Du lịch và thương hiệu nông sản - Bài cuối: Khai thác theo chiều sâu, gia tăng trải nghiệm

Hiện nay du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch gắn với sản xuất, chế biến nông sản.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan, chụp ảnh tại Tổ hợp tác hoa, kiểng khóm Tân An, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Song, thực tế nhiều sản phẩm du lịch khai thác từ các ngành hàng nông sản chủ lực vẫn chưa “bộc lộ” được hết những nét độc đáo, chưa tạo cho du khách cơ hội trải nghiệm toàn diện các khía cạnh lịch sử, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, ẩm thực... Vì vậy, để vừa tăng giá trị cho nông sản, vừa tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch từ thế mạnh các ngành hàng chủ lực, đòi hỏi sự đổi mới, đột phá trong thiết kế, xây dựng sản phẩm phục vụ du khách.

Khai thác theo chiều sâu

Từ lợi thế các ngành hàng chủ lực, nhiều địa phương đã có sự đầu tư, xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông sản, đặc sản địa phương không phải chỉ là cho du khách nhìn thấy hay “chạm đến” các mặt hàng nông sản, mà cần được đẩy mạnh khai thác theo chiều sâu, tăng trải nghiệm để nhấn mạnh nét độc đáo, sự khác biệt trong sản xuất nông sản, tăng sức hút du lịch.

Quan tâm phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Đồng Tháp định hướng phát triển 7 bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm gắn với các ngành hàng nông sản chủ lực ở địa phương. Đó là các sản phẩm: Làm nông dân xứ Sen Hồng; Kể chuyện nhà nông, Làng hoa Sa Đéc - hương sắc trăm năm; Tháp Mười - vương quốc sen hồng; Cao Lãnh - xứ sở xoài; Lai Vung -thế giới quýt hồng; Hồng Ngự - thủ phủ cá tra.

Đề cập giải pháp phát triển ngành hàng sen Đồng Tháp theo hướng nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn thông tin, tỉnh phát triển vùng sản xuất sen tập trung, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời phục vụ phát triển du lịch để nâng tầm giá trị kinh tế và giá trị văn hóa cho ngành hàng sen.

Các ngành, địa phương trong tỉnh hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các hộ dân, hợp tác xã trồng và chế biến các sản phẩm từ sen tăng liên kết trong sản xuất kết hợp khai thác du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, Đồng Tháp tiếp tục tổ chức lễ hội sen gắn với lịch sử, văn hóa địa phương, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch "Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen".

Gợi mở hướng phát triển du lịch từ ngành hàng nông sản chủ lực theo chiều sâu, tạo ấn tượng nhiều hơn với du khách, cụ thể là sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên hoa sen Đồng Tháp, Giáo sư Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, du lịch hoa đã trở thành xu hướng trong phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng Tháp hoàn toàn có cơ sở đẩy mạnh khai thác du lịch dựa trên tài nguyên bản địa hoa sen của địa phương. Để khai thác tốt định hướng này, ngành Du lịch Đồng Tháp cần "làm mới". Trong đó, có thể nghiên cứu xây dựng công viên chủ đề hoa sen - nơi hội tụ nhiều giống sen quý hiếm của các quốc gia khác trên thế giới. Từng khu, điểm du lịch nên kết hợp văn hóa về sen để xây dựng tour du lịch đặc trưng như du lịch sen tâm linh, du lịch sen di sản… Các doanh nghiệp du lịch lữ hành tăng cường gắn kết với các trang trại, cơ sở sản xuất để tăng cơ hội cho du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động chế biến, mua sắm, thưởng thức các sản phẩm được chế biến, sản xuất từ nông sản nổi bật ở địa phương.

Cùng quan điểm cần có những sản phẩm du lịch đặc sắc hơn gắn với ngành hàng chủ lực từng địa phương, với ngành hàng dừa của tỉnh Bến Tre, Tiến sĩ Phạm Văn Luân (Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) cho rằng, du lịch xứ Dừa Bến Tre có thể phát triển nhiều hơn sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với cây dừa như tìm hiểu tính biểu tượng, khía cạnh lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nhạc cụ biểu diễn nghệ thuật, tác phẩm văn học, đặc sản ẩm thực...

Kết nối, mở rộng điểm đến

Chú thích ảnh
Hàng chục ngàn người dân và du khách tham gia lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá ngự trên đình núi Sam xuống Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam ở dưới chân núi. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Từ các ngành hàng nông sản chủ lực, để phát triển du lịch hiệu quả, cùng với phát triển sản phẩm, giải pháp không kém phần quan trọng là tăng cường kết nối, mở rộng không gian, kết hợp nhiều loại hình, sản phẩm du lịch giới thiệu đến du khách. Qua đó, vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa quảng bá các đặc trưng văn hóa như đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh, làng nghề ở địa phương.

Nhấn mạnh giải pháp kết nối, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch Thành phố và 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang phát động chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn của các địa phương với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”, qua đó tăng cường phát hiện, giới thiệu và kết nối đa dạng hơn các điểm đến từ thế mạnh của mỗi địa phương, trong đó có thế mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, phát triển du lịch Đồng Tháp từ đặc trưng nhiều ngành hàng chủ lực như sen, xoài, hoa-cây kiểng, cá tra, tỉnh tăng cường kết nối các điểm đến, kết hợp tổ chức các lễ hội từng ngành hàng gắn với một số hoạt động lễ hội truyền thống, lịch sử khác như: Lễ giỗ thường niên Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ vía Bà Chúa Xứ, lễ Tưởng niệm Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều... tạo chuỗi sản phẩm hấp dẫn, nhiều trải nghiệm trong cùng một chuyến du lịch cho du khách. Đồng thời, cùng với các tour du lịch nội tỉnh, Đồng Tháp tăng cường phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng với các điểm đến kết hợp giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, An Giang và một số tuyến du lịch quốc tế, qua cửa khẩu Dinh Bà, cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) sang Campuchia.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Du lịch Vĩnh Bình (tỉnh Trà Vinh) đề xuất, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng, mỗi địa phương có thế mạnh, mặt hàng nông sản nổi bật. Các tỉnh nằm ven biển phía Đông Nam đồng bằng có thế mạnh nuôi trồng thủy sản nước mặn và canh tác các loại cây có múi. Các tỉnh phía Tây Nam của vùng có thế mạnh trồng lúa, các loại cây ăn quả và nuôi thủy sản nước ngọt. Hiện nay, hạ tầng giao thông của vùng cũng ngày càng được hoàn thiện hơn, kết nối với đường cao tốc, những cây cầu nối các nhánh sông, thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung, ngành “công nghiệp không khói” nói riêng. Các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết, tạo nhiều chuỗi hành trình dựa theo đặc thù này để phát huy thế mạnh hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.

Thanh Trà (TTXVN)
Du lịch và thương hiệu nông sản - Bài 1: Sen hồng, dừa xanh thành sản phẩm kinh tế du lịch
Du lịch và thương hiệu nông sản - Bài 1: Sen hồng, dừa xanh thành sản phẩm kinh tế du lịch

Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch từ các sản vật nông nghiệp, các thương hiệu hàng hóa là hướng phát triển được các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch vùng có thương hiệu quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch biển…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN