Nhằm kích cầu du lịch mùa hè 2012, các hãng hàng không nội địa và các doanh nghiệp du lịch đang phối hợp thực hiện những chương trình giảm giá mạnh các tour du lịch.
Kiểm soát chất lượng dịch vụ
Lên kế hoạch từ tháng 4, Vietnam Airlines (VNA) chọn 18 doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh và mới đây là 5 doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội thực hiện đợt giảm giá kích cầu du lịch nội địa. Dựa trên thế mạnh của mình, các đơn vị sẽ xây dựng sản phẩm tour riêng với giá giảm khoảng 30 - 40% so với hiện tại.
Vẻ đẹp hoang sơ bãi biển Đại Lãnh (Phú Yên). |
Một trong những lý do khiến VNA chỉ chọn một số doanh nghiệp lữ hành lớn trong dịp này là để kiểm soát được chất lượng của chương trình kích cầu. Bên cạnh việc giảm giá vé máy bay từ 30 - 40% tùy chặng, các doanh nghiệp lữ hành cũng phải đàm phán với các đơn vị cung cấp dịch vụ tại điểm đến (land tour) có mức giảm phù hợp 20 - 30% để từ đó có thể giảm 40% tổng giá tour. “Chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển mà muốn hướng tới giá tour giảm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ. Tính đến cuối tháng 5, số lượng đặt chỗ của các doanh nghiệp lữ hành tham gia kích cầu đợt này khoảng 11.000 chỗ, khởi hành từ tháng 6 cho đến tháng 12/2012 và số lượng này tiếp tục còn tăng theo nhu cầu của khách”, bà Lê Kim Ánh, Phó Giám đốc Văn phòng khu vực miền Bắc cho biết.
Sau khi được chọn tham gia chương trình, 5 doanh nghiệp lữ hành miền Bắc gồm Vietrantour, Hanoi Redtour, Ánh Dương, Vietravel Hà Nội, Saigontourist Hà Nội đã tung ra khoảng 20 chương trình tour sử dụng đường vận chuyển hàng không VNA, với mức giảm giá từ 35 - 40%. Đơn cử như giá tour Hanoi Redtour: Hà Nội - Đà Nẵng - Quảng Nam 4 ngày 3 đêm giá 5,5 triệu đồng (giảm 2 - 2,5 triệu đồng); Hà Nội - Quy Nhơn Bình Định; Hà Nội - Nha Trang - Tuy Hòa là 6,7 triệu đồng (giảm so với giá cũ 3 triệu đồng). Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho biết, các tour khuyến mại công ty tổ chức khai thác hướng tới đường bay mới đến Chu Lai, Quy Nhơn, Tuy Hòa, nhằm giúp khách trải nghiệm những vùng biển mới, thay vì các điểm đến quen thuộc, không phải chịu cảnh quá tải thường thấy.
Chị Thu Anh, đại diện Vietrantour cho biết: “Trong đợt kích cầu này, Vietrantour đưa ra 20 sản phẩm dựa trên 7 tuyến bay VNA như: Hà Nội - Cần Thơ, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột, Hà Nội - Tuy Hòa - Quy Nhơn, Hà Nội - Quy Nhơn - Buôn Ma Thuột, Hà Nội - Chu Lai, Hà Nội - TP.HCM. Có thể thấy, sau khi tung ra gói kích cầu, lượng khách đến lấy thông tin về chương trình và đặt tour tăng mạnh, nhất là khách đoàn, công ty; trong đó có đoàn lên tới 600 khách.
“Lợi ích rõ nhất là người Việt quan tâm hơn tới tour nội địa bởi giá giảm 2 - 3 triệu đồng/tour. Chẳng hạn như tour giá cao nhất Vietrantour triển khai đi Hà Nội - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau giá cao nhất là khoảng 7,5 triệu đồng trong khi tour đi Thái Lan là 8,5 triệu đồng. Từ sự khởi xướng của VNA, các hãng lữ hành đã đàm phán với dịch vụ mặt đất có mức giảm tương ứng để đưa giá giảm 40% nhưng vẫn cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ”, chị Thu Anh cho biết.
Hướng tới quyền lợi người tiêu dùng
Một đối tác mà các hãng lữ hành hợp tác đó là hàng không mới tham gia thị trường VietJetAir, hãng vừa mở đường bay tới hai điểm du lịch Đà Nẵng và Nha Trang. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho biết: Đây là hai điểm du lịch khá “hot” mùa hè trong tour nội địa, nên các chuyến bay đều kín chỗ. Do hoạt động với mô hình giá rẻ và để đảm bảo quyền lợi cho du khách, chúng tôi đã có những thương lượng để đảm bảo cho hành khách như được ký gửi hành lý 20 kg dù giá vé thông thường chỉ được mang 7 kg, bố trí thời điểm tour hợp lý để khách dùng bữa tiện nhất... Hiện nay, bình quân hàng tuần, đơn vị cũng đang có 1 đoàn sử dụng dịch vụ của VietJetAir.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng giám đốc VietJet cho biết: Việc mở hai tuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM tới Đà Nẵng và Nha Trang là hai địa điểm du lịch giúp thuận lợi hơn trong việc đi lại của du khách với mức giá hợp lý. VietJet cũng hợp tác với những hãng lữ hành lớn trong cả nước để có thể đưa ra những chương trình tour với giá cả phù hợp. Hiện VietJet cũng đang trong quá trình đàm phán với Hiệp hội Du lịch TP.HCM để có chương trình hợp tác cụ thể. Đồng thời hợp tác với địa phương là điểm du lịch trong quá trình quảng bá xúc tiến để cùng thu hút khách.
Khi có khách đoàn lập tour, khách yêu cầu bóc tách một số dịch vụ để so sánh, chẳng hạn vận chuyển bằng tàu hỏa, máy bay. Dựa vào tài chính, nhiều đoàn yêu cầu giá rẻ và hợp lý về thời gian di chuyển để yêu cầu các hãng lữ hành thiết kế. “Vì vậy, trong 4 hãng hàng không hiện nay, nhất là khi có kích cầu du lịch, họ chọn đi VNA. Nếu hết chỗ, họ chuyển sang đi VietJetAir, tiếp đến mới chọn Air Mekong, Jetstar”, chị Thu Anh cho biết.
Trong thời buổi khó khăn kinh tế, giá đang là yếu tố để khách hàng so sánh đầu tiên, việc các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ tại điểm đến cùng bắt tay giảm giá, trong khi vẫn bảo đảm chất lượng, giá dịch vụ du lịch mùa hè bị đẩy lên cao. “Thậm chí, các đơn vị lữ hành và các hãng hàng không tham gia vào kích cầu du lịch sẽ không có lợi nhuận trong chiến dịch này, nhưng sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt được hưởng các dịch vụ ưu đãi và không phải ra nước ngoài du lịch. Cái cần ở đây là các điểm đến phải có những dịch vụ hấp dẫn để nâng cao chi tiêu của khách, mang lại lợi ích cho kinh tế địa phương” - ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam nhận xét.
Bài và ảnh: Xuân Cường