Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, hội thảo nhằm cụ thể hóa tuyên truyền, một trong những nội dung quan trọng được đề ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trong suốt chiều dài lịch sử nước ta, vùng đồng bằng sông Hồng được gọi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có nhiều thuận lợi về cả địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa và nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững. Đặc biệt là những giá trị về di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển giúp cho ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với nền văn minh sông Hồng.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương Vũ Văn Úy cho rằng, để kết nối ẩm thực với các tour du lịch đạt hiệu quả hơn nữa, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng du lịch ẩm thực ở địa phương, làm nổi bật các món ăn đặc trưng riêng có của địa phương. Với mỗi món ăn cần tạo nên những câu chuyện thú vị gắn với lịch sử, con người, văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Địa phương tập trung đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về lịch sử, văn hóa để nâng cao tính chuyên nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông quảng bá các thương hiệu du lịch gắn với văn hóa ẩm thực. Cùng với các phương tiện truyền thông truyền thống như Đài Phát thanh - Truyền hình, báo trung ương và địa phương, cần thiết phải hợp tác với các food blogger, KOL để quảng bá gắn với trải nghiệm du lịch, tích hợp ẩm thực trong các app du lịch.
Tiến sĩ Mai Xuân Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng chia sẻ, theo thống kê, 80% dòng khách du lịch toàn cầu là khách du lịch văn hóa. Đây là đối tượng khách du lịch có khả năng chi trả cao, ít gây hại đến môi trường và văn hóa địa phương. Những chuyến đi của du khách là tìm hiểu các nền văn hóa khác lạ, độc đáo và mang tính đại diện vùng miền cao. Do đó, người làm du lịch ở các địa phương, xa hơn là các quốc gia trên thế giới có sự phát triển du lịch ở tầm cao đều nhận thức được điều này và không ngừng đề ra những chương trình hành động nhằm tôn tạo, phát huy, quảng bá tiềm năng, tài nguyên văn hóa để thu hút khách đến nhiều hơn, ở lâu hơn, tiêu dùng nhiều hơn khi trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá những giá trị di sản văn hóa nơi họ đến tham quan. Với tính chất quan hệ mật thiết giữa khai thác những giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch, đặc trưng của sản phẩm du lịch - chính là hàng hóa cao cấp mang giá trị văn hóa cao, nhằm thỏa mãn du khách khi được tìm hiểu về đời sống văn hóa của một địa phương, của một vùng đất và xa hơn là văn hóa của một quốc gia.
Ông Phạm Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng chia sẻ, Hải Phòng là một thành phố trẻ, ra đời và phát triển trên nền tảng một vùng đất có bề dầy lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các thế hệ người Hải Phòng đã góp phần quan trọng tạo dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam; đồng thời tạo nên giá trị văn hóa riêng của cộng đồng dân cư miền biển và hải đảo vùng đồng bằng Bắc bộ.
Theo ông Phạm Xuân Thanh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa Hải Phòng. Qua đó, thành phố tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Hải Phòng; bảo đảm văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần xã hội,.
Thành phố tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa chứa đựng hệ giá trị di sản văn hóa Hải Phòng gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch; tăng cường giao lưu, hội nhập, giới thiệu hệ giá trị này với các vùng, miền trong nước và bạn bè quốc tế.