Ông Hà Trường Giang, nhân viên Công ty Acecook cho biết: Theo kế hoạch, đơn vị tổ chức thành nhiều đoàn đi du lịch trong tháng 5. Trong đó, nhóm văn phòng công ty sẽ đi Tây Nguyên vào ngày 8/5 của hãng Vietjet cũng phải làm công văn xin báo lùi chương trình tour. Mãi đến hôm qua, đơn vị du lịch mới báo lại là hàng không chấp nhận lùi ngày khởi hành, nhưng phải đóng 200.000 đồng/người gọi là phí bảo lưu định danh.
Tương tự như ông Giang, chị Nguyễn Thị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng hủy chương trình với gia đình đi tham quan Hạ Long (Quảng Ninh), do tỉnh cũng đóng nhiều điểm tham quan. “Với tình hình dịch như hiện nay, gia đình tôi thống nhất hạn chế đi lại để phòng dịch”, chị Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, Giám đốc AZA Travel cho biết: Đến thời điểm này, gần như 100% các đoàn khách khởi hành trong tháng 5 đều tạm dừng. Không chỉ với hàng không, mà với cả khách đi đường bộ cũng đều hủy thời gian khởi hành trong tháng 5 vì tâm lý lo ngại dịch COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng.
“Trao đổi với các đơn vị trong CLB, hầu hết các doanh nghiệp đều thông báo các tình trạng hủy lịch khởi hành trong tháng 5. Các doanh nghiệp đang phải đàm phán với các đối tác dịch vụ để bảo lưu đảm bảo quyền lợi cho khách. Với khách đoàn, hiện các hãng hàng không đều áp dụng chính sách cho bảo lưu chuyển thời gian khởi hành sang các tháng sau đó. Tuy nhiên, với khách lẻ thì căn cứ vào điều kiện đặt vé lẻ.
Với hàng không, nếu khách lẻ đặt vé rẻ gần như chấp nhận bỏ vé; còn với khách đặt hạng cao hơn thì mất phí để đổi ngày. Do đó, nếu công ty nào đặt vé lẻ cho khách sẽ rất phức tạp trong đàm phán bảo lưu dịch vụ. Trong khi đó, các khách sạn và dịch vụ khác cũng được các đơn vị đối tác cho chuyển ngày. Việc bảo lưu dịch vụ này tùy thuộc chính sách và đàm phán của các đơn vị với nhau”, ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing, TSTtourist (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Trong tháng 5, đơn vị có 1 đoàn 25 khách hủy tour đi Nghệ An, còn lại tất cả chấp nhận dời lịch khởi hành sang các tháng sau đó. Đây là lần thứ 4 dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, nên 4 hãng hàng không cũng có chính sách hỗ trợ với công ty du lịch trong bảo lưu, chuyển thời gian khởi hành. Các khách sạn cũng cho công ty lữ hành bảo lưu số tiền đã đặt cọc.
“Đồng thời, công ty cũng chủ động dừng tất cả các chương trình tour khởi hành trong tháng 5, bởi thực tế nhiều điểm đến cũng đóng cửa hoặc dừng nhiều điểm vui chơi. Điều này sẽ rất khó trong công tác tổ chức tour”, ông Mẫn cho biết.
Hiện nay, các đơn vị du lịch cũng cập nhật tình hình phòng chống dịch từ cơ quan chức năng đến du khách để tư vấn, cũng như có chính sách hỗ trợ thủ tục hoàn, chuyển đổi dịch vụ đảm bảo quyền lợi cho du khách. “Với nỗ lực phòng chống dịch của chính quyền, chúng tôi hy vọng dịch COVID-19 sớm được khống chế trong tháng 5, để mùa du lịch hè 2021 tiếp tục được khởi động lại. Trong thời gian này, phòng chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu”, ông Mẫn cho biết.
Cùng với đó, một loạt sự kiện du lịch dự kiến trong tháng 5 cũng được thông báo tạm hoãn và lùi ngày khai mạc; trong đó có Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2021 thông báo lùi sang tháng 6, còn TP Hồ Chí Minh cũng vừa có thông báo tạm hoãn các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Hội du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 17 năm 2021 dự kiến được tổ chức trong tháng 5…