Để kích cầu thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch ra khắp cả nước.
Xúc tiến thị trường miền Trung
Ghi nhận thực tế, sau những chương trình làm việc cấp tỉnh, thành phố, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố miền Trung thống nhất mở lại chương trình du lịch kết nối giữa các địa phương từ tháng 11/2021 đến nay.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... đã và đang nghiên cứu xây dựng, tổ chức chương trình du lịch kết nối, đồng thời trao đổi với địa phương khác trong khu vực để kết nối đa phương, tạo sản phẩm liên vùng đa dạng, hấp dẫn cho du khách. Ghi nhận thời gian qua cho thấy, các địa phương rất chú trọng đến hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng, kéo dài thời gian lưu trú cho khách du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với các thị trường (khách quốc tế đến và khách du lịch nội địa).
Lãnh đạo các địa phương đưa ra giải pháp phát huy thế mạnh và kết nối thuận lợi phương tiện hàng không, đường sắt phục vụ du lịch.
Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, địa phương nói riêng và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp thị trường khách du lịch TP Hồ Chí Minh như sản phẩm du lịch biển đảo, sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực biển… Ngược lại, TP Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch chủ lực như du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - lịch sử… và kết nối đến các tỉnh lân cận.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên là điểm đến mới, địa phương nằm trong vùng chuyển tiếp, kết nối về du lịch thuận lợi với hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Định để tạo nên sản phẩm du lịch liên tuyến. Phú Yên được đánh giá là có sức hấp dẫn riêng khi trở thành điểm đến thu hút khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, phù hợp với thị trường khách du lịch TP Hồ Chí Minh.
Phú Yên và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đã triển khai chương trình liên kết du lịch ở hàng loạt lĩnh vực như: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và khảo sát để hình thành tour, tuyến du lịch giữa hai địa phương, đạt nhiều kết quả cụ thể.
Theo lãnh đạo các tỉnh miền Trung, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch bao gồm tiêu chí cho hoạt động lưu trú, lữ hành và tại các khu, điểm du lịch. TP Hồ Chí Minh tổ chức tuyến, tour du lịch nội vùng theo các tiêu chí an toàn.
Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố miền Trung đạt được những điều kiện cần thiết trong việc tổ chức trở lại hoạt động du lịch nội địa. Đây là nền tảng thuận lợi để TP Hồ Chí Minh và các địa phương miền Trung đảm bảo thành quả phòng, chống dịch, đáp ứng tiêu chí du lịch phải an toàn, an toàn trong du lịch và tận dụng lợi thế từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch.
Kết nối thị trường miền Bắc
Trong bối cảnh cả nước vừa trải qua thời gian dài giãn cách xã hội và đến nay cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phục hồi du lịch theo tinh thần kế hoạch đã đề ra. TP Hồ Chí Minh kỳ vọng góp phần cụ thể trong tham gia phát triển kinh tế gắn với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Do đó, song song với các chương trình khảo sát, tổng kết hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch năm 2021 giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh tháng 12/2021, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố miền Bắc. Thông qua đó, các bên đã nghiên cứu, thảo luận, đề ra giải pháp triển khai hợp tác, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung để quảng bá du lịch, trong đó, ưu tiên xây dựng sản phẩm có tính đặc trưng văn hóa, dễ kết nối, có khả năng thu hút du khách trong, ngoài nước.
Theo ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, địa phương được mệnh danh là “trái tim” của chiến khu Việt Bắc, “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến” khi xưa... Tuyên Quang là địa phương có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với nhiều thắng cảnh đẹp, còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ mộc mạc. Tuyên Quang được ví như “bảo tàng cách mạng” của cả nước với hệ thống hơn 500 điểm di tích lịch sử - văn hóa phong phú, trong đó, có hai Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Kim Bình...Đây còn là nơi hội tụ, giao thoa tinh hoa văn hóa của cộng đồng 22 dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng cùng nhiều lễ hội, làn điệu dân ca thắm đượm tình người và phong vị ẩm thực độc đáo…
Du lịch địa phương này sắp có "cú hích" lớn đó là tuyến cao tốc nối Tuyên Quang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai đang triển khai, khi hoàn thành, khách du lịch từ Hà Nội lên Tuyên Quang chỉ mất 90 phút đi ô tô. Sân bay Phiêng Bung, xã Năng Khả (Na Hang) nằm trong dự án quy hoạch sẽ biến Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình thành trung tâm du lịch của miền Bắc. Theo đó, chương trình hợp tác du lịch TP Hồ Chí Minh và hành trình qua những miền di sản Việt Bắc là sản phẩm du lịch hứa hẹn thu hút du khách trong, ngoài nước.
Cùng quan điểm, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề về hợp tác phát triển du lịch, khai thác sản phẩm liên tuyến giữa TP Hồ Chí Minh và Tuyên Quang. Điển hình, hai địa phương thống nhất thời gian tới, các đơn vị, ngành, doanh nghiệp tăng cường hợp tác, liên kết thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là sự kết nối trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, tâm linh… Riêng TP Hồ Chí Minh đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, hệ thống đường sông trong lòng đô thị, nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị, văn hóa nghệ thuật, công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển mạnh… Tuy nhiên, những lợi thế này chưa khai thác hết hiệu quả, lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều.
"TP Hồ Chí Minh xác định cần thiết phải có sự liên kết hình thành sản phẩm liên tuyến, liên vùng, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp chào bán sản phẩm, dịch vụ du lịch… Trong đó, khi tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và Tuyên Quang nói riêng, các tỉnh, thành miền Bắc nói chung, ngành du lịch, người dân các địa phương sẽ có sự hỗ trợ trong việc khai thác, đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến trải nghiệm dài ngày, đa dạng, lôi cuốn, hấp dẫn hơn cho du khách", bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Bài cuối: Chủ động hoạch định chiến lược phát triển