Tăng cười xúc tiến, quảng bá du lịch
Từ ngày 1 - 8/3, công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đón liên tiếp 4 tàu biển quốc tế đến Việt Nam, mang theo hơn 4.200 du khách đa quốc tịch, cập các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hạ Long. Đây là số lượng khách nước ngoài kỷ lục mới trong năm 2023 về mật độ tàu biển cập cảng Việt Nam, do Lữ hành Saigontourist cung cấp dịch vụ lữ hành, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của mảng du lịch quốc tế nói chung và du lịch tàu biển nói riêng tại Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám Đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế ở các thị trường trọng điểm và các thị trường mới để đa dạng nguồn khách. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tăng cường hoạt động quảng bá và khai thác các thị trường trọng điểm truyền thống tại châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và chuẩn bị đón nguồn khách từ Trung Quốc từ ngày 15/3. Riêng trong quý 1/2023, Lữ hành Saigontourist sẽ liên tục tiếp đón và phục vụ du khách đa quốc tịch và tàu khách của các hãng tàu như Royal Caribbean Cruise Lines, TUI Cruises, Silversea Cruises, Azamara Cruises, Hapag-Lloyd Cruises, Resort World Cruises…
"Với ưu thế về kinh nghiệm phục vụ những đoàn tàu biển lớn cùng sự đa dạng về tour tuyến, dịch vụ, đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp, đơn vị sẽ đem đến những trải nghiệm lý thú về danh lam thắng cảnh - lịch sử - văn hoá - đời sống - ẩm thực Việt Nam cho du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hy vọng, sau những lần trải nghiệm du lịch tại các địa phương, du khách nước ngoài sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam", ông Nguyễn Hữu Y Yên chia sẻ.
Theo các chuyên gia du lịch, việc xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam không thể chỉ thực hiện theo từng doanh nghiệp mà cần chiến lược tổng thể từ quy mô quốc gia bài bản, đồng bộ cho các thị trường trọng điểm để đa dạng thị trường nguồn khách.
"Năm 2022, Việt Nam gần như chỉ có 1 đợt xúc tiến quảng bá ở nước ngoài là nước Anh. Trong khi đó, xúc tiến du lịch, bao gồm cả "chuyến đi kỹ thuật" - tức những chuyến đi thường xuyên, liên tục để "nhắc" du khách nhớ tới du lịch Việt Nam rất quan trọng. Bởi thông qua các chuyên đi này, các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội du lịch… có cơ hội tiếp xúc, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với các Hiệp hội du lịch các nước, doanh nghiệp đối tác nước ngoài cũng như ghi nhận, nắm bắt thông tin các nước bạn, có cơ sở để học hỏi kinh nghiệm cũng như điều chỉnh chính sách phù hợp trong nước", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, sự kiện truyền thông được ví như "sóng sau đè sóng trước", nếu không luôn gợi nhớ, nhắc nhớ sẽ quên ngay. Vì vậy, doanh nghiệp cần đóng góp kinh phí tham gia quảng bá xúc tiến để hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam, nếu trông chờ vào ngân sách nhà nước sẽ khó có thể xúc tiến, quảng bá thường xuyên, liên tục.
Ứng dụng công nghệ số
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời đại công nghệ số, khoảng cảnh địa lý không còn là rào cản để thúc đẩy quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng. Vì thế, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chiến dịch truyền thông quảng bá điểm đến TP Hồ Chí Minh thông qua đẩy mạnh tiếp thị bằng công nghệ để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch đã được chú trọng. Đến nay, du lịch thành phố đã thực hiện tương tác trên hệ sinh thái Google, giúp tiếp cận đến đông đảo người dùng và tăng mức độ nhận diện cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh trên website riêng.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh xuất hiện hình ảnh trên kênh truyền hình, trang điện tử của hãng truyền thông quốc tế CNN. TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2023 đến với các thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, Sở cũng đang phối hợp với Trung tâm kinh doanh VNPT TP Hồ Chí Minh thiết lập, kết nối tổng đài 1022 để làm đầu mối cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách trong và ngoài nước khi đến TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh xác định, du lịch thông minh sẽ là định hướng quan trọng trong thời gian tới. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp tích cực cùng các đơn vị liên quan triển khai hai nội dung quan trọng của đề án Du lịch thông minh, là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ du lịch, phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý.
"Ngoài tầm quan trọng của việc làm sản phẩm mới, chú trọng các sản phẩm đặc trưng tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thì đẩy mạnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền thông, quảng bá du lịch được TP Hồ Chí Minh đầu tư cả cơ sở vật chất lẫn con người, từ đó nâng cao chất lượng quảng bá điểm đến. Các nội dung truyền thông điểm đến được Sở thay đổi liên tục để có thể quảng bá, xúc tiến đa dạng sản phẩm đến nhiều thị trường khác nhau. Đây là cách thức nhanh nhất để TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành du lịch, tăng độ nhận diện của ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, TP Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch trọng điểm lớn nhất cả nước. Vì vậy, để thu hút du khách quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như: nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch TP Hồ Chí Minh; duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp chất lượng, bổ sung nhân lực; nâng cao chất lượng các sản phẩm, sự kiện du lịch hiện có và phát triển, gia tăng trải nghiệm trong sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố.
Ngoài ra, trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương khác, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá vào các thị trường mục tiêu, thị trường nguồn; chú trọng đặc biệt đến việc sử dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế; tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. TP Hồ Chí Minh cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp du lịch, tạo điều kiện kinh doanh du lịch thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ phục hồi khách du khách...
Bài cuối: Đổi mới để tăng doanh thu