Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân Chum Chetra, 31 tuổi, quốc tịch Campuchia. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Để du lịch y tế phát triển ngang tầm các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần có những chiến lược phát triển cụ thể và mang tính dài hơi.
Nhiều tiềm năng Cách đây 1 tháng, ông Nguyễn M, 61 tuổi, một Việt kiều sinh sống tại Thụy Điển, trong lần về thăm quê hương đã đến Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành.
Ông M cho biết mắc bệnh tim đã lâu, từng điều trị tại bệnh viện ở châu Âu nhưng chưa điều trị dứt điểm. Mới đây qua tìm hiểu, được biết khả năng điều trị của các bác sỹ Việt Nam không thua kém ở châu Âu, trong khi chi phí lại rẻ hơn nhiều nên ông quyết định về Việt Nam phẫu thuật. Sau can thiệp, sức khỏe và tinh thần ông M phục hồi nhanh chóng khiến ông rất hài lòng về sự lựa chọn của mình.
Trước ông Nguyễn M, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài đến khám chữa bệnh. Trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 lượt người nước ngoài khám ngoại trú và hơn 1.000 lượt điều trị nội trú ở bệnh viện này.
Những chuyên khoa tiếp nhận khách nước ngoài nhiều nhất là tim mạch, tiêu hoá, gan mật tụy, thần kinh, chấn thương chỉnh hình, thẩm mỹ, chăm sóc da…
Để thu hút bệnh nhân người nước ngoài, từ tháng 9/2017, Bệnh viện Đại học Y dược đã thành lập Phòng khám quốc tế phục vụ riêng cho đối tượng này với đầy đủ trang thiết bị và các chuyên khoa sâu cùng với có đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, thành thạo nhiều ngoại ngữ hỗ trợ khách hàng xuyên suốt quá trình khám chữa bệnh.
Ngoài Bệnh viện Đại học Y dược, trong những năm qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số bệnh viện đã bắt đầu tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài như: Bệnh viện Chợ Rẫy với hơn 1.200 lượt bệnh nhân, Bệnh viện FV khoảng 20.000 lượt bệnh nhân.
Các bệnh viện Từ Dũ, Vạn Hạnh, Bệnh viện Răng hàm mặt Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm cũng đón khoảng 500 bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh, chủ yếu là ngoại kiều và bệnh nhân đến từ các nước Mỹ, Australia, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, một số nước Châu Phi…, bước đầu hình thành dịch vụ “du lịch y tế”.
Nhận định về tiềm năng du lịch y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng thành phố có lợi thế lớn khi tập trung nhiều bệnh viện công lập và tư nhân như Bệnh viện Đại học Y Dược, Chợ Rẫy, Từ Dũ, FV... với chất lượng chuyên môn ngang tầm khu vực, nhiều kỹ thuật chuyên sâu đẳng cấp quốc tế trong khi chi phí điều trị lại thấp hơn nhiều các nước khác. Trong đó, các loại phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, điều trị chỉnh hình là thế mạnh.
Đặc biệt, những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng trong việc chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tỷ lệ thành công cao và kỹ thuật châm cứu trong y học cổ truyền Phương Đông với giá dịch vụ rẻ hơn 70% so với phương Tây và các nước trong khu vực.
Cần có chiến lược dài hơi Nhận định về thị trường du lịch y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Du lịch y tế Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với ngành du lịch y tế các nước trên thế giới và trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore. Số lượng bệnh nhân là người nước ngoài đến thành phố chữa bệnh chủ yếu là từ Lào, Campuchia và một số lượng kiều bào từ Mỹ, Canada, Australia…
Từng khá thành công khi đã xây dựng được thương hiệu “phẫu thuật thẩm mỹ” trong giới Việt kiều Mỹ, Australia, Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc với công nghệ thẩm mỹ không thua kém Hàn Quốc mỗi tháng thu hút được khoảng 150 bệnh nhân là người nước ngoài đến Việt Nam thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Hiện, Bệnh viện đã thành lập Văn phòng giao dịch tại California (Mỹ) nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa thương hiệu của mình. Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, trong những năm qua, bệnh viện phát triển du lịch y tế một cách “đơn độc” và “tự phát”.
Nếu như có được sự hỗ trợ, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành cũng như chiến lược dài hơi, cụ thể của các ban, ngành, cơ quan chức năng, việc quảng bá du lịch y tế sẽ tốt hơn.Bệnh viện sẵn sàng tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch y tế.
Bác sỹ Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ thành phố cho rằng, để đẩy mạnh việc quảng bá du lịch y tế của Việt Nam ra thế giới, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành.
Hiện thành phố có 17 bệnh viện tư nhân làm thẩm mỹ, chưa kể hàng ngàn spa chăm sóc da. Trong 10 năm trở lại đây, dịch vụ phẫu thuật phát triển mạnh, tay nghề bác sỹ không ngừng nâng cao, gần như tất cả các sản phẩm thẩm mỹ đều có thể thực hiện được.
Đơn cử như kỹ thuật tạo hình thành bụng là khó nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ, các bác sỹ Việt Nam cũng hoàn thành trong vòng 10 ngày.
Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho hay, nếu các đơn vị lữ hành đứng ra điều phối, sắp xếp việc đưa khách hàng đến với bệnh viện sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho khách hàng khi kết hợp du lịch và khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt nhận định, các doanh nghiệp lữ hành đã nhận ra tiềm năng du lịch y tế của thành phố từ lâu. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn chưa chú trọng mảng này nên khách du lịch nước ngoài còn khá e dè. Đa số họ mới chỉ lựa chọn các dịch vụ ít ảnh hưởng đến sức khỏe với thủ thuật đơn giản như làm răng, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp…
Do đó, chuyên nghiệp hóa dịch vụ du lịch y tế là điều mà các bệnh viện cần làm ngay nếu muốn thu hút khách du lịch đến khám chữa bệnh. “Nếu như bệnh viện có thêm các chứng nhận từ các Hiệp hội Y tế quốc tế để tạo uy tín, các doanh nghiệp lữ hành sẽ dễ dàng hơn trong việc quảng bá dịch vụ với khách du lịch nước ngoài”, ông Phan Đình Huê đề xuất.
Ông Nguyễn Minh Quyền, Công ty Du lịch Bến Thành cho rằng, chìa khóa để phát triển du lịch y tế vẫn là chất lượng điều trị và sự an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu bởi đây là loại hình du lịch mang tính rủi ro cao.
Có thương hiệu riêng, chất lượng tốt, dịch vụ chuyên nghiệp sẽ là những điểm cộng để khách nước ngoài lựa chọn Việt Nam du lịch y tế mà không phải các nước khác.
Để tạo “cú hích” cho du lịch y tế, mới đây, ngành Du lịch và ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ngồi lại cùng nhau bàn cách tháo gỡ đưa dịch vụ này trở thành mũi nhọn của ngành du lịch thành phố.
Hai bên đã tạo sự kết nối giữa bệnh viện và các doanh nghiệp lữ hành, bước đầu xây dựng, tạo ra các tour du lịch y tế nhằm đẩy mạnh quảng bá những tiềm năng y tế sẵn có.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi thống nhất, thành phố đã lựa chọn các sản phẩm mũi nhọn trong dịch vụ du lịch y tế như khám sức khỏe và tầm soát bệnh, chăm sóc sức khoẻ bằng y học cổ truyền, sức khỏe sinh sản, tim mạch, chăm sóc da, nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ, tai mũi họng…11 bệnh viện công lập, tư nhân đã đăng ký tham gia cung cấp các sản phẩm du lịch nêu trên, bao gồm: Bệnh viện Đại học Y dược, Răng hàm mặt, Từ Dũ, Nhi đồng Thành phố, Da liễu, Tai mũi họng, Hoàn mỹ, Xuyên Á, Viện Y học dân tộc…
Cũng theo kế hoạch thống nhất giữa Sở Du lịch và Sở Y tế, sau giai đoạn thử nghiệm, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng loại hình dịch vụ y tế theo định hướng thành phố là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và trong khu vực, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong, ngoài nước khi đến tham quan, du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.