch; bàn giải pháp nâng cấp chất lượng quản lý dịch vụ và kết nối điểm, tour tuyến du lịch với các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh; vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc liên kết phát triển du lịch...

Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương khẳng định, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các giải pháp phát triển du lịch và con người xứ Đông. Từ đó, du lịch của Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực.

Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; xây dựng chiến lược và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Hải Dương gắn với các sự kiện, lễ hội lớn qua nhiều kênh truyền thông; xây dựng hệ thống thông tin du lịch (website, bản đồ, chỉ dẫn, quầy thông tin du lịch, tờ rơi…) tiện ích, đa dạng; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong các hoạt động du lịch…

Các cơ quan quản lý nhà nước, các Ban quản lý di tích, các khu, điểm du lịch, danh thắng cần ghi nhận các đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để cùng phối hợp tạo ra môi trường du lịch và nhiều gói dịch vụ tốt hơn để thu hút du khách đến với Hải Dương.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh tích cực phối hợp, triển khai tốt hơn nữa biên bản ghi nhớ đã ký giữa Sở và Hiệp hội; đồng thời làm cầu nối để các thành viên liên kết, hợp tác với các điểm đến, các khu, điểm du lịch. Hiệp hội cũng vận động các thành viên xây dựng thêm nhiều gói dịch vụ ưu đãi để kích cầu, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Đình Tiến đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tích cực phối hợp chặt chẽ với nhau; chủ động xây dựng tour, tuyến có các điểm đến du lịch trong tỉnh với giá hấp dẫn, đa dạng chương trình, đảm bảo chất lượng; nâng cao chất lượng của hướng dẫn viên du lịch; đồng thời có chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt cho khách du lịch.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 14 khu, điểm du lịch cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận; 342 cơ sở lưu trú với 5.731 buồng (trong đó, có 56 khách sạn; 280 nhà nghỉ; 6 homestay); 33 doanh nghiệp lữ hành.

Năm 2022, Hải Dương đón hơn 1,2 triệu lượt khách (tăng 89,8 lần so với năm 2021); doanh thu đạt 587,4 tỷ đồng (tăng gần 48 % lần so với  năm 2021). Sáu tháng đầu năm 2023, Hải Dương đón và phục vụ khoảng 919.667 lượt khách (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ), trong đó có 895.906 khách nội địa (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ), 23.761 lượt khách quốc tế (tăng 10,3 lần so với cùng kỳ). Doanh thu du lịch ước đạt 391,1 tỷ đồng (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Tuy nhiên, du lịch Hải Dương vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: Không có Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch để hỗ trợ du khách; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù nổi trội, thiếu điểm vui chơi giải trí, mua sắm chất lượng cao. Các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên, khai thác những tài nguyên sẵn có, chưa được đầu tư đúng mức và chưa tận dụng khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của du lịch địa phương.

Hải Dương có lợi thế là có nhiều khu, điểm du lịch về văn hóa tâm linh nhưng chưa có dịch vụ cao cấp liên hoàn đáp ứng nhu cầu của du khách như khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí... Sản phẩm du lịch tại các điểm chưa phong phú, chưa có sản phẩm quà tặng cấp tỉnh. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa có liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành để xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến các làng nghề. Các doanh nghiệp lữ hành tỉnh Hải Dương có quy mô hoạt động nhỏ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên, thị trường khách, chất lượng chương trình tham quan, giá cả dịch vụ, chiến lược phát triển địa bàn… còn hạn chế. Hiệp hội Du lịch tỉnh chưa phát huy được vai trò là cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, dịch vụ và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Ký kết giao ước về liên kết, hợp tác phát triển du lịch tỉnh Hải Dương. 

Tại tọa đàm, các Ban Quản lý di tích gồm: Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và một số đơn vị, doanh nghiệp lữ hành đã ký kết giao ước về liên kết, hợp tác phát triển du lịch tỉnh Hải Dương.

Theo đó, các Ban Quản lý di tích sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, phát hành các tập gấp, bản đồ du lịch, đĩa CD, thông tin trên website…; phối hợp tổ chức và tham gia các hội chợ, lễ hội du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu quảng bá du lịch của địa phương. Các Ban quản lý cũng xây dựng các sản phẩm đặc sắc; chỉnh trang cơ sở vật chất và xây dựng nội dung thuyết minh, hướng dẫn tại khu du lịch, điểm thăm quan; thông tin về dịch vụ, giá cả hàng hóa trên trang thông tin điện tử địa phương và hệ thống thông tin đại chúng để phục vụ du khách và cung cấp cho các công ty lữ hành.

Các công ty lữ hành tăng cường quảng bá, thông tin điểm đến và các dịch vụ cho du khách; thiết kế các tour, tuyến du lịch phù hợp với từng nhóm du khách; đào tạo hướng dẫn viên, nhân viên có kiến thức cơ bản về các danh lam thắng cảnh của tỉnh Hải Dương…

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên

Từ tháng 10/2019, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 15, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, được công nhận là Vườn Di sản ASEAN; trở thành 1 trong 10 Vườn Di sản ASEAN của cả nước và là duy nhất ở Đông Nam Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN