Giàu tiềm năng
Hoành Bồ có trên 33.000 ha diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Tiêu biểu nhất là khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với nhiều loại động, thực vật hoang dã quý hiếm được bảo tồn, tạo nên một bức tranh hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình, trở thành điểm trải nghiệm, khám phá hấp dẫn du khách.
Bên cạnh đó, với trên 30 km bờ biển, Hoành Bồ còn có hàng nghìn ha rừng ngập mặn ven vịnh Cửa Lục, có thể mở những tuyến, điểm du lịch khám phá thiên nhiên biển Hoành Bồ, cũng như đặc điểm tự nhiên vùng Đông Bắc.
Khảo sát các điểm du lịch cộng đồng, văn hóa dân tộc tại Hoành Bồ (Quảng Ninh). Ảnh: CTV |
Hoành Bồ cũng là một địa danh gắn liền với các di tích, danh thắng. Trên địa bàn huyện hiện có 38 di tích, phế tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục bảo vệ, như: Đền thờ vua Lê Thái Tổ, chùa Quýt, chùa Yên Mỹ, di tích thành nhà Mạc, di chỉ khảo cổ hang Hà Lùng, Đồng Vang; khu căn cứ cách mạng Sơn Dương, Bằng Cả, di tích danh thắng Núi Mằn... Trong quần thể Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y Bằng Cả còn lưu giữ được khá nguyên vẹn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Hội làng người Dao, tục cấp sắc, lễ hội cầu mùa, trang phục, chữ viết người Dao cổ...
Hoành Bồ còn có trầm tích văn hóa đa tầng đang đợi được “đánh thức”. Dấu vết của người Việt cổ thời kỳ đồ đá, đã từng cư trú trên dải đất này còn in nét tại các hang động Đồng Đặng, Hà Lùng, hang Dơi. Cạnh đó là dấu vết của người Việt cổ, niên đại được xác định từ thời đồ đá mới, tính ra đã trên dưới 10.000 năm... sẽ trở thành những tiềm năng lịch sử - văn hóa kết hợp cùng với những thế mạnh tự nhiên để đưa vào khai thác du lịch.
Đẩy mạnh quảng bá và liên kết
Tài nguyên du lịch Hoành Bồ phong phú nhưng chưa đủ sức khai thác độc lập khai thác thu hút khách. Đó là đánh giá của đại diện các doanh nghiệp khi khảo sát tuyến điểm du lịch Hoành Bồ mới đây. Hiện tại, sản phẩm du lịch Hoành Bồ chỉ phù hợp làm sản phẩm bổ trợ cho du lịch Quảng Ninh trong vài năm tới. Để thu hút khách, du lịch Hoành Bồ cần tận dụng lợi thế gần với các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh để tạo chuỗi dịch vụ, sản phẩm để kết nối; có thể đầu tư khai thác sản phẩm dã ngoại, mạo hiểm đối với thác Khe Mực, sản phẩm nghiên cứu thiên nhiên rừng lim của già làng Triệu Tài Cao.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh nhận định: Huyện Hoành Bồ cần dành ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch, xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường; cử cán bộ tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng; xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư vào các khu vực thác nước. Làm sao kéo được khách du lịch từ Bãi Cháy vào Hoành Bồ, đừng để khách du lịch chỉ quanh quẩn ở bờ vịnh.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ban tặng, những năm qua, tỉnh đã quy hoạch phát triển các khu du lịch sinh thái rừng trên cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa. Trong đó, huyện Hoành Bồ đã được xác định là một trong những trọng điểm du lịch ưu tiên đầu tư trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2005 - 2020.
Huyện Hoành Bồ cũng đang xúc tiến lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống các dịch vụ để xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình giải trí. Các tuyến du lịch chính đang hình thành gồm: Khu Bảo tồn người Dao Thanh Y Bằng Cả kết nối các tour du lịch từ TP Hạ Long đi Uông Bí, Cẩm Phả; du lịch văn hóa tâm linh, đi qua các điểm di tích các xã, thị trấn Trới, Lê Lợi, Thống Nhất; du lịch sinh thái xã Đồng Sơn với điểm dừng là Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; du lịch sinh thái xã Kỳ Thượng với điểm nhấn là Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, đèo Dài, trung tâm xã Kỳ Thượng. |